Thu phí bài hát karaoke: Học Tây không dễ

Nội dung bài viết

Trong bài "Thu phí bài hát karaoke: Học Tây không dễ" đăng trên báo Kinh tế & Đô thị có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law.

Trung tâm cấp phép và quản lý quyền - đơn vị trực thuộc Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) vừa ra văn bản cho biết sẽ thu mức phí bản quyền liên quan theo quy định là 2.000 đồng/bài hát/đầu máy karaoke.Tuy mới là kế hoạch của RIAV, nhưng động đến đồng tiền bát gạo của hàng ngàn cơ sở kinh doanh karaoke, nên họ không ngừng phản đối.
Ai hưởng lợi?
Theo dự kiến, từ tháng 7/2017, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) sẽ tiến hành thu phí tác quyền đối với hơn 10.000 tác phẩm âm nhạc thuộc quyền sở hữu và quản lý của RIAV tại các tụ điểm kinh doanh dịch vụ karaoke. Cụ thể, mức phí được RIAV áp dụng là 2.000 đồng/bài/đầu máy karaoke trong thời hạn một năm. Những TP khởi đầu lựa chọn sẽ thu của RIAV không phải Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh mà là Quảng Ninh, Trà Vinh và Bến Tre.

Theo ông Hoàng Anh Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp phép và quản lý quyền RIAV, sở dĩ Hiệp hội đưa ra mức thu trên là do thực tế các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke hiện sử dụng các sản phẩm bản ghi (gồm ghi âm, ghi hình) âm nhạc thuộc quyền sở hữu, quản lý của RIAV vào mục đích kinh doanh nhằm thu lợi nhuận, trong khi chưa có thỏa thuận và được phép của chủ sở hữu. Với Việt Nam, hình thức thu phí bài hát ghi âm, ghi hình cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ là mới mẻ, nhưng trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện hàng chục năm nay.
Trước thông tin RIAV sẽ khởi động thu tác quyền ghi âm, ghi hình các bài hát karaoke, nhiều ca sĩ tỏ ra vui mừng. Theo ca sĩ Lương Nguyệt Anh: “Dòng nhạc dân gian mà tôi đang theo đuổi được khán giả ưa chuộng hát trong các quán karaoke. Các cơ sở này dùng bản phối, thậm chí là mượn giọng của ca sĩ để làm mẫu… nhưng không ai trả tiền cho chúng tôi. Trong khi đó mỗi album, MV chúng tôi đầu tư cả trăm triệu đồng, doanh thu bán đĩa hầu như là lỗ”. NSND lấy ví dụ ca khúc “Tàu anh qua núi”, “Làng lúa làng hoa”… được các cơ sở kinh doanh karaoke sử dụng thu lời, họ hái ra tiền còn công lao ca sĩ bị bỏ quên. Theo dự tính của RIAV, tiền thu về từ hoạt động này sẽ được chi 10% cho các chi phí hoạt động của văn phòng Hiệp hội; 5 - 10% chi cho các Sở VHTT&DL các tỉnh, TP. Và 80% còn lại được trả trực tiếp cho các chủ sở hữu bản ghi âm, ghi hình, cụ thể ở đây là nhà sản xuất băng đĩa, âm thanh Việt Nam. Trong đó bao gồm cả quyền hưởng thụ của ca sĩ – người thực hiện bản ghi âm, ghi hình cho các đơn vị sản xuất. Tuy nhiên, các ca sĩ cũng hiểu, giai đoạn này mới là thời điểm RIAV bắt đầu thu phí bài hát karaoke, hiệu quả đến đâu còn cần phải chờ phương thức thực hiện của RIAV.
1 cơ sở karaoke có thể phải nộp 40 triệu đồng/năm

Hiện nay RIAV sở hữu để thu phí 10.000 bài. Thông thường, mỗi đầu thu chứa 5.000 - 7.000 bài. Mỗi cơ sở kinh doanh chỉ cần sở hữu 3 đầu máy chứa 2.000 bài thì sẽ phải chi tác quyền ghi hình đến 40 triệu đồng/năm. Theo anh Nguyễn Dũng – cơ sở kinh doanh karaoke ở Xã Đàn, Hà Nội đây là một số tiền “khủng”. “Mỗi năm chúng tôi đã phải chi trả khoảng 20 triệu đồng tiền tác quyền tác giả âm nhạc. Bây giờ lại thêm phí ghi âm, ghi hình, chắc chắn các cơ sở phải tăng giá dịch vụ mới có thể có lãi” – anh Nguyễn Dũng bày tỏ.
Đó là chưa kể, như anh Nguyễn Hiếu – chủ cơ sở kinh doanh karaoke Hip Hop (Xa La, Hà Đông) thắc mắc, RIAV đánh đồng 2000 đồng/bài hát. Thực tế trong danh sách các bài hát được sử dụng, có những bài rất thường được khách lựa chọn, nhưng nhiều bài hát trong số đó hầu như không được ưa chuộng. Tuy nhiên, danh sách bài hát khi mua về đã cố định, các đơn vị không được chọn riêng bài. “Chúng tôi chỉ có thể trả lời rằng những bài hát đó đã nằm trên đầu thu của các bạn rồi, có sử dụng hay không thì những bài hát vẫn còn ở đấy. Nếu các chủ trung tâm từ chối nghĩa vụ đóng phí thì có thể gỡ bài hát đó ra khởi đầu karaoke, việc đấy không làm sao cả” - ông Hoàng Anh Dũng giải thích. Ngoài ra, theo ông Dũng để sản xuất 1 bản ghi thì sẽ mất từ 25 - 150 triệu đồng tùy tác phẩm, nếu thu phí 2.000 đồng so với số tiền ban đầu bỏ ra cho mỗi bài thì quả thật nó không hề lớn.
“Công tác thu phí tác quyền đã được lên kế hoạch trong một thời gian dài và có lộ trình cụ thể. Từ quý II/2016, chúng tôi đã có lộ trình và kế hoạch rồi. Trong thời gian quý I và quý II/2017 sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngoài việc truyền thông bằng các phương tiện thông tin đại chúng thì chúng tôi còn gửi công văn đến toàn bộ các trung tâm karaoke trên toàn quốc, phải đảm bảo chủ của các trung tâm karaoke nhận được công văn của Hiệp hội hướng dẫn họ về việc thu phí tác quyền. Trong công văn sẽ có hướng dẫn cụ thể và chúng đều dựa trên luật pháp, không hề làm mơ hồ” - ông Hoàng Anh Dũng bày tỏ.
Tất nhiên, để RIAV hoàn thành được mục tiêu thu phí toàn bộ bài hát thuộc sở hữu của mình đang được các đơn vị kinh doanh karaoke khai thác là không hề dễ dàng. Còn nhớ cách đây 15 năm, khi mới thành lập, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cũng khổ sở để đàm phán với các đơn vị tổ chức nghệ thuật chịu mức phí tác quyền cho các tác giả bài hát. Từ doanh thu vài trăm triệu năm đầu, 15 năm sau (năm 2016), doanh thu của VCPMC đã cán đích 73 tỷ đồng. Những tác giả như Trịnh Công Sơn, Phú Quang… có thể có mức thu 200 - 300 triệu đồng/quý. Thế nhưng, đến nay VCPMC thừa nhận, không phải đơn vị tổ chức sự kiện, cá nhân tổ chức sử dụng tác phẩm âm nhạc nào cũng chịu nộp tác quyền; không thiếu các trường hợp đã phải đưa ra tòa giải để khởi tố.
Hiện nay, chỉ tính riêng các TP trực thuộc T.Ư đã có từ vài trăm đến hàng ngàn DN kinh doanh karaoke. Xung quanh một quy định mới, luôn luôn có nhiều thắc mắc. Nếu không giải quyết được các vướng mắc từ phía các đơn vị kinh doanh để họ “tâm phục, khẩu phục”, có lẽ, con đường thu phí của RIAV sẽ còn nhiều chông gai. Dẫu cho Luật đã quy định, thế giới cũng đã thực hiện, nhưng thói quen chấp hành các quy định của Việt không giống nước ngoài.

Tuyên truyền để thay đổi nhận thức
Trước những tranh cãi xung quanh quy định thu phí bài hát karaoke của RIAV có đúng luật hay không; nếu quy định này được thực hiện, có phải các đơn vị bảo hộ tác quyền đang làm khó cơ sở kinh doanh, tạo ra những cơ chế phí chồng phí, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty SBLAW về vấn đề này.
Những quy định thu phí bài hát karaoke của RIAV dựa trên cơ sở nào, có đúng luật hay không, thưa luật sư?
- Theo ý kiến của tôi, Hiệp hội là tổ chức đại diện tập thể của các nhà sản xuất ghi âm, ghi hình Việt Nam, những nhà sản xuất làm ra tác phẩm nên là chủ sở hữu của tác phẩm của mình. Khi bất kỳ tổ chức cá nhân nào sử dụng các bản ghi âm, ghi hình trong hoạt động sản xuất kinh doanh đều phải đóng phí tác quyền. Điều này đã được Luật Sở hữu trí tuệ quy định. Luật quy định, các cơ sở kinh doanh sẽ phải trả phí bản quyền âm nhạc cho tác giả sáng tác bài hát, phí thứ 2 là phí sử dụng ghi hình của nhà sản xuất. Chính vì vậy, việc thu tiền của RIAV là có cơ sở pháp lý. Nếu cơ sở kinh doanh karaoke sử dụng bản ghi âm, ghi hình thuộc sở hữu của Hiệp hội mà không trả là vi phạm.
Quy định này đã được luật hóa, nếu bên sử dụng tác phẩm không đóng phí thì có 3 hình thức xử lý. Hình thức thứ nhất là xử phạt vi phạm hành chính. Hình thức thứ 2 là tiến hành khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại chấm dứt hành vi phạm. Và hình thức thứ 3 là có thể khởi tố về mặt hình sự, phạt tiền và có thể phạt tù nếu vi phạm nghiêm trọng.
Hiện nay các chủ cơ sở kinh doanh karaoke phàn nàn về mức thu 2.000 đồng/bài/năm. Cách tính mà RIAV đưa ra có hợp lý?
- Đây là thỏa thuận dân sự, nên mức thu phải căn cứ vào tình hình thực tế. Hiệp hội là đại diện nhà sản xuất, nên họ là bên bán còn bên kinh doanh karaoke kia là bên mua. Giữa mua và bán phải xác lập 1 hợp đồng sử dụng. Vì vậy, bên mua đưa ra 2.000 đồng, bên bán nói mức này là cao, muốn đạt được thỏa thuận thì 2 bên phải đàm phán lại.
Nhiều người vẫn hoài nghi về khả năng thu tiền tác quyền ghi âm, ghi hình của RIAV rất khó thực hiện. Quan điểm của luật sư về vấn đề này thế nào?
- Quan điểm không thể thực hiện thu phí ghi âm, ghi hình đối với các cơ sở kinh doanh karaoke là chuẩn xác. Chúng ta có hành lang pháp lý là Luật Sở hữu trí tuệ đó là quyền dân sự, quyền chính đáng. Thu được hay không phụ thuộc vào sự quyết liệt của chủ sở hữu quyền. Chủ cơ sở karaoke chưa hiểu, nên họ cho rằng phí chồng phí. Chúng ta phải tuyên truyền để thay đổi nhận thức dần dần, nên áp dụng mức phí từ thấp đến cao để họ tiếp nhận.
0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan