Tuy nhiên có người nhận thức nhầm lẫn khái niệm nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận. Cần phân biệt rõ hai khái niệm để thực hiện và quản lý hiệu quả. Theo Luật sư Phạm Duy Khương thì nhãn hiệu tập thể là: “các dấu hiệu phân biệt nguồn gốc địa lý, nguyên vật liệu, mô hình sản xuất hoặc các đặc tính chung của hàng hóa dịch vụ của các doanh nghiệp (cũng có thể là hiệp hội hoặc hợp tác xã – tg) khác nhau cùng sử dụng nhãn hiệu tập thể”. Như vậy nhãn hiệu tập thể giúp cho công chúng nhận biết đặc tính cụ thể của sản phẩm mang nhãn hiệu ấy.

Cũng theo Luật sư Khương: Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân được đăng ký.

Ta đồng tình với Luật sư là hai khái niệm có điểm giống nhau: đều gọi là nhãn hiệu và thời hiệu bảo hộ là 10 năm, được gia hạn không giới hạn thời gian. Điểm khác nhau: là chủ thể đăng ký; chủ thể nộp đơn nhãn hiệu tập thể do tập thể nộp; nhãn hiệu chứng nhận chỉ cần một tổ chức/cá nhân nộp đơn và chịu sự giám sát của chủ thể được chứng nhận.

Tổ chức và cá nhân người sản xuất, có nơi nhầm lẫn các khái niệm trên nên khi thực hiện cụ thể có những khó khăn trong các nhóm việc như: sản xuất và phát triển sản phẩm, giữ các tiêu chí đăng ký, xây dựng bộ hồ sơ, quy trình thực hiện đăng ký, các công việc quản trị nhãn hiệu tập thể trong mối quan hệ tác động nhau… Nội dung dưới đây chỉ bàn về nhiệm vụ xây dựng nhãn hiệu tập thể của tỉnh.

Thực trạng xây dựng nhãn hiệu tập thể ở Cà Mau

Những năm qua, các cơ quan chuyên ngành và chính quyền nhiều nơi có nhiều giải pháp tích cực thực hiện được một số kết quả, song chưa đạt mức mong muốn. Đến nay đã có 8 nhãn hiệu tập thể: Nhãn hiệu tập thể “Tôm khô Rạch Gốc”; Nhãn hiệu tập thể “Mật ong U Minh hạ”; Nhãn hiệu tập thể “Cá khô bổi U Minh”; Nhãn hiệu tập thể “Mắm lóc Thới Bình”; Nhãn hiệu tập thể “Cá khô khoai Cái Đôi Vàm”; Nhãn hiệu tập thể “Bồn bồn Cái Nước”; Nhãn hiệu tập thể “Cá chình và cá bóng tượng Tân Thành”; Nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn”.

Đang xây dựng 2 dự án: Chuối khô xã Trần Hợi; Bánh phồng tôm Đất Mũi Ngọc Hiển. Đang lập thủ tục đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho: Gạo tài nguyên đục; Gạo trắng lùn; Gạo tép hành.

Những mặt được nhận thấy qua thực trạng trên

Nhà nước rất quan tâm khuyến khích các tổ chức và cá nhân người kinh doanh sản xuất xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của mình. Nhiều văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý, nhiều hướng dẫn của ngành và địa phương về thực hiện mục tiêu này. Nhiều nội dung, hình thức, quy trình cũng được điều chỉnh qua thực tiễn sinh động nhằm xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể tốt hơn.

Nội bộ và nhân dân đồng tình, bước đầu có sự hưởng ứng tốt và ngày càng tốt hơn. Đây là một trong những yếu tố trước hết và chi phối nhiệm vụ. Những năm trước xã hội chưa quan tâm, khi người tiêu dùng có những tiêu chuẩn nghiêm nghặt hơn trong chọn lựa hàng hóa cho mình, buộc tổ chức và cá nhân người sản xuất phải chuyển đổi theo yêu cầu thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài số sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể thì còn một số hồ sơ xin được xét; nhiều tập thể, cá nhân đang hoàn thiện các tiêu chí cho sản phẩm của mình để được công nhận; điều này đủ minh chứng cho nhận thức đang diễn tiến theo chiều hướng tốt và kết quả khả quan trong tương lai.

Các cơ quan chuyên ngành và địa phương luôn bên cạnh tổ chức và cá nhân người sản xuất hỗ trợ giúp đỡ như: hướng dẫn các tiêu chí, giải pháp hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất, mẫu mã, chất lượng sản phẩm, xây dựng bộ hồ sơ đăng ký, quy trình đăng ký để xin cấp nhãn hiệu tập thể… Như vậy xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể đã trở thành nhiệm vụ chung, là thành công chung, chứ không riêng ai.

Cà Mau là tỉnh sản xuất hàng hóa từ lâu, đa dạng hệ sinh thái (ngọt, mặn, lợ) dẫn đến ngành sản xuất đa dạng, sản phẩm hàng hóa phong phú; đã từ nhiều năm, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng mức độ cao; đời sống người dân luôn được cải thiện; nhiều sản phẩm nổi tiếng có mặt cả thị trường trong nước và thế giới; người Cà Mau cần cù, sáng tạo, có khả năng tiếp thu cái mới; đây là lợi thế tốt để xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể.

Tuy nhiên cũng còn không ít hạn chế

Kết quả so với tiềm năng còn thấp. Chắc nhiều người chạnh lòng vì kết quả cấp nhãn hiệu tập thể còn quá ít như nêu trên; mặt khác hàng chiến lược của tỉnh ít có mặt trong tốp nhãn hiệu đã có, trong khi tiềm năng lợi thế rất lớn; có thể nói nhãn hiệu tập thể đang “nghèo khó” trên tài nguyên giàu có. Để thực hiện hóa mong muốn sản phẩm của tỉnh có sức cạnh tranh trên thị trường tốt hơn cần thắn thắng nhận ra thực trạng và vì sao; từ đó mỗi người, tổ chức sản xuất và quản lý có trách nhiệm hơn và giải pháp phù hợp hơn.

Trước hết là nhận thức về xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể trong nội bộ, tổ chức và cá nhân người sản xuất chưa sâu, chưa thật cụ thể nên ý chí chưa cao, thực hiện lúng túng; không ít người và tổ chức muốn cấp nhãn hiệu tập thể, song ít quan tâm hoàn thiện các tiêu chí theo quy định; cán bộ trực tiếp vận động cũng gửi gắm vào sự dễ dải của cơ quan thẩm quyền, khi bị từ chối thì phiền hà hoặc không vui và cho là cơ quan xét cấp khó khăn…

Nếp làm ăn nhỏ lẻ, tâm lý nặng số lượng sản phẩm do mình sản xuất ra, ít quan tâm tiêu chí sản phẩm đăng ký; ít gắn với thị trường, chưa thật sự hiểu sâu sắc những mong muốn của người tiêu dùng; việc này đồng nghĩa với chưa tạo dựng chỗ dựa bền vững cho mình… Những tồn tại này dù có nhãn hiệu tập thể cũng “chết yểu”, hoặc mai một theo thời gian. Cách làm này như “ăn xổi, ở thì”; chẳng những hậu quả cho mình mà ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng đối với uy tín của nhãn hiệu tập thể nói chung.

Các tiêu chí cạnh tranh của sản phẩm chưa nổi trội. Nhãn hiệu tập thể không chỉ là giấp công nhận hay logo được dán mà chất lượng, đặc điểm, mẫu mã hàng hóa phải đúng với cái tên, đúng với nội dung đăng ký, số lượng hàng nên tương đối và ổn định cung cấp cho thị trường. Hiện có nhãn hiệu tập thể sản phẩm số lượng quá ít, ngày có ngày “vắng”. Ta không bình luận về góc độ pháp lý, chỉ xét về kinh tế và tính bền vững là không thể hài lòng.

Phối hợp các ngành, địa phương chưa thật thông suốt. Đăng ký, được cấp và giữ nhãn hiệu là kết quả của sự phối hợp; các ngành, địa phương đều có nhiệm vụ riêng của mình trong mối liên hệ gắn bó để xây dựng nhãn hiệu tập thể, nói cách khác là trong chuỗi sản xuất nếu thiếu đồng bộ một khâu nào đó thì khó hoàn thiện, dù tích cực đến đâu.

Vài suy nghĩ về giải pháp tới

Trước hết phải chuyển biến thêm về nhận thức. Người, tổ chức sản xuất, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên ngành nhận ra rõ hơn yêu cầu khách quan và ngày càng nghiêm khắc của thị trường; để tồn tại và nâng cao sức cạnh tranh của bất cứ sản phẩm nào thì phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của thị trường. Thị trường không ưu tiên vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo, hộ chính sách mà từ chối sản phẩm nào không phù hợp với người tiêu dùng. Phải nhận biết lợi thế của mình và khai thác tốt lợi thế đó nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, ổn định; biết xây dựng bộ hồ sơ, biết quy trình đăng ký… Nghĩa là phải biết thực hiện cụ thể chứ không nhận thức chung chung.

Chống ý thức của người sản xuất nhỏ, không chạy theo lợi ích nhất thời; xem uy tín là sống còn của sản phẩm mình. Các tiêu chí đăng ký đã được công nhận chỉ có thể hoàn thiện tốt hơn chứ không ngược lại. Sớm khắc phục tình trạng sản phẩm có cấp nhãn hiệu và không cấp nhãn hiệu thì chất lượng, mẫu mã, giá cả khó phân biệt (sản phẩm có nhãn hiệu phải luôn luôn hơn sản phẩm không nhãn hiệu). Nếu phát hiện sản phẩm xuống cấp so với tiêu chí đăng ký mà không có giải pháp khắc phục nhanh chóng thì thu hồi giấy chứng nhận. Kiểm tra và kiên quyết xử lý hàng nhái, hàng giả, nhãn hiệu, logo giả. Nếu sạch bóng cái giả thì cái thiệt mới phát huy.

Làm tốt công tác phối hợp, hỗ trợ cao nhất cho người sản xuất. Như trên đã nói xây dựng và phát triển nhãn hiệu là kết quả của sự phối hợp, là quá trình trong chuỗi giá trị mà ở đó có sự phân công và phối hợp hết sức cụ thể. Ngành sản xuất cho ra đời sản phẩm mà thị trường có nhu cầu, đủ tiêu chuẩn và không ngừng nâng cao nó; ngành khoa học – công nghệ đưa tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất và xét cấp nhãn hiệu; ngành công thương lo thị trường tiêu thụ. Xem xét các chính sách hiện có áp dụng đầy đủ cho người và tổ chức sản xuất; cơ quan chức năng của nhà nước không chờ họ tìm đến mà chủ động đến hướng dẫn giúp họ.

Quan tâm hơn các sản phẩm chủ yếu được xác định trong Đề án tái cơ cấu kinh tế của tỉnh như: tôm, gỗ, chuối, lúa chất lượng cao, cua. Nhóm nhãn hiệu đã có và sắp có như cua Năm Căn nhưng không chỉ Năm Căn; tôm khô Rạch Gốc nhưng đâu chỉ có Rạch Gốc… Làm sao các sản phẩm chủ yếu của tỉnh được nhãn hiệu tập thể bao quát.

Nên chọn vài nhãn hiệu tập thể nổi bật hiện nay để xây dựng thành điển hình; qua đây trao đổi kinh nghiệm thực tế từ khâu sản xuất đến đăng ký, tiêu thụ, giữ gìn uy tín nhãn hiệu; như vậy công tác tuyên truyền có sức thuyết phục hơn. Chọn và hỗ trợ những sản phẩm có triển vọng hỗ trợ họ hoàn thiện nhằm đăng ký nhãn hiệu; điều này khởi đầu từ địa phương và ngành chỉ đạo sản xuất.

Xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể không phải do ý chí chủ quan mà là yêu cầu khách quan. Thực hiện mục tiêu này khó nhưng không khó nếu có ý chí; ta có khả năng làm tốt./.

Nguồn: http://lienhiephoikhkt.camau.gov.vn/vai-suy-nghi-ve-xay-dung-nhan-hieu-tap-the.284