Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về tiền lương

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Công ty tôi có trụ sở ở Hà Nội. Tính đến nay công ty đã nợ lương nhân viên 5 tháng. Trong công ty không có tổ chức công đoàn nên không có ai đứng ra bảo vệ cho người lao động.

Vậy, chúng tôi phải làm những thủ tục như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì công ty bạn đang làm đã năm tháng chưa giải quyết chế độ tiền lương cho nhân viên, nếu vẫn không thỏa thuận được thời gian trả lương kịp thời thì có thể giải quyết theo hình thức tranh chấp lao động tập thể về quyền. Bởi chế độ lương là quyền của người lao động, khi bán sức lao động của mình để có được thành quả và sản phẩm cho công ty; mặt khác người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động để hoàn thành sản phẩm của họ. Thủ tục tiến hành giải quyết như sau:

Thứ nhất, tiến hành hòa giải bởi hòa giải viên lao động

Trình tự hòa giải được thực hiện theo Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012. Biên bản hòa giải ghi rõ tranh chấp lao động tập thể, cụ thể:

Tranh chấp lao động tập thể phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

– Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

– Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

– Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

– Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;

– Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, nhân viên và lãnh đạo công ty tranh chấp về chế độ lương theo quy định của pháp luật, không thuộc các trường hợp trên nên phải tiến hành hòa giải của hòa giải viên lao động.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hòa giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

Tại phiên họp hòa giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp hòa giải.

Hòa giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Có thể xảy ra các trường hợp như sau:

– Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

– Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hòa giải, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

– Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hòa giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành.

Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hòa giải viên lao động.

Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

Thứ hai, giải quyết theo thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền các bên có quyền yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết hoặc trong thời hạn 5 ngày làm việc của hòa giải viên lao động mà mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì các bên có quyền gửi đơn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.

Đối với trường hợp trong thời hạn 5 ngày làm việc mà hòa giải viên lao động chưa giải quyết mà các bên có yêu cầu lên Chủ tịch Ủy ban nhân cấp huyện thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xác định loại tranh chấp về quyền hoặc lợi ích. Trường hợp là tranh chấp lao động tập thể về quyền thì tiến hành giải quyết theo thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Điều 205 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:

“1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải tiến hành giải quyết tranh chấp lao động.

2. Tại phiên họp giải quyết tranh chấp lao động phải có đại diện của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện mời đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan tham dự phiên họp.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác để xem xét giải quyết tranh chấp lao động.

3. Trong trường hợp các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Thứ ba, giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án

Nếu tiến hành hòa giải bởi hòa giải viên lao động không thành hoặc không thực hiện đúng như trong biên bản hòa giải hay quá thời hạn giải quyết mà không được giải quyết thì sẽ yêu cầu giải quyết bởi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Nếu không các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc quá thời hạn mà không được Chủ tịch Ủy ban nhân dân giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Khoản 2 Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án như sau: “Tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết”.

Thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân cấp huyện (Điểm c Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan