Thủ tục chấp thuận và cấp giấy phép chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ năm 2017

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Công ty mình có trụ sở tại Hà Nội. Bên mình đang có dự định chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao. Cho mình hỏi: theo quy định trong Luật CGCN mới thì thủ tục chấp thuận và cấp giấy phép chuyển giao được quy định như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trước hết, theo quy định tại Điều 28 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2018) thì tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao quy định tại Điều 10 của Luật này phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.

Việc cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ được thực hiện theo trình tự sau đây:

  1. a) Chấp thuận chuyển giao công nghệ.

Đối với chuyển giao công nghệ của dự án đầu tư đã được thẩm định, lấy ý kiến công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư thì không phải chấp thuận chuyển giao công nghệ;

  1. b) Cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.

Thứ nhất, về chấp thuận chuyển giao công nghệ

Căn cứ Điều 29 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 thì việc chấp thuận chuyển giao công nghệ sẽ được tiến hành như sau:

Tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao gửi hồ sơ đến Bộ Khoa học và Công nghệ để đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ.

Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ;

- Văn bản về tư cách pháp lý của bên đề nghị;

- Tài liệu giải trình về công nghệ;

- Tài liệu giải trình về điều kiện sử dụng công nghệ theo quy định của pháp luật;

- Tài liệu giải trình về việc phù hợp với quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ, ngành có liên quan ra văn bản chấp thuận chuyển giao công nghệ; trường hợp không chấp thuận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thứ hai, đối với việc cấp giấy phép chuyển giao công nghệ

Căn cứ theo Điều 30 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 thì việc cấp giấy phép chuyển giao công nghệ sẽ được tiến hành như sau:

Sau khi nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ tiến hành ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, bên có nghĩa vụ thực hiện việc đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ đến Bộ Khoa học và Công nghệ.

Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ, trong đó ghi rõ cam kết trách nhiệm của các bên bảo đảm nội dung hợp đồng tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan;

- Văn bản về tư cách pháp lý của các bên trong hợp đồng chuyển giao công nghệ;

- Bản gốc bằng tiếng Việt hoặc bản sao có chứng thực hợp đồng chuyển giao công nghệ; trường hợp không có hợp đồng bằng tiếng Việt thì phải có bản dịch sang tiếng Việt và được công chứng hoặc chứng thực;

- Danh mục tài liệu công nghệ, máy móc, thiết bị (nếu có) kèm theo hợp đồng chuyển giao công nghệ;

- Bản sao có chứng thực văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ (nếu có);

- Tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ do ứng dụng công nghệ chuyển giao;

- Giải trình về điều kiện sử dụng công nghệ;

- Văn bản thẩm định giá công nghệ được chuyển giao trong trường hợp bên nhận chuyển giao công nghệ sử dụng vốn nhà nước.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định và cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ; trường hợp từ chối cấp Giấy phép thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan