Vấn đề pháp lý của việc trao giải thưởng hiện nay

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trao đổi với phóng viên kênh truyền hình Thông tấn về vấn đề pháp lý liên quan tới hoạt động trao giải thưởng hiện nay, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

Cách đây không lâu chương trình trao cúp và bằng chứng nhận vinh danh "Nghệ nhân văn hoá dân gian", Tôn vinh "cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cống hiến vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc" đã bị đình chỉ tổ chức theo công văn số 4916 - BVHTTDL - TTr ngày 27/11/2015. Do phát hiện có nhiều sai phạm trong quá trình triển khai. Trong đó, nổi lên là việc Công ty Cổ phần Truyền thông và Dịch vụ Truyền hình VN, có địa chỉ tại số 91 Nguyễn Khang - Quận Cầu Giấy - Tp. Hà Nội, tự ý đưa tên Bộ VHTT&DL vào chương trình tôn vinh nhằm quyên góp kinh phí hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia là mang tính chất trục lợi. Cụ thể, trong bộ hồ sơ công ty này đã đưa ra các khoản phí tài trợ và hỗ trợ tham gia chương trình là từ 30 triệu tới 1 tỷ đồng, đính kèm 2 bản hợp đồng kinh tế đã được soạn thảo sẵn.

Câu hỏi: Việc lồng ghép hợp đồng kinh tế vào bản đăng ký các chương trình trao giải, trao cúp như vậy có được coi là hoạt động "mua bán" danh hiệu "trá hình" không?

Trả lời: Việc lồng ghép hợp đồng kinh tế vào bản đăng ký các chương trình trao giả, trao cúp như vậy là không phù hợp bởi vì nó tạo một cảm giác cho những người tham gia bình chọn là cần phải đóng tiền thì mới được nhận chứng nhận, giải thưởng.

Bên cạnh đó, theo quy định của điểm 2, Điều 4 của Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 về Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp thì đơn vị tổ chức không được huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và giải thưởng.

Câu hỏi: Có vi phạm về pháp luật thi đua, khen thưởng theo quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ không? Các quy định pháp luật có liên quan tới vấn đề này?

Trả lời: Hiện nay, vấn đề thi đua, khen thưởng được quy định bởi Luật thi đua, khen thưởng năm 2002 và được sửa đổi, bổ sung năm 2013, Nghị định 65/2014 hướng dẫn luật thi đưa khen thưởng, Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp. Thông tư số 01/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ : Quy định chi tiết thi hành Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp

Các văn bản này tạo ra một hành lang pháp lý cho hoạt động xét, bình chọn thi đua khen thưởng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp.

Liên quan tới vụ việc trên, có thể thấy có những dấu hiệu có thể vi phạm các văn bản nêu trên như sau:

Thứ nhất: Đơn vị tổ chức chưa công bố thông tin một cách rõ ràng cho những người tham gia và cơ quan nhà nước về nội dung, thể lệ của việc bình chọn.

Thứ hai: Đơn vị tổ chức có đưa ra thông tin về việc tặng Giấy chứng nhận về nghệ nhân dân gian, đây thuộc thẩm quyền của Bộ văn hoá, thể thao và du lịch, nhưng trong vụ việc này Bộ chỉ có công văn chào mừng, không phải là đơn vị đứng ra vinh danh và tổ chức.

Thứ ba: Theo quy định của luật, trước khi tiến hành quảng bá chương trình, đơn vị tổ chức phải tiến hành xin phép và khi có giấy phép mới có thể tiến hành quảng bá, tuy nhiên, tại vụ việc này, cơ quan tiến hành có ghi trong tờ Giấy chứng nhận người ký là Bộ và các cơ quan khác, để ở dạng dự kiến, như vậy là chưa rõ ràng.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan