Thủ tục kiện đòi lại đất bị lấn chiếm

Nội dung bài viết

Trong bài: "Thủ tục kiện đòi lại đất bị lấn chiếm" đăng trên báo Đầu tư Bất động sản, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SBLaw, dưới đây là nội dung chi tiết:

(ĐTCK) Gia đình tôi ở Mê Linh, Hà Nội không xây nhà hết đất mà để lại một khoảng sân phía bên cạnh nhà để ăn uống cỗ bàn khi có việc. Gia đình tôi sử dụng ổn định đất và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2002.

Thủ tục kiện đòi lại đất bị lấn chiếm

Hàng xóm mới chuyển đến ở cạnh gia đình tôi xây dựng tường rào lấn sang phần sân này của nhà tôi khoảng 2 m. Khi họ xây xong tôi mới biết và tôi đã nhắc nhở nhiều lần cũng như hòa giải tại xã, nhưng họ vẫn không chịu tháo dỡ. Xin hỏi, nếu tôi muốn yêu cầu Tòa án giải quyết thì cần phải làm những gì?

Trả lời: Trong trường hợp này, bạn cần thực hiện các bước sau đây.

Thứ nhất, xác định nơi có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 203, Luật Đất đai năm 2013, thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100, Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 9, Điều 26, Bộ luật Dân sự 2015, tranh chấp đất đai là tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Cụ thể hơn, Điểm a, Khoản 1, Điều 35, Bộ luật Dân sự 2015 quy định, trường hợp tranh chấp đất đai do Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết.

Ngoài ra, Điểm c, Khoản 1, Điều 39, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: Trong tranh chấp dân sự, “đối tượng tranh chấp là bất động sản, thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”.

Như vậy, từ những căn cứ trên, có thể xác định, Tòa án nhân dân huyện Mê Linh, TP. Hà Nội là nơi có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của bạn.

Thứ hai, thu thập chứng cứ, tài liệu để chuẩn bị khởi kiện.

Theo quy định tại Điều 6, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, Tòa án chỉ có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ.

Do đó, bạn cần chủ động chuẩn bị những chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu giải quyết tranh chấp của mình là hợp pháp.

Thứ ba, chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, bao gồm:

Đơn khởi kiện.

Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Các chứng cứ, tài liệu đã chuẩn bị…

Thứ tư, nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án và thực hiện các thủ tục cần thiết để Tòa án tiến hành trước và sau thụ lý vụ án (nộp tiền tạm ứng án phí, viết bản tự khai, tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ…).

Nguồn: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bds-phap-luat/thu-tuc-kien-doi-lai-dat-bi-lan-chiem-198337.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan