Thủ tục nhập khẩu hàng hóa ở nước ngoài về Việt Nam

Nội dung bài viết

Câu 1: Tôi muốn nhập khẩu thuốc từ Pháp về thì cần làm những thủ tục gì để nhập khẩu về Việt Nam và về Việt Nam rồi thì cần thủ tục gì để lưu hành? Tôi chưa thành lập công ty và nếu cần lập công ty thì cần những giấy tờ gì?

Trả lời:

Điều 4 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương về thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu như sau:

Điều 4. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu

  1. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của bộ, cơ quan ngang bộ liên quan.
  2. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều kiện, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật.
  3. Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra theo quy định tại Điều 65 Luật Quản lý ngoại thương, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
  4. Đối với hàng hóa không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều này, thương nhân chỉ phải giải quyết thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại cơ quan hải quan.”

Để được lưu hành sản phẩm tại thị trường Việt Nam, sản phẩm của bạn cần phải đăng ký lưu hành thuốc nhập khẩu.Quy trình công bố thuốc nhập khẩu như sau:

  1. Chuẩn bị hồ sơ công bố
  2. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy công bố theo quy định tại Điều 28 Thông tư số 32/2018/TT-BYT
  3. Cục quản lý dược – Bộ y tế cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu 12/TT trong Thông tư 32/2018/TT-BYT
  4. Trong thời hạn thẩm định hồ sơ, Cục quản lý dược – Bộ y tế thẩm định hồ sơ sau đó trình Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, xin ý kiến thẩm định, tư vấn

Sau khi được Lãnh đạo Bộ phê duyệt, cấp giấy công bố thuốc theo kết luận của Hội đồng thẩm định:

  • Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu, Cục Quản lý dược – Bộ y tế phải có văn bản trả lời nêu rõ các khoản mục cần sửa đổi, bổ sung, thời gian sửa đổi, bổ sung. Cơ sở đăng ký công bố thuốc tiến hành sửa đổi bổ sung theo yêu cầu trong thời hạn 36 tháng nếu phải bổ sung tài liệu tiền lâm sàng, lâm sàng, nghiên cứu độ ổn định, tương đương sinh học.
  • Các trường hợp khác cần sửa đổi, bổ sung trong vòng 12 tháng. Nếu quá thời hạn hồ sơ sẽ không còn giá trị, cơ sở phải thực hiện thủ tục công bố lại. Thời gian bắt đầu tính từ ngày có văn bản yêu cầu của Cục quản lý dược.

Đối với thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam thì tùy theo từng loại hình doanh nghiệp bạn định thành lập (Công ty cổ phần, Công ty TNHH hai thành viên trở lên…) sẽ phải nộp các tài liệu, giấy tờ khác nhau được quy định tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành thời điểm bạn thành lập doanh nghiệp

Câu 2: Tôi là Việt kiều Mỹ. Trong tương lai tôi sẽ về Việt Nam để kinh doanh. Vậy xin hỏi, tôi có thể mang cả xe mô tô phân khối lớn và ô tô về Việt Nam không hay chỉ được mang một trong hai? Nếu được tôi phải làm thủ tục gì?

Trả lời:

Trường hợp 01: Việt kiều Mỹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được giải quyết thường trú tại Việt Nam

  1. Về điều kiện xe được nhập khẩu:

Đối với ô tô: Phải đáp ứng quy định tại Điều 3 Thông tư 20/2014/TT-BTC như sau:

+ Đã đăng ký lưu hành ở nước định cư hoặc nước mà công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đến làm việc (khác với nước định cư) ít nhất là 6 (sáu) tháng và đã chạy được một quãng đường tối thiểu là 10.000 km đến thời điểm ô tô về đến cảng Việt Nam.

+ Xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật qaunr lý ngoại thương và quy định tại Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT ngày 15/04/2011 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.

– Đối với mô tô: phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư 20/2014/TT-BTC như sau:

+ Xe mô tô phải được đăng ký lưu hành ở nước định cư hoặc nước mà công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đến làm việc (khác với nước định cư) trước thời điểm công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đã hồi hương được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam, thời điểm được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam được xác định trên sổ hộ khẩu thường trú do cơ quan Công an cấp.

+ Xe mô tô phải thuộc loại được phép đăng ký, lưu hành tại Việt Nam.

+ Xe mô tô nhập khẩu phải đảm bảo điều kiện: Không quá 03 năm tính từ năm sản xuất đến thời điểm mô tô về đến cảng Việt Nam.

+ Xe mô tô nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng quy định tại Thông tư số 44/2012/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu và động cơ nhập khẩu sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy.

  1. Về thủ tục hải quan

– Trước tiên, phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép nhập khẩu xe mô tô.

– Sau đó, thực hiện thủ tục nhập khẩu xe mô tô như sau:

+ Về hồ sơ: Hồ sơ gồm có:

  1. Giấy phép nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô: 02 bản chính.
  2. Vận tải đơn: 01 bản chính (có đóng dấu treo của Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô);
  3. Tờ khai hải quan xuất khẩu/nhập khẩu phi mậu dịch (HQ/2011-PMD): 02 bản chính.
  4. Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với ô tô): 01 bản sao có công chứng kèm bản chính để kiểm tra, đối chiếu.
  5. Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng xe mô tô nhập khẩu (đối với mô tô): 01 bản sao có công chứng kèm bản chính để kiểm tra, đối chiếu.

Trường hợp 02: Những trường hợp khác

  1. Về điều kiện xe được nhập khẩu

– Điều kiện đối với xe ô tô: Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành đối với xe ô tô đã qua sử dụng hoặc xe ô tô chưa qua sử dụng.

– Điều kiện đối với mô tô phân khối lớn: Theo Điều 3 Thông tư 143/2015/TT-BTC

+ Là xe chưa qua sử dụng.

+ Đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mô tô, xe gắn máy (QCVN14: 2011/BGTVT).

+ Thuộc loại được phép đăng ký, lưu hành tại Việt Nam (trừ trường hợp nhập khẩu, tạm nhập khẩu không đăng ký, lưu hành để làm mẫu, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, triển lãm, nghiên cứu, thử nghiệm).

Nếu bạn không thuộc trường hợp A nêu trên và xe mô tô của bạn đã qua sử dụng, bạn sẽ không thể nhập khẩu xe mô tô của bạn về Việt Nam.

  1. Về thủ tục hải quan

Căn cứ Điều 45 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 5 Thông tư 143/2015/TT-BTC, hồ sơ hải quan bao gồm:

– Tờ khai hải quan: 02 bản chính;

– Văn bản xác nhận đến công tác, làm việc tại Việt Nam của cơ quan, tổ chức nơi người nước ngoài làm việc hoặc giấy phép làm việc tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc Văn bản chứng minh việc hết thời hạn kinh doanh, làm việc ở nước ngoài hoặc trở về Việt Nam cư trú: 01 bản chụp;

– Chứng từ vận tải trong trường hợp tài sản vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt: 01 bản chụp.

– Giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy: 02 bản chính.

– Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với ô tô): 01 bản chính;

– Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng xe gắn máy nhập khẩu (đối với xe gắn máy): 01 bản chính;

– Giấy ủy quyền của đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 Thông tư 143/2015/TT-BTC ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe (nếu có): 01 bản chính.

 

Câu 3: Tôi đang sống ở CH Séc và đã có thẻ cư trú dài hạn. Nay tôi muốn gửi một chiếc xe ôtô về tặng người thân ở nhà và mỗi lần tôi về tôi cũng muốn sử dụng. Vậy phải làm như thế nào? Và phải chịu những khoản thuế gì? Cách tính thuế ra sao?

Trả lời:

Về thủ tục nhập khẩu ôtô là quà biếu tặng như sau:

Hồ sơ hải quan gồm:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 143/2015/TT-BTC: Hồ sơ nhập khẩu xe ô tô không nhằm mục đích thương mại như sau:

  • Giấy phép nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy: 02 bản chính.
  • Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương: 01 bản chụp;
  • Tờ khai hàng hóa nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
  • Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với ô tô): 01 bản chính;
  • Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng xe gắn máy nhập khẩu (đối với xe gắn máy): 01 bản chính;

Về thủ tục hải quan:

  • Người khai hải quản nộp và xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan tại Cơ quan hải quan
  • Đưa hàng hoá, phương tiện vận tải đến địa điểm được quy định để kiểm tra thực tế hàng hoá, phương tiện vận tải;
  • Nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính

Sau khi nhận đủ hồ sơ, kiểm tra hàng hóa và người khai hải quan đã thực hiện đủ việc nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính, Cơ quan hải quan sẽ quyết định việc thông quan hàng hoá, giải phóng hàng hóa, xác nhận phương tiện vận tải đã hoàn thành thủ tục hải quan.

Về những khoản thuế phải chịu bao gồm: thuế nhập khẩu; thuế tiêu thụ đặc biệtthuế giá trị gia tăng

Só thuế nhập khẩu phải nộp = số lượng hàng hóa *giá tính thuế nhập khẩu * thuế suất

Số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp = (Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu) * Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt

Số thuế giá trị gia tăng phải nộp = (Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt) * thuế suất thuế giá trị gia tăng

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan