Thu phí chuyển thành 'thu giá' BOT: 'Có căn cứ pháp luật'

Nội dung bài viết

Trong bài Thu phí chuyển thành 'thu giá' BOT: 'Có căn cứ pháp luật' đăng trên báo Vietnammoi, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhận định việc chuyển đổi tên từ thu phí thành thu giá BOT là có căn cứ pháp luật.

Thời gian qua, trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có lẽ chưa bao giờ cái tên BOT lại "nóng" đến như vậy khi hàng loạt trạm BOT trên khắp cả nước bị người dân phản đối do nhiều bất cập trong việc thu phí.

Mới đây, người dân lại tiếp tục được một phen "bắt buộc phải quan tâm" khi "trạm thu phí" được đổi thành "trạm thu giá" BOT.

Nhằm làm rõ hơn về thuật ngữ "thu giá BOT" đang gây nhiều ý kiến dư luận trái chiều, chúng tôi đã có trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, bản chất của phí là dịch vụ công, mang tính phục vụ, trong khi giá mang tính thị trường, có cân đối lợi nhuận của nhà đầu tư.

"Theo Luật phí và lệ phí năm 2015, có 17 loại phí được chuyển sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá.

Trong số đó, phí sử dụng đường bộ được chuyển sang có giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh và được thực hiện theo Luật giá kể từ ngày Luật phí và lệ phí có hiệu lực thi hành (01/01/2017).

Với sự điều chỉnh đó, khoản thu sử dụng dịch vụ đường bộ được chuyển từ chế độ thu phí sang thu giá.

Vì vậy, việc điều chỉnh tên gọi như trên là có căn cứ pháp luật", luật sư Hà cho biết.

Cũng theo luật sư Hà, BOT là dự án Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao do đó doanh nghiệp dự án chỉ được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn thì phải chuyển giao cho nhà nước.

Dự án BOT không thuộc sở hữu của doanh nghiệp, các dự án này vẫn phải được Nhà nước quy hoạch và quản lý.

Đây là một khái niệm thống nhất trên quốc tế và cũng đã được thể chế hóa trong Nghị định về PPP ở Việt Nam.

"Vì thế, việc Thông tư 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để kinh doanh là hợp lý.

Tuy nhiên, thiết nghĩ, chỉ khi các cơ quan chức năng lắng nghe, quan tâm tới cuộc sống, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu thì lúc đó cái tên BOT mới có thể giảm nhiệt trong lòng mỗi tài xế và người dân", luật sư Nguyễn Thanh Hà chia sẻ.

Nguồn: https://vietnammoi.vn/thu-phi-chuyen-thanh-thu-gia-bot-co-can-cu-phap-luat-104834.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan