Thu phí tác quyền âm nhạc: VCPMC và Khách Sạn - Ai Đúng, Ai Sai?

Nội dung bài viết

Trong bài "Thu phí tác quyền âm nhạc: VCPMC và Khách Sạn - Ai Đúng, Ai Sai?" đăng trên Báo Điện tử Tầm nhìn, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Phạm Duy Khương - Giám đốc Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Vấn đề thu phí tác quyền âm nhạc đang là "cuộc chiến" khi Trung tâm bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khẳng định mình đúng, còn dư luận và đơn vị khách sạn đặt ra nhiều nghi vấn. Vậy dựa vào đâu để khẳng định tính pháp ý của Luật Sở hữu trí tuệ?

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như VCPMC không có quyền mà lại thu tiền tác quyền âm nhạc tại các khách sạn, nhà hàng? Để rộng đường dư luận, báo điện tử Tầm Nhìn ( tamnhin.net.vn) trao đổi với Luật sư Phạm Duy Khương,Giám đốc IP SBLAW, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội về cơ sở pháp lý theo Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) trong lĩnh vực âm nhạc.

PV: Theo Luật sư, VCPMC đúng hay sai? và có phải như cách hiểu của dư luận về việc VCPMC thu tiền tác quyền âm nhạc tại khách sạn là phí chồng phí?

LS Phạm Duy Khương: VCPMC đang thực thi quyền của mình với tư cách pháp lý quy định tại Điều 56 của Luật SHTT. Tôi thường ví thế này, bản quyền là một chiếc bánh được chia thành nhiều miếng nhỏ. Miếng thì cho quyền sao chép, miếng cho quyền phát sóng, miếng cho quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng...

Quy định về quyền của những miếng bánh này chính là quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền được ghi nhận tại Điều 20, Luật SHTT 2005 (sửa đổi 2009). Trả tiền miếng nào ăn miếng đấy. Tuy nhiên, thực tế đài truyền hình chỉ mua theo nhu cầu của họ, nghĩa là chỉ sở hữu phát sóng tác phẩm đến công chúng. Cũng không thể đẩy hết trách nhiệm sang đài truyền hình được, bởi nếu họ mua toàn bộ bản quyền thì chi phí thuê bao sẽ tăng cũng như ko có công cụ để phân biệt đâu là khách hàng cá nhân, đâu là đơn vị kinh doanh và quy mô kinh doanh để tính giá thuê bao khác biệt. Đây là phương thức truyền thống của thế giới (tiến hành thu tại ngọn), nghĩa là ai dùng trong mục đích thương mại sẽ thu phát sinh sau. Như vậy, nếu không có trong tay quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng thì đài truyền hình không thể bán quyền này cho các đơn vị kinh doanh khách sạn được.

Cách nhanh nhất, hãy mở hợp đồng bạn đã ký với nhà cung cấp dịch vụ truyền hình, đọc kỹ xem hợp đồng có nhắc đến bất cứ nội dung của quyền SHTT nào hay không? và rằng họ có chuyển cho bạn - với tư cách là một đơn vị đang thực hiện kinh doanh, thương mại, bất cứ quyền nào liên quan đến quyền tác giả hay không? Nếu trong hợp đồng dịch vụ cung cấp dịch vụ truyền hình có cho phép bạn được thực hiện quyền phân phối hoặc truyền tác phẩm đến công chúng bạn hãy thực hiện các quyền này mà không cần phải lo lắng về tiền tác quyền. Nếu không có điều khoản này bạn sẽ có trách nhiệm đóng phí quyền truyền đạt hoặc phân phối tác phẩm đến công chúng. Như vậy, khái niệm phí chồng phí trong trường hợp này là không đúng.

PV: Vậy đâu là cơ sở pháp lý quy định về quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng đối với Khách sạn?

LS Phạm Duy Khương: Trong mối quan hệ giữa Khách sạn và người lưu trú, Khách sạn là chủ thể cung cấp dịch vụ và là đơn vị kinh doanh. Người lưu trú là chủ thể thụ hưởng dịch vụ lưu trú và các dịch vụ xem tivi là dịch vụ phụ trội do Khách sạn cung cấp. Do đó, dù là dịch vụ gì thì các dịch vụ phụ trội này vẫn phải được coi là có mục đích kinh doanh của Khách sạn.

Điều 33 của Luật SHTT quy định “Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật”.

Theo quy định của điều luật trên thì thấy có hai điều kiện để cho phép chủ sở hữu quyền tác giả được quyền thu tiền bản quyền là: Có sử dụng bản ghi âm, ghi hình; và Sử dụng trong hoạt động kinh doanh, thương mại. Như vậy, nhà làm luật chỉ quan tâm đến hành vi của chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh, chứ không xem xét xem liệu hoạt động sử dụng bảng ghi âm, ghi hình này có đến được với khán giả hay không.

Ngoài ra, theo quy định của Điều 35.2 của Nghị định 100/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) hướng dẫn Điều 33.1.b của Luật SHTT như sau: “Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại quy định tại điểm b khoản 1 Điều 33 của Luật SHTT là việc tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố để sử dụng tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh, thương mại khác”.

Theo đó, Khách sạn được các nhà làm luật coi là một trong những chủ thể sử dụng bản ghi âm, ghi hình tiêu biểu trong hoạt động kinh doanh.

Theo quy định tại điều 23.4 của Nghị định 100 thì hành vi của khách sạn được coi là thực hiện quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng “Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 20 của Luật SHTT là quyền độc quyền thực hiện của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc cho phép người khác thực hiện để đưa tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm đến công chúng mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn”. Theo quy định này thì công chúng (khách lưu trú) sẽ có quyền lựa chọn, thời gian và địa điểm mà họ sẽ tiếp cận tác phẩm.

PV: Tiền tác quyền sẽ thu thế nào? Nếu Khách sạn đã đóng tiền cáp Internet, sử dụng Smart Tivi và chỉ sử dụng các kênh Youtube, Star Movie, HBO thì có phải đóng phí tác quyền này hay không?

LS Phạm Duy Khương: Khách sạn, theo nguyên tắc được quy định tại Khoản 2, Điều 33 của Luật SHTT, phải là chủ thể thanh toán khoản phí này chứ không phải là người tiêu dùng vì người tiêu dùng không sử dụng bất cứ quyền nào của chủ sở hữu quyền tác giả trong trường hợp này.

Tuy nhiên, các bạn lưu ý rằng, quyền mà các bạn đang sử dụng của chủ sở hữu quyền tác giả chính là “Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác là quyền độc quyền thực hiện của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc cho phép người khác thực hiện để đưa tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm đến công chúng mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn”.VCPMC chỉ thu tác quyền âm nhạc đối với những kênh sóng được ủy thác và những tác giả đã uỷ quyền quản lý.

Cần phải lưu ý rằng, thuật ngữ mà luật quy định khi giải thích về quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng này là “có thể tiếp cận được” chứ không phải là “tiếp cận được”. Vì nó là một khả năng, nên khi khả năng này có thể xảy ra, bạn được coi là đã thực hiện đầy đủ quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng.

PV: VCPMC sẽ làm gì khi Khách sạn, nhà hàng, quán cà phê không đóng khoản phí này? Và mức phí 25.000 đóng dựa vào căn cứ nào của Luật?

LS Phạm Duy Khương: Trong thời kỳ Việt Nam đang cần sự chuyển biến dần dần về SHTT, từ chỗ đáy đi lên thì biện pháp hành chính, khởi kiện như nêu trên là việc chỉ nên được thực hiện khi mọi giải pháp xung quanh không phát huy tác dụng.

Điểm đang lưu ý ở đây là: Bạn có quyền thương lượng về mức phí, chứ không có quyền thương lượng về việc bạn có đóng hay không nếu bạn đã khai thác quyền của chủ sở hữu tác phẩm. Bản thân Điều 33.1 và 33.2 của Luật SHTT cũng quy định trong trường không thương lượng được số tiền tác quyền thì các bên có thể thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án. Với tư cách là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả theo quy định của Luật SHTT, VCPMC có quyền làm điều này.

Việc định mức thu không phải VCPMC muốn là làm một cách tự do, thoải mái mà phải dựa trên nguyên tắc, quy định pháp luật. Nếu "ngẫu hứng" là tự VCPMC hại mình về tính khả thi của luật. Còn nếu các đơn vị doanh nghiệp tiếp tục dùng mà không trả phí thì VCPMC có quyền kiện. Nghe nó hơi "ngông" nhưng là sự thật.

PV: Tính minh bạch của vấn đề này như thế nào, nhìn từ góc độ của Luật sư?

LS Phạm Duy Khương: Việc bạn không thanh toán phí là việc bạn xâm phạm quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Việc VCPMC không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ (nếu có) là hành vi vi phạm của VCPMC với các đối tác nước ngoài mà VCPMC đã có thỏa thuận. Cả hai hành vi này sẽ có hậu quả pháp lý phát sinh khác nhau.

Minh Bạch là yếu tố quyết định sự tồn tại lâu dài của một tổ chức tác quyền tập thể. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, đây là chuyện nội bộ giữa người đi thu tiền theo uỷ quyền và nhạc sỹ thì họ có quyền quyết định công khai hay ko. Đấy là chưa kể liệu nhạc sỹ có cho phép tiết lộ ra ngoài ko. Nghĩa vụ công khai của người đi thu tiền là với nhạc sỹ uỷ quyền chứ ko phải công chúng.

Cơ sở phát sinh quyền dựa trên 2 yếu tố. Tác giả trong nước thì dựa trên giấy uỷ quyền; tác giả quốc tế là dựa theo thoả thuận hợp tác song phương giữa tổ chức tác quyền các nước. Thiết nghĩ, trong trường hợp cần làm đến cùng một vụ việc có yếu tố nước ngoài thì việc yêu cầu đối tác nước ngoài cung cấp giấy uỷ quyền là một việc không khó.

PV: Đây có phải là quy định dị biệt của Việt Nam?

LS Phạm Duy Khương: Nhật Bản, Singapore, Malaysia ... và nhiều nước đã thực thi rất nghiêm Luật SHTT. Tôi ước Việt Nam đủ mạnh và sáng tạo để làm được như thế. Luật chơi SHTT luôn là áp lực có tính áp đặt, đánh đổi của các nước phát triển với các nước đang phát triển như Việt Nam. Nói vậy để thấy Việt Nam chỉ là đi sau và đi theo những gì thế giới đã từng làm thôi. Việt Nam hay VCPMC chưa đủ bản lĩnh để sáng tạo ra đâu.

Vậy Gốc nằm ở đâu? Chắc chắn không hẳn là luật và không thiếu gì cách lách luật nếu muốn. Cái gốc chính là sự trung thực trong nhận thức về sử dụng bản quyền. Có dùng, có trả. Chỉ có nhận thức tốt mới khiến hai bên đưa nhau về một điểm mà ở đó lợi ích của hai bên đều được đảm bảo. Để làm được điều đó, hai bên phải xác đinh được những điểm lùi cần thiết, thay vì nói “không” với mọi đề xuất. Như vậy, chắc chắn hai bên sẽ thoát khỏi những tranh chấp không đáng có.

Nguồn: http://www.tamnhin.net.vn/thu-phi-tac-quyen-am-nhac-vcpmc-va-khach-san--ai-dung-ai-sai-d5902.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan