Tranh chấp tài sản khi ly hôn, giải quyết như thế nào?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Bố mẹ tôi kết hôn với nhau vào năm 1991, sinh được 2 chị em tôi. Năm 1992, ông nội tôi có mua cho bố mẹ tôi mảnh đất hiện tại đang ở và xây nhà (mảnh 1). Nửa năm sau, ông nội tôi mất không để lại di chúc nên tài sản ông nội tôi được chia đều cho các anh em. Và bố tôi nhận được mảnh 2 (đất thổ cư), mảnh 3 (đất canh tác) với giấy sang tay do bác tôi viết để lại để thờ hương hỏa. Mảnh 1 làm sổ đỏ vào năm 2002 do mẹ tôi đứng tên.

Mảnh 2,3 làm sổ đỏ vào năm 2000 do bố tôi đứng tên. Năm 2014 theo kiến nghị nhà nước nên làm lại sổ hồng. Đến tháng 12/2016 thì bố mẹ tôi ly hôn. Nhưng vấn đề tài sản chưa giải quyết vì 2 bên chưa thống nhất ý kiến. Đến nay, thì được tin là bố tôi sẽ lấy vợ mới và bán mảnh 2. Và để mảnh 3 lại chia cho hai chị em chúng tôi. Vậy quý công ty cho tôi hỏi:

1/ Đất đang trong thời gian tranh chấp như vậy, bố tôi có quyền được bán không?

2/ Nếu bố tôi có ý định chia mảnh 3 cho hai chị em chúng tôi thì hình thức là như thế nào, và nếu chỉ nói dựa trên lời nói thì có giá trị về sau không?

3/ Nếu như bây giờ, mẹ tôi khởi kiện thì hình thức là như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, đất đang tranh chấp có được bán hay không?

Điều 188 Luật đất đai năm 2013 có quy định về Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau:

“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất …”.

Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp thì hiện tại bố và mẹ bạn đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất nên bố bạn sẽ không được quyền chuyển nhượng mảnh đất đó cho người khác trước khi tranh chấp được giải quyết.

Thứ hai, nếu bố bạn muốn chia mảnh 3 cho hai chị em bạn thì có thể thực hiện dưới hình thức tặng cho quyền sử dụng đất. Theo Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 thì các giao dịch về quyền sử dụng đất như chuyển nhượng, tặng cho thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, …phải được thể hiện bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực. Vì vậy, nếu chỉ thực hiện tặng cho quyền sử dụng đât bằng lời nói thì hợp đồng tặng cho không có hiệu lực pháp lý.

Thứ ba, khi bố và mẹ bạn không thể tự thỏa thuận được vấn đề chia tài sản chung thì khi nộp hồ sơ ly hôn tại Tòa án, bố mẹ bạn yêu cầu tòa án giải quyết chia tài sản chung. Trong hồ sơ có thể gửi kèm tất cả các giấy tờ, căn cứ chứng minh quyền tài sản.

Về vấn đề tài sản chung của vợ chồng, tại Điều 33 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định như sau:

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.

Như vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật, đối với mảnh đất mẹ bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2002, mảnh đất này có nguồn gốc là do ông nội bạn mua cho hai vợ chồng trong thời kì hôn nhân nên sẽ thuộc sở hữu chung của cả hai vợ chồng dù chỉ có một người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, nếu chia thì giá trị quyền sở hữu mảnh 1 sẽ bị chia đôi.

Về hai mảnh đất bố bạn đứng tên, do đất có nguồn gốc là tài sản được thừa kế riêng và đứng tên bố bạn, nếu giữa bố và mẹ bạn không có thỏa thuận nhập hai mảnh đất đó vào khối tài sản chung thì nó sẽ là tài sản riêng của bố bạn. Vì vậy nên mẹ bạn sẽ không được chia giá trị quyền sử dụng đất đó.

Mời các bạn xem thêm nội dung này:

TRANH CHẤP VỀ VIỆC THANH TOÁN GIÁ TRỊ HẠNG MỤC THI CÔNG SAU KHI NGHIỆM THU CÔNG TRÌNH

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan