Văn bản quy phạm pháp luật sai: Ai chịu trách nhiệm?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã trả lời về vấn đề "Văn bản quy phạm pháp luật sai: Ai chịu trách nhiệm?" trong Chương trình phát thanh an ninh. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1: Thưa Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Qua tổng hợp ngắn vừa rồi ông có suy nghĩ gì về những văn bản mang tính quy phạm pháp luật khi ban hành đã dẫn đến những phản ứng của dư luận xã hội sau đó phải thu hồi, huỷ bỏ hoặc phải mất nhiều thời gian để giải thích?

Luật sư trả lời:

Trước khi đưa ra những đánh giá cụ thể, chúng ta nên làm rõ 2 khái niệm cơ bản, đó là quy phạm pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, quy phạm pháp luật là các quy tắc xử sự chung, do nhà nước thừa nhận hoặc ban hành và đảm bảo thực hiện, có hiệu lực bắt buộc và nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Văn bản quy phạm pháp luật là các văn bản chứa đựng các quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Như vậy, với ý nghĩa là công cụ để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong cuộc sống hằng ngày, tạo ra các quy tắc xử sự, quy phạm pháp luật cũng như văn bản quy phạm pháp luật có ảnh hưởng, tác động rất lớn đến những những đối tượng nằm trong phạm vi điều chỉnh. Do đó khi văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật (bất hợp pháp), hoặc không phù hợp với điều kiện thực tiễn khi tiến hành áp dụng (bất hợp lý), ảnh hưởng đầu tiên phải kể đến là tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích cũng như nghĩa vụ đối với những đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của các quy phạm pháp luật đó. Rộng hơn, các quy phạm pháp luật không đảm bảo được tính hợp pháp cũng như tính hợp lý còn có thể gây phương hại đến trật tự quản lý xã hội của nhà nước.

Câu 2: Như vậy, có thể hiểu là, những văn bản có tính quy phạm pháp luật nào cũng có ảnh hưởng tới quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của đối tượng nằm trong phạm vi điều chỉnh của văn bản đó, nhất là những văn bản có tính quy phạm pháp luật mà đối tượng điều chỉnh là mọi tầng lớp người dân trong xã hội, thưa Luật sư?

Luật sư trả lời:

Vâng như tôi cũng đã phân tích ở trên, quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, do đó bất cứ quy phạm nào đặt ra đều có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của các đối tượng thuộc phạm vi mà quy phạm điều chỉnh. Những ảnh hưởng này có thể tốt, cũng có thể là xấu. Tuy nhiên, điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây, các quy phạm pháp luật còn ảnh hưởng rất lớn đến trật tự xã hội của quốc gia, do đó, các quy phạm pháp luật khi đặt ra cần phải đảm bảo được tính hợp pháp cũng như tính hợp lý để phù hợp với sự phát triển của quốc gia.

Câu 3: Bộ GDĐT vừa công khai để lấy ý kiến dự thảo Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy, trong đó có nội dung “sinh viên sư phạm bán dâm đến... lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học”. Tuy nhiên, ngay trong đêm 29.10, trước những phản ứng của dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã rút lại văn bản này với lý do sơ suất, chưa cập nhật bản dự thảo phù hợp nhất khi đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT để lấy ý kiến. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Luật sư trả lời:

Trước hết, văn bản Bộ GDĐT đưa ra nêu trên chỉ là dự thảo, chưa được cơ quan có thẩm quyền thông qua và chưa có giá trị áp dụng như một văn bản quy phạm pháp luật, do đó, cũng không tránh khỏi những điểm bất hợp lý và sẽ cần phải được tiến hành thẩm định, xem xét dự thảo thông tư trước khi ký ban hành. Vì vậy, văn bản này chưa thể gây ra các ảnh hưởng, cũng như tác động đến xã hội được.

Tuy nhiên, quy định trên trong dự thảo của Bộ GDĐT thực sự không phù hợp. Theo pháp luật Việt Nam thì hoạt động mại dâm vẫn là bất hợp pháp, pháp luật không cho phép thương mại hóa mại dâm vì muốn giữ gìn truyền thống, thuần phong, mỹ tục.

Điều 4 của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003 cũng quy định rõ:

“Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

  1. Mua dâm;
  2. Bán dâm;
  3. Chứa mại dâm;
  4. Tổ chức hoạt động mại dâm;
  5. Cưỡng bức bán dâm;
  6. Môi giới mại dâm;
  7. Bảo kê mại dâm;
  8. Lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm;
  9. Các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, đã cấm, thì ai hoạt động mại dâm cũng bị xử phạt hành chính hoặc hình sự, chứ không phân chia lần thứ nhất hay lần thứ hai. Do đó, theo tôi, Bộ cũng cần nghiêm túc thẩm định, xem xét các nội dung mình đưa ra trong dự thảo trước khi công bố lên cho công chúng và đặc biệt là trước khi ký ban hành.

Câu 4: Chương trình nhận được 1 cuộc gọi của thính giả, mời bộ phận kỹ thuật kết nối:

Xin chào chương trình tiêu điểm an ninh trật tự, tôi muốn hỏi vị khách mời là khi xây dựng một văn bản có tính quy phạm pháp luật, bắt buộc phải tuân thủ theo những quy tắc, quy định nào? Trước khi ban hành, cơ quan nào chịu trách nhiệm thẩm định tính quy phạm pháp luật?

Luật sư trả lời:

Căn cứ quy định tại Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần tuân thủ theo các nguyên tắc sau:

1. Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.

2. Tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. Bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

4. Bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

5. Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, không làm cản trở việc thực hiệncác điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

6. Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về việc thẩm định dự thảo, dự án văn bản quy phạm pháp luât, tùy thuộc vào loại văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, thẩm quyền thẩm định cũng sẽ khác nhau. Với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình, Bộ Tư pháp là cơ quan có trách nhiệm thẩm định dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước khi trình Chính phủ.

Đối với dự thảo nghị định, Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định dự thảo nghị định trước khi trình Chính phủ.

Đối với dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

Đối với dự thảo thông tư, ổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm thẩm định dự thảo thông tư trước khi trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Đối với dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình, dự thảo quyết định của UBND cấp tỉnh, Sở Tư pháp có trách nhiệm thẩm định.

Câu 5: Cũng từ ý này của thính giả, tôi muốn hỏi thêm khách mời, việc thẩm định tính quy phạm pháp luật của các văn bản có phân cấp không? Cơ quan thẩm định sẽ thẩm định ngay từ lúc xây dựng văn bản hay chỉ thẩm định khâu cuối cùng trước khi công bố và áp dụng thực hiện trong thực tiễn?

Luật sư trả lời:

Có thể thấy việc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật có sự phân cấp, phụ thuộc vào loại văn bản quy phạm pháp luật, chủ thể, cơ quan soạn dự thảo, việc thẩm định dự thảo sẽ thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác nhau.

Việc thẩm định chỉ là việc kiểm tra, xem xét ban đầu đối với các dự thảo, để một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành còn cần phải trải qua thêm nhiều giai đoạn khác như trình cơ quan có thẩm quyền, thẩm tra dự thảo, lấy ý kiến đóng góp tập thể…. Vì vậy, việc thẩm định sẽ được tiến hành ngay từ khi soạn thảo dự thảo văn bản.

Câu 6: Chúng tôi lại tiếp tục nhận được 1 ý kiến của thính giả gọi đến, mời kỹ thuật kết nối:

Xin chào biên tập viên, chào khách mời. Cho tôi hỏi là văn bản có tính quy phạm pháp luật trước khi ban hành phải có sự thẩm tra, thẩm duyệt của cơ quan chuyên trách nhưng tại sao thực tế vẫn xảy ra những sai sót về quy phạm pháp luật như vậy?

Luật sư trả lời:

Việc xảy ra những sai sót như vậy có thể do các nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan.

Về nguyên nhân khách quan, như ta đã biết, các quy phạm pháp luật nhằm để điều chỉnh các quan hệ xã hội, mà các quan hệ xã hội trong cuộc sống diễn ra đôi khi rất phức tạp, luôn luôn thay đổi, luôn luôn biến động. Mà quy phạm pháp luật đặt ra tại một thời điểm nhất định, để thay đổi đôi khi tốn rất nhiều thời gian, do đó có những trường hợp tại thời điểm xây dựng dự thảo, quy định đó là phù hợp, nhưng khi được ban hành, đời sống xã hội có sự thay đổi, quy phạm đó lại trở nên thiếu hợp lý, mà không phải lúc nào con người ta cũng có thể lường trước được những sự thay đổi này để có thể hoàn thiện dự thảo ngay từ đầu.

Về nguyên nhân chủ quan, do bản thân những người có trách nhiệm xây dựng các quy phạm pháp luật cũng chưa có đủ kiến thức, năng lực để có cái nhìn bao quát đối với đời sống xã hội. Tư duy làm luật ở nước ta hiện nay chỉ dừng ở mức thấy sai đâu thì sửa, hổng đâu thì vá, do đó các quy phạm pháp luật đặt ra thường không có tính dự báo, không đáp ứng được sự thay đổi hàng ngày của các quan hệ xã hội.

Câu 7: Xin cảm ơn khách mời, thêm một thính giả muốn kết nối

Tôi là một người dân, tôi thấy là những văn bản pháp luật là để giúp người dân chúng tôi hiểu rõ hơn quy định của pháp luật và để làm theo những quy định đó. Vậy ban hành văn bản sai thì người đứng đầu cơ quan đó, là cái người ký văn bản, phải chịu hình thức kỷ luật gì? hay chỉ xin lỗi và đổ cho lỗi đánh máy là xong?

Luật sư trả lời:

Để có căn cứ xử lý trách nhiệm đối với một cá nhân, cần phải xác định xem có hành vi vi phạm quy định pháp luật hay không. Trường hợp có cơ sở xác định được có sự vi phạm pháp luật về các trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, pháp luật sẽ có những chế tài dành cho những chủ thể có hành vi vi phạm. Chẳng hạn như khi cán bộ có hành vi lạm quyền trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật nhằm tư lợi cho bản thân, cán bộ này tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỉ luật, thậm chí có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Câu 8: Vâng, đó là những ý kiến bức xúc của người dân với 2 văn bản dự thảo do Bộ Giáo dục đào tạo mới đưa ra. Không phải chỉ có bộ GD ĐT mới có những văn bản gây hiểu lầm mà trước đó Bộ Tài nguyên môi trường cũng có thông tư 33 về việc ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ, hay Bộ GTVT buổi sáng ban hành Thông tư 45 quy định thẻ Đảng, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe không được làm thủ tục lên máy bay thì đến buổi chiều phải ra quyết định thu hồi. Vậy xin hỏi khách mời, nếu văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành mà bị phát hiện là sai pháp luật thì sẽ bị xử lý ra sao theo quy đinh của pháp luật? Nếu văn bản đó gây ảnh hưởng xấu, tiêu cực tới đời sống xã hội?

Luật sư trả lời:

Việc xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật được quy định tương đối rõ ràng tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Theo đó:

- Quốc hội bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

- Ủy ban thường vụ Quốc hội đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất.

- Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước trái với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ văn bản quy phạm - pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

- Hội đồng nhân dân bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp, văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp dưới trái với nghị quyết của mình, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

- Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

- Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tự mình bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản do mình ban hành trái pháp luật.

- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân có trách nhiệm tự mình bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản do mình ban hành trái pháp luật.

Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật sẽ cần phải được chủ thể có thẩm quyền xem xét, đình chỉ hoặc bãi bỏ.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan