Bảo hộ chỉ dẫn địa lý dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận của Hoa Kỳ (Phần II)

Nội dung bài viết

Trường hợp ngược lại, nếu tiêu chuẩn chứng nhận không đúng với chất lượng của sản phẩm, người tiêu dùng sẽ mất niềm tin ở chất lượng và danh tiếng sản phẩm, nhãn hiệu đó sẽ không mang lại lợi ích thương mại, thậm chí không tồn tại lâu dài và hậu quả sẽ không thu hút được các nhà sản xuất sử dụng nhãn hiệu đó nữa.

Điều này đặt cho chủ sở hữu trách nhiệm xác định đúng, hợp lý chất lượng sản phẩm cũng như quy trình kiểm soát, chứng nhận sản phẩm sao cho đáp ứng mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, việc đánh giá các tiêu chí chất lượng dựa trên các bộ tiêu chuẩn đang được áp dụng trên thế giới, thực hiện trên nguyên tắc quản lý từ bên ngoài và theo cách thức công nhận cũng sẽ làm tăng hiệu quả kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Thứ hai, tính tập thể trong bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận của Hoa Kỳ còn nhằm mục đích khuyến khích mối liên hệ hợp tác giữa chủ sở hữu nhãn hiệu và những người sản xuất địa phương. Sự hợp tác này được thể hiện ở điểm khi nhãn hiệu chứng nhận có chứa chỉ dẫn địa lý thì trong phần lớn các trường hợp, chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc là một cơ quan chính phủ, hoặc một tổ chức được chính phủ uỷ quyền hoặc cho phép, thay mặt cho các nhà sản xuất trong khu vực đăng ký và phát triển sản phẩm. Chủ sở hữu làm gia tăng giá trị của sản phẩm mang nhãn thông qua việc chứng nhận một đặc tính riêng biệt của sản phẩm và kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu đó trên hàng hoá để chứng nhận đặc tính. Tuy nhiên, thành công chỉ có được khi các nhà sản xuất tham gia và sẵn sàng sử dụng nhãn hiệu chứng nhận để làm gia tăng giá trị cho sản phẩm. Chính giá trị gia tăng cho sản phẩm nhờ việc kiểm soát mang lại cho các sản phẩm của địa phương, thúc đẩy tính tập thể các nhà sản xuất trong khu vực đó.

Mặt khác, dù quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận là quyền tư hữu nhưng để bảo vệ các nhãn hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý, bất kỳ bên thứ ba liên quan nào đều có thể phản đối việc đăng ký hoặc yêu cầu huỷ bỏ đăng ký theo các thủ tục như đối với nhãn hiệu thông thường. Do đó, nếu cho rằng cơ quan chứng nhận không tuân thủ các tiêu chuẩn đã đưa ra hoặc từ chối không có lý do chính đáng việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của một tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn, tổ chức, cá nhân liên quan có thể nộp đơn phản đối hoặc yêu cầu huỷ nhãn hiệu chứng nhận đó hoặc kiện lên toà án liên bang.

b. Xây dựng quan điểm kiểm soát chất lượng hiện đại

Cách tiếp cận về khái niệm chất lượng của Hoa Kỳ theo quan điểm hiện đại, dựa trên hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đang được triển khai hiệu quả tại quốc gia này. Điều quan trọng nhất đối với mọi tiêu chuẩn chất lượng là thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng, vì vậy quan điểm về chất lượng của Hoa Kỳ được tiếp cận trên hai góc độ, từ sản phẩm và từ chính doanh nghiệp.[1]

Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, “quản lý chất lượng” hay “đảm bảo chất lượng” phải mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. Với mục đích này thì các doanh nghiệp thường áp dụng hai hệ thống quản lý là ISO 9001 (phiên bản 2000) về hệ thống quản lý chất lượng doanh nghiệp và ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường. Cả hai hệ thống quản lý này đều hoạt động dựa trên nguyên tắc độc lập, quản lý từ bên ngoài và theo cách thức công nhận (theo tiêu chuẩn 45011). Chủ sở hữu hệ thống quản lý sẽ thực hiện việc kiểm tra sổ sách và chứng nhận sự phù hợp của hệ thống quản lý với các tiêu chuẩn (9001 hoặc 14000) hoặc chứng nhận sự phù hợp của doanh nghiệp với các tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định (như sinh thái, nông nghiệp…). Mục tiêu của chứng nhận doanh nghiệp là đem lại sự tin cậy và cho người tiêu dùng.

Dưới góc độ sản phẩm, sự đa dạng của sản phẩm có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức như các tính chất sản phẩm (màu sắc, mùi vị….), hay bao gói sản phẩm… Các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin về sản phẩm, các đặc tính nổi trội hay các chỉ số mang tính xã hội (tuân thủ các quy định về môi trường, chế độ nuôi dưỡng động vật…). Các tiêu chỉ chất lượng này thường được chia thành hai nhóm:

Tiêu chuẩn chất lượng chung: liên quan đến sức khoẻ hay dinh dưỡng, được áp dụng cho tất cả các sản phẩm và doanh nghiêp.

– Tiêu chuẩn đặc biệt:(bổ sung cho tiêu chuẩn chung, không mang tính bắt buộc) được xác định thông qua các chỉ tiêu chất lượng và thể hiện thông qua các công cụ như nhãn hiệu chứng nhận.

Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý thông qua nhãn hiệu chứng nhận của Hoa Kỳ luôn dựa trên nền tảng tiêu chuẩn chất lượng chung và bổ sung một số tiêu chuẩn đặc biệt. Các tiêu chuẩn đặc biệt của sản phẩm có được nhờ nguồn gốc địa lý được mô tả dưới các chỉ tiêu định tính và định lượng bên cạnh vào các bộ tiêu chuẩn chung sẵn có. Vì vậy, quá trình đăng ký các sản phẩm dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập thể được thực hiện đơn giản hơn rất nhiều so với các quy định của Châu Âu.

Hiện nay, ở Việt Nam, một trong những khó khăn của các địa phương có các sản phẩm đặc sản là thiếu kinh nghiệm và kinh phí cho việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Vì vậy, việc xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đặc thù dựa trên các bộ tiêu chuẩn quốc tế đang áp dụng trên thế giới cũng là một hướng mà chúng ta cần xem xét. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc thương mại hoá các sản phẩm của Việt Nam ở thị trường nước ngoài, đồng thời giảm bớt thủ tục về mặt hành chính đối với hoạt động xác lập quyền ở Việt Nam.

c. Chính sách quản lý phù hợp đối với các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý

Việc quản lý hợp lý chỉ dẫn địa lý cần được xem xét: kiểm soát quá chặt hoặc đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt có thể làm hạn chế đổi mới sáng tạo không khuyến khích người khác tham gia tập thể. Quản lý lỏng lẻo có thể dẫn đến uy tín và chất lượng của nhãn hiệu bị ảnh hưởng.

Đối với một số quốc gia, các nhà sản xuất dựa vào sự quản lý của chính phủ trong việc thành lập tổ chức tập thể, xác định tiêu chuẩn, chính sách sản xuất, kiểm tra, kiểm soát sản lượng và sau đó kiểm soát thực thi bảo vệ chỉ dẫn địa lý khỏi việc sử dụng trái phép. Điều này trong ngắn hạn có thể có tác dụng nhưng về lâu dài, việc kiểm soát chỉ dẫn địa lý quá chặt chẽ bởi chủ sở hữu và cơ quan nhà nước có thể dẫn đến việc làm giảm tính sáng tạo của các nhà sản xuất, họ không có quyền đổi mới nhằm xây dựng bản sắc riêng cho sản phẩm của họ và tham gia một cách hạn chế vào việc kiểm soát, ngăn ngừa việc sử dụng trái phép bởi đối thủ cạnh tranh.

Việc kiểm soát chất lượng thông qua hệ thống nhãn hiệu chứng nhận của Hoa Kỳ tạo ra một cơ chế kiểm soát với sự đồng thuận của chính các nhà sản xuất. Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận xây dựng quy trình sản xuất hoặc tiêu chuẩn chất lượng với một cơ chế cấp phép thích hợp để đảm bảo cho các nhà sản xuất có thể khai thác lợi thế thương mại từ nhãn hiệu đó và đồng thời cũng mang lại lợi ích cho chính chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận.

Nếu các nhà sản xuất không có lợi từ việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận do nhãn hiệu đó không làm gia tăng giá trị hàng hoá, họ sẽ không tham gia. Hơn nữa, khi cơ chế cấp nhãn hiệu chứng nhận tạo sự phân biệt đối xử cho các nhà sản xuất, hoặc bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn quá khắt khe để nhiều nhà sản xuất không thể đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận, hoặc áp dụng các tiêu chuẩn một cách tuỳ tiện, không nhất quán, nó cũng không khuyến khích nhà sản xuất sử dụng nhãn hiệu. Nếu điều đó xảy ra, một bên liên quan thứ ba có thể kiện chủ sở hữu nhãn hiệu về sự phân biệt đối xử và hậu quả là nhãn hiệu sẽ bị huỷ bỏ, gây thiệt hại cho tất cả các bên.

Bên cạnh đó, nhãn hiệu chứng nhận còn được sử dụng để ngăn chặn việc gây nhầm lẫn cho công chúng. Chức năng của nhãn hiệu chứng nhận là chứng nhận nguồn gốc, các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận phải có nhiệm vụ giám sát hoạt động của những người sử dụng nhãn nhằm bảo đảm sự tuân thủ với các tiêu chuẩn chứng nhận. Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận thường là hiệp hội hay tổ chức phi lợi nhuận có nhiệm vụ thay mặt cho sản xuất trong khu vực thúc đẩy phát triển sản phẩm. Thông thường, lệ phí cấp giấy chứng nhận được sử dụng để trang trải các chi phí quản lý chương trình và thúc đẩy việc sử dụng hệ thống chứng nhận. Ngay cả khi nhãn hiệu chứng nhận thuộc sở hữu của một cơ quan chính phủ, chẳng hạn như một Bộ Nông nghiệp, thì các cơ quan này vẫn thường yêu cầu người sử dụng nhãn phải trả tiền lệ phí cấp giấy chứng nhận (ví dụ như, một khoản thuế dựa trên số lượng của hàng hoá được chứng nhận) và ký thỏa thuận cấp phép sử dụng nhãn hiệu trên hàng hoá, ngay cả khi đã pháp luật của các bang quy định tiêu chuẩn chứng nhận.

Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận phải có trách nhiệm tiến hành các biện pháp hợp lý kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu cho hàng hoá nhằm mục đích ngăn chặn việc gây nhầm lẫn cho công chúng. Điều đó có nghĩa là chủ sở hữu nhãn hiệu phải tiến hành thanh tra, kiểm soát xem tất cả các chai rượu có được chứng nhận có được làm đúng từ loại nho được trồng trên loại đất đặc trưng của khu vực địa lý không hay yêu cầu kiểm tra mẫu của tất cả các bao gạo xem có đặc tính đúng như tiêu chuẩn chứng nhận không. Theo các toà án của Hoa Kỳ, biện pháp kiểm soát hợp lý mà chủ sở hữu nhãn hiệu phải thực hiện để chứng nhận một số lượng lớn và chủng loại đa dạng hàng hoá là chỉ cần lấy mẫu đại điện để kiểm tra. Tuy nhiên, quy trình này được làm rất nghiêm túc, chính vì vậy, mặc dù không phải bất kỳ sản phẩm nào trước khi mang nhãn hiệu chứng nhận cũng được kiểm tra nhưng việc lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra buộc các nhà sản xuất phải tự mình thực hiện việc kiểm tra đó tại chính cơ sở sản xuất ngay từ ban đầu.

Tóm lại, là một quốc gia không ủng hộ bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở mức độ cao như Liên minh Châu Âu nhưng thực tiễn cho thấy các chỉ dẫn địa lý của Hoa Kỳ được bảo hộ theo pháp luật nhãn hiệu nói chung và dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận nói riêng tỏ ra khá hiệu quả. Đến nay, Hoa kỳ đã có 42 chỉ dẫn được bảo hộ cho các sản phẩm nông sản dưới các hình thức nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể[2].Điều này có được là nhờ Hoa Kỳ đã xây dựng được quan điểm chất lượng và kiểm soát chất lượng sản phẩm phù hợp.Hơn nữa,việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý dưới hình thức pháp lý này vừa phát huy tính tập thể trong việc sử dụng chỉ dẫn địa lý, vừa đảm bảo khả năng thành công trong thương mại cao cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 có một phần riêng quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo cách tiếp cận của Pháp và các nước thuộc liên minh Châu Âu. Vì vậy, các sản phẩm đặc sắc của địa phương thường chủ yếu được đăng ký bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý mà chưa có quy định tương ứng đối với hình thức đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Trên thực tế, ngoài việc công nhận một cái tên đã tồn tại từ lâu cho những sản phẩm đặc sắc của Việt Nam, hoạt động bảo hộ quyền SHCN đối với chỉ dẫn địa lý hầu như chưa đạt hiệu quả.Trong lần sửa đổi thứ nhất năm 2009, Luật Sở hữu trí tuệ đã bổ sung quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý (Điều 87.4) cho các đặc sản địa phương. Tuy nhiên, quy định này cũng vẫn mới chỉ mang tính nền tảng mà chưa có hướng dẫn triển khai trên thực tế. Vì vậy, nghiên cứu kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong bảo hộ chỉ dẫn địa lý dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận thực sự hữu ích đối với Việt Nam.

Xem lại phần I tại đây

 


[1]Amy Cotton and David Morfesi, Key Ingredients for Geographical Indications: Collectivization and Control,Nguồn:http://www.uspto.gov/web/offices/dcom/olia/globalip/gi_protection_wipo.htm

[2]Thống kê và tra cứu tại Website của Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ: http://www.uspto.gov

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan