Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vay tài sản

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Tôi là Tùng Anh, ở Hà Nội. Hiện tại, tôi đang thiếu nợ ngân hàng. Hình thức là tín chấp và trừ qua lương. Nhưng hiện tại gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế nên đã gần 6 tháng nay, tôi không có đóng. Ngân hàng đã kiện tôi ra tòa. Vậy cho tôi hỏi: Tôi xin hòa giải và hứa trong vòng 90 ngày sẽ đóng khoản nợ thiếu hàng tháng và tiếp tục duy trì theo hợp đồng được không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Nghĩa vụ trả nợ của bên vay theo quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Theo như bạn trình bày, bạn có vay tín chấp ngân hàng và nay đã quá hạn trả nợ 06 tháng. Theo quy định trên, khi khoản vay đến hạn bạn có nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. Nếu bạn không trả được nợ cho ngân hàng thì đây có thể được xem là nợ xấu của ngân hàng – nợ khó đòi. Khi đó ngân hàng có quyền khởi kiện tới Toà án nhân dân cấp huyện nơi bạn đang sinh sống/làm việc để yêu cầu giải quyết.

Thủ tục hòa giải là thủ tục bắt buộc khi giải quyết tranh chấp tại Toà án. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sở thẩm, Toà án sẽ tiến hành hoà giải. Việc hòa giải sẽ được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:

– Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình;

– Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Trong quá trình hoà giải, bạn có thể đưa ra yêu cầu của bạn là hứa trả trong thời hạn 90 ngày cho ngân hàng để ngân hàng xem xét, nếu ngân hàng đồng ý thì Toà án sẽ ra quyết định hoà giải thành, nếu ngân hàng không đồng ý thì Toà án sẽ ra quyết định hoà giải không thành. Do đó, đây là sự thoả thuận giữa bạn và ngân hàng.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan