Tiết lộ thông tin nội bộ của doanh nghiệp, sẽ bị xử lý như thế nào?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Mình là Linh, ở Hà Nội. SB LAW cho mình hỏi: Kế toán của công ty mình đã gửi email về thông tin nội bộ của công ty mình cho một bên đối thủ cạnh tranh. Trong trường hợp kế toán bên mình sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thông tin nội bộ doanh nghiệp có rất nhiều loại, bao gồm thông tin về nhân sự, thông tin về tài chính doanh nghiệp, thông tin về các sản phẩm, hàng hóa sắp ra mắt của công ty và các bí mật kinh doanh khác. Nếu thông tin nội bộ của doanh nghiệp mà kế toán bạn tiết lộ là bí mật kinh doanh thì các bí mật kinh doanh này sẽ được bảo vệ theo pháp luật cạnh tranh và pháp luật về sở hữu trí tuệ. Đối với người lao động là kế toán của công ty mà có hành vi tiết lộ các thông tin nội bộ của doanh nghiệp thì có thể bị áp dụng một số hình thức kỷ luật lao động, trong đó nặng nhất là hình thức sa thải.

Thứ nhất, về vấn đề bí mật kinh doanh:

Bí mật kinh doanh là những bí mật trong hoạt động đầu tư, thương mại, hoạt động sản xuất kinh doanh; cụ thể bí mật kinh doanh có thể là bí quyết sản xuất, phương thức quản lý doanh nghiệp, hay những thông tin về đầu tư tài chính của doanh nghiệp…

Theo Khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Theo khái niệm này, một bí mật kinh doanh có 3 dấu hiệu cơ bản:

-Là kết quả của quá trình đầu tư, nghiên cứu, sáng tạo thể hiện qua các tri thức, thông tin;

-Chưa được bộc lộ đến mức những người khác có thể dễ dàng có được;

-Có khả năng tạo ra những giá trị kinh tế khi sử dụng trong kinh doanh.

Như vậy, nếu thông tin nội bộ mà nhân viên kế toán của công ty bạn tiết lộ cho đối thủ cạnh tranh khác là bí mật kinh doanh thì pháp luật sẽ bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của công ty bạn đối với bí mật kinh doanh đó. Nhân viên công ty bạn có thể bị xử lý kỷ luật theo pháp luật và đối thủ cạnh tranh có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh. Ngoài ra, nếu công ty bạn là công ty đại chúng thì cá nhân, tổ chức còn có thể bị xử lý hình sự nếu hành vi xâm phạm nhằm mục đích mua bán chứng khoán.

Thứ hai, chế tài đối với hành vi tiết lộ bi mật kinh doanh của nhân viên:

Theo Khoản 1 Điều 126 Bộ luật Lao động 2012:

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây: “Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động”.

Với trường hợp bạn đã nêu, thì hình thức sa thải sẽ được áp dụng để xử lý nhân viên này.

Tuy nhiên việc sa thải người lao động (NLĐ) phải tuân theo nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động quy định tại Điều 123 Bộ luật Lao động và điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ – CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động. Theo đó:

– Người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải chứng minh được lỗi của NLĐ;

– Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

– NLĐ phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Nếu NLĐ dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật.

– Việc sa thải phải được lập thành biên bản.

Đồng thời, NSDLĐ cũng không được sa thải NLĐ đang trong thời gian nghỉ ốm đau, điều dưỡng, nghỉ việc có phép, đang bị tạm giữ, tạm giam, lao động nữ có thai, nghỉ thai sản, lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, lao động thực hiện hành vi bị kỷ luật trong thời gian mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Trong tình huống này trên, nhân viên của bạn không rơi vào các trường hợp nêu trên thì có thể tiến hành sa thải theo trình tự và thủ tục quy định trong Bộ luật lao động hiện hành. Cũng cần lưu ý thời hiệu để sa thải nhân viên có hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 12 tháng (Theo Khoản 1 Điều 124, Bộ luật Lao động năm 2012).

Thứ ba, đối với doanh nghiệp nhận được thông tin nội bộ công ty:

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm bí mật kinh doanh về sở hữu công nghiệp thì bị xử phạt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Để bảo vệ bí mật của công ty bạn trước nguy cơ bị đối thủ cạnh tranh sử dụng thì bạn có thể áp dụng các quy định của pháp luật về cạnh tranh. Theo đó Điều 41 của Luật cạnh tranh năm 2004 quy định như sau:

Điều 41. Xâm phạm bí mật kinh doanh

“Cấm doanh nghiệp thực hiện các hành vi sau đây:

1. Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu hợp pháp bí mật kinh doanh đó;

2. Tiết lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh;

3. Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập và làm lộ thông tin thuộc bí mật kinh doanh của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;

4. Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người khác khi người này làm thủ tục theo quy định của pháp luật liên quan đến kinh doanh, làm thủ tục lưu hành sản phẩm hoặc bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan nhà nước hoặc sử dụng những thông tin đó nhằm mục đích kinh doanh, xin cấp giấy phép liên quan đến kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm”.

Nếu xâm phạm tới bí mật kinh doanh thì sẽ bị xử phạt. Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định về mức xử phạt với hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh như sau:

Điều 29. Hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu hợp pháp bí mật kinh doanh đó;

b) Tiết lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh;

c) Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập và làm lộ thông tin thuộc bí mật kinh doanh của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;

d) Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người khác khi người này làm thủ tục theo quy định của pháp luật liên quan đến kinh doanh, làm thủ tục lưu hành sản phẩm hoặc bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan nhà nước hoặc sử dụng những thông tin đó nhằm mục đích kinh doanh, xin cấp giấy phép liên quan đến kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm.

2. Ngoài việc bị phạt theo Khoản 1 Điều này, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm”.

Như vậy, việc công ty đối thủ sử dụng bí mật của công ty bạn là hành vi trái pháp luật. Khi rơi vào trường hợp này thì bạn có thể thực hiện các biên pháp pháp lý để bảo vệ công ty bạn trong trường hợp công ty đối thủ sử dụng bất hợp pháp bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ của công ty bạn.

>> Tham khảo thêm : Dịch vụ luật sư tranh tụng

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan