Tư vấn hợp đồng mua bán hàng hóa

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Công ty tôi có một hợp đồng mua bán, trong bản hợp đồng có ghi. Bên A thanh toán cho bên B không đúng theo quy định của hợp đồng, thì sẽ phải chịu lãi trả chậm với tỷ lệ 0,05%/ngày. Bên B giao nhận hàng không đúng thời hạn thì sẽ phải chịu mức phạt là 5% giá trị đơn hàng/ngày. Xin luật sư tư vấn giúp tôi phần trăm chịu phạt như vậy có hợp lý không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trong thực tiễn có rất nhiều cách thức khác nhau khi soạn thảo điều khoản phạt vi phạm hợp đồng. Có thể xây dựng điều khoản phạt được quy định chung cho mọi hành vị vi phạm trong hợp đồng. Đây là cách thức mà phần lớn các hợp đồng trên thực tế thường soạn thảo. Ví dụ, nhiều hợp đồng thường quy định “trường hợp bên nào vi phạm thì sẽ phải chịu mức phạt 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm” hoặc là “trong trường hợp vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm sẽ phải chịu mức phạt 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm”.

Có thể quy định mức phạt cụ thể tương ứng với từng hành vi vi phạm. Ví dụ “Nếu bên bán vi phạm về chất lượng hàng hóa thì sẽ bị phạt 6% giá trị hàng hóa không đúng chất lượng. Nếu hết thanh toán mà bên mua vẫn không trả tiền thì sẽ bị phạt 5% của số tiền chậm trả”.

Pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể và chi tiết về việc phạt vi phạm ngoại trừ quy định về mức phạt. Và tùy vào từng loại hợp đồng khác nhau, pháp luật cũng có quy định về mức phạt khác nhau. Cụ thể là theo quy định tại Điều 418 Bộ luât dân sự năm 2015 thì:

“1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

  1. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác …”.

Theo quy định tại Điều 301 Luật thương mại năm 2005:

Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này”.

Như vậy, theo quy định của Luật Thương mại thì vấn đề về phạt vi phạm hợp đồng là do các bên thỏa thuận tuy nhiên không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng vi phạm, trừ trường hợp vi phạm hợp đồng dịch vụ giám định.

Hợp đồng mua bán thuộc vi phạm điều chỉnh của từng luật Thương mại, do đó khi soạn thảo bạn cần phải chú ý để xác định mức phạt cho phù hợp.

Trong số các hành vi vi phạm từ hợp đồng, có trường hợp ngoại lệ liên quan đến nghĩa vụ chậm thanh toán. Ngoài việc pháp luật cho phép các bên áp dụng các chế tài phạt hợp đồng thì còn cho phép các bên áp dụng việc phạt khi chậm thanh toán. Theo quy định của Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:

"1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này".

Việc bên bạn quy định Bên A thanh toán cho bên B không đúng theo quy định của hợp đồng, thì sẽ phải chịu lãi trả chậm với tỷ lệ 0,05%/ngày. Bên B giao nhận hàng không đúng thời hạn thì sẽ phải chịu mức phạt là 5% giá trị đơn hàng/ngày.

Trường hợp này, không trái với những quy định của pháp luật khi không vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng vi phạm. Và bạn cũng cần quy định rõ hơn: chịu lãi trả chậm với tỷ lệ 0,05%/ngày trên số tiền chậm trả hay tổng giá trị hợp đồng?

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan