Tư vấn về hợp đồng thuê lại lao động

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Nghị định 55/2013/NĐ-CP có quy định thời gian cho loại hợp đồng thuê lại lao động chỉ giới hạn tối đa 12 tháng. Theo mình hiểu thì người lao động ví dụ A của công ty X làm việc ở công ty Y với loại hợp đồng cho thuê lại chỉ được làm ở Y cao nhất là 12 tháng, như vậy nếu A làm liên tục 2 năm ở Y là không đúng luật. Mình hiểu như vậy, có đúng không? nếu đúng thì làm sao để có thể kéo dài thời gian cho thuê lao động?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi.

Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như:

Căn cứ theo Điều 26 Nghị định 55/2013/NĐ-CP thì bạn hiểu như vậy là đúng theo quy định của pháp luật. Bởi vì: Một trong những mục đích của việc cho thuê lại lao động là để đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhân lực trong khoảng thời gian nhất định; thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân hoặc giảm bớt thời giờ làm việc. Do đó, việc thuê lại lao động chỉ mang tính chất tạm thời, trong một khoảng thời gian nhất định nên pháp luật quy định thời hạn cho thuê lại lao động không quá 12 tháng.

Như vậy, để có thể kéo dài thời gian cho thuê lao động. SB Law tư vấn cho bạn hai cách như sau:

  1. Ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ

Theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư số 01/2014/TT-BLĐTBXH, Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cử người lao động sang làm việc tại doanh nghiệp khác để thực hiện một dịch vụ nhất định và người lao động này không chịu sự điều hành, quản lý, nội quy lao động của doanh nghiệp nơi người lao động đến làm việc, hoạt động này không phải là hoạt động cho thuê lại lao động và không phải xin giấy phép cho thuê lại lao động. Với quy định này, Doanh nghiệp cho thuê và Doanh nghiệp thuê ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ tương ứng với công việc người lao động sẽ qua làm việc tại Doanh nghiệp thuê, hợp đồng dịch vụ sẽ quy định nơi thực hiện công việc là trụ sở của Doanh nghiệp thuê và chỉ định cụ thể người thực hiện.

Ví dụ: Bên thuê cần người lao động tạm thời để làm công việc sửa chữa/kiểm tra vận hành ô tô, thay vì các bên ký hợp đồng cho thuê lao động thì các bên ký hợp đồng dịch vụ sửa chữa/kiểm tra vận hành ô tô.

Lưu ý: Doanh nghiệp thuê phải có ngành nghề tương ứng với dịch vụ cung cấp, nếu chưa có thì phải tiến hành bổ sung trong giấy phép;

Người lao động không chịu sự quản lý điều hành của Doanh nghiệp thuê theo đúng bản chất của việc cho thuê lại lao động.

2.Thực hiện ký kết hợp đồng lao động giữa Doanh nghiệp thuê và người lao động

Doanh nghiệp thuê thỏa thuận với người lao động và Doanh nghiệp cho thuê để tuyển dụng chính thức người lao động làm việc cho mình, Doanh nghiệp thuê sẽ trả một khoản chi phí cho Doanh nghiệp cho thuê để chấm dứt hợp đồng lao động. Hoặc Doanh nghiệp thuê và người lao động thỏa thuận người lao động sẽ làm việc chính thức tại Doanh nghiệp thuê sau khi hợp đồng lao động giữa Doanh nghiệp cho thuê và người lao động đã chấm dứt.

Việc ký kết hợp đồng lao động như trên phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 57 và khoản 6 Điều 58 Bộ Luật lao động 2012.

Lưu ý: nếu ký kết theo hình thức này nghĩa là công ty bạn sẽ chịu trách nhiệm trả lương trực tiếp cho người lao động, khai trình lao động và trả các khoản BHXH, BHYT, BH TN cho người lao động.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan