VẤN ĐỀ CỦA KIỀU BÀO VIỆT NAM

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật SB Law đã có một cuộc phỏng vấn ngắn về những vấn đề liên quan đến kiều bào Việt Nam.

  • PV: Người VN ở nước ngoài hiện nay, họ đang quan tâm nhiều đến những vấn đề gì?

Luật sư trả lời:

Những vấn đề mà người Việt Nam ở nước ngoài quan tâm đó là:

Thứ nhất, vấn đề về quốc tịch, họ thường thắc mắc về việc Pháp luật Việt Nam thì quy định nguyên tắc một quốc tịch, tuy nhiên họ có được phép đồng thời có quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài không? ; hay là việc con của họ có được mang quốc tịch Việt Nam khi sinh ra ở nước ngoài không?; vợ, chồng là người nước ngoài thì có được mang quốc tịch Việt Nam không? ...

Thứ hai, vấn đề về quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở, nhà chung cư của người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài.

Thứ ba, vấn đề cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ những người Việt Nam ở nước ngoài đó là họ được hưởng những ưu đãi nào từ nhà nước khi đầu tư về Việt Nam.

  • PV: Về những vấn đề đó, luật pháp của VN đã và đang có những điều chỉnh như thế nào để ngày càng tạo điều kiện hơn cho lực lượng kiều bào? Ví dụ như những thay đổi nào luật sư cho rằng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào? (cụ thể điều nào chương nào luật nào đã thay đổi để tạo thuận lợi về thủ tục, quyền lợi của Việt kiều trong vài lĩnh vực. Sự thay đổi đó tích cực hơn thế nào so với trước đây)

Luật sư trả lời:

Lực lượng doanh nhân Việt kiều có tiềm lực kinh tế rất lớn đang có xu hướng chuyển nguồn vốn đầu tư về Việt Nam ngày càng cao nhờ các chính sách kêu gọi đầu tư. Cùng với kiều hối, đây là một nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. Nhà nước đã có nhiều thay đổi về chính sách pháp luật, ngày càng tạo cho những đối tượng này nhiều khoản hỗ trợ, ưu đãi:

Đơn cử trong lĩnh vực đất đai và nhà ở: Chính sách ngày càng mở rộng không những về đối tượng mà còn là phạm vi quyền. Thời điểm năm 2003, Nhà nước đã có một loạt các quy định về đất đai liên quan đến người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trong đó có những quy định tạo sự ưu đãi hơn, điều kiện thông thoáng hơn cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê.

Những quy định của Luật Đất đai năm 2003 đã góp phần tạo ra một quỹ nhà ở không nhỏ để đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân, đồng thời giúp tạo ra bộ mặt đô thị ngày càng hiện đại. Hiến pháp năm 2013 và Luật Đất đai năm 2013 đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho quyền có nhà ở được ghi nhận trong Luật Nhà ở năm 2014. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Ngoài ra, để kêu gọi đầu tư, Nhà nước cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ về chuyển giao công nghệ, đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ đầu tư phát triển và dịch vụ đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Bên cạnh những chính sách chung theo quy định của pháp luật, các nhà đầu tư có thể tham khảo các chính sách khuyến khích về mặt bằng thực hiện dự án, chi phí quảng cáo, thưởng môi giới đầu tư… từ các địa phương mà mình tiến hành kinh doanh, tạo dựng cơ sở.

  • PV: Một trong những vấn đề quan tâm hiện nay của kiều bào đó là việc đầu tư ở quê nhà. Anh nhận thấy điều này như thế nào qua các câu hỏi họ đã gửi về chương trình?

Luật sư trả lời:

Thực tế, các nhà đầu tư đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, và Việt Nam cũng đang nhận được rất nhiều các nguồn đầu tư nước ngoài. Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lý tạo thuận lợi cho việc lưu thông, lưu chuyển hàng hóa; dân số trẻ, nhân công giá rẻ; cùng với đó là cuộc chiến hương mại Mỹ-Trung dẫn tới hiện tượng một loạt các công ty lớn trên thế giới dịch chuyển các nhà máy sản xuất lắp ráp về Việt Nam, biến Việt Nam trở thành công xưởng toàn cầu thay thế vị trí Trung Quốc.

Chính vì thế, thị trường bất động sản cũng trở lên hết sức sôi động, kéo theo nền kinh tế Việt Nam đi lên hết sức mạnh mẽ; một điểm nổi bật của Việt Nam là chính trị, trật tự xã hội hết sức ổn định. Do đó, đầu tư vào Việt Nam được cho là lựa chọn khá khả thi cho các nhà đầu tư, trong đó những người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng không phải là ngoại lệ.

Nhũng vấn đề pháp lý mà các nhà đầu tư là người Việt Nam ở nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam cũng hết sức cơ bản: đó là những ưu đãi đầu tư và thủ tục cần thực hiện.

  • PV: Với những câu hỏi của khán giả, luật sư thường tìm những cách nào để giúp khán giả có thể nắm rõ và dễ dàng hiểu được các lời tư vấn pháp luật thông qua chương trình?

Luật sư trả lời:

Nhà nước ta đã có những chính sách nhằm tạo điều kiện cho kiều bào khi thực hiện đầu tư vào Việt Nam bằng những ưu đãi đầu tư; cùng với đó việc cải thiện trong đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng các ứng dụng số, internet trong quản lý hành chính đã giúp các nhà đầu tư nói chung và kiều bào nói riêng càng thêm hứng thú khi đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, để hiểu sâu hơn, rõ hơn, áp dụng và thực hiện đúng, nhanh và hiệu quả thì cần đến những người có chuyên môn, kinh nghiệm trong việc tư vấn, thực hiện, giải quyết vấn đề. Nên khi thực hiện hoạt động đầu tư vào bất cứ đâu, nhà đầu tư cần tìm hiểu thật kĩ các khung pháp lý về chính sách, thủ tục để đạt được tối đa quyền lợi và giảm được tối đa những rủi ro, cũng như tiết kiệm được những chi phí có thể thông qua các Luật sư, cũng như các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan