Thu hồi tài sản tham nhũng-Vì sao khó?

Nội dung bài viết

Tham nhũng tại Việt Nam là một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Theo định nghĩa thì "tham nhũng" hay "tham ô" là hành vi "của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân".

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời về vấn đề Thu hồi tài sản tham nhũng trong Chương trình Bạn và pháp luật. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1:

Thưa luật sư, chúng ta có Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 về minh bạch tài sản, thu nhập. Tại Điều 70 và Điều 71 Luật phòng chống tham nhũng cũng đã có quy định về việc tịch thu tài sản tham nhũng, bao gồm tài sản do tham nhũng mà có và tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Thế nhưng, khi xử lý các vụ việc tham nhũng thì số tài sản thu hồi được rất nhỏ. Nguyên nhân là do đâu?

Luật sư trả lời:

Theo Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012) có quy định: “Tài sản tham nhũng là tài sản có được từ hành vi tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng”.

Thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những giải pháp quan trọng nhất để khắc phục hậu quả những thiệt hại mà tham nhũng gây ra. Phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả sẽ có tác dụng răn đe, tác động mạnh vào tâm lý tội phạm tham nhũng, ngăn chặn động cơ của tham nhũng, là một trong những thước đo hiệu quả phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản trong án tham nhũng lại rất phức tạp và khó khăn, số tiền thu hồi được từ tham nhũng là rất nhỏ. Lý do là:

- Các quy định của pháp luật liên quan còn nhiều bất cập:

+ Với các vụ án về tham nhũng, quy định về kê biên tài sản đối bị can, bị cáo là quy định không bắt buộc. Trên thực tế, chỉ khi có đủ căn cứ về mức thiệt hại, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể tiến hành kê biên tài sản để đảm bảo việc thi hành án sau này.

+ Điều 128 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định “Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại …” trong khi những mức tương ứng này chỉ có thể biết được sau khi tòa án tuyên án nên đã góp phần vào việc hạn chế áp dụng các biện pháp phong tỏa, kê biên.

Tuy nhiên, những quy định này cũng có những điểm hợp lý, đó là tránh sự tùy tiện và lạm dụng của các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, vấn đề quan trọng ở đây là các cơ quan tiến hành tố tụng phải kê biên tài sản nhanh chóng và đúng luật.

- Thời gian để có phán quyết bị cáo phạm tội tham nhũng kéo dài nên phần rất lớn tài sản có được do tham nhũng bị tẩu tán, chuyển cho người khác đứng tên, thậm chí tuồn ra nước ngoài.

Câu 2:

Việc kê khai tài sản là một trong những chứng cứ trong công tác đấu tranh chống tham nhũng. Năm 2017, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận thấy, số người đã kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn (1.113.422 người), nhưng chỉ xác minh đối với 78 người (giảm 81,4% so với năm 2016), kết quả xác minh chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm. Con số này cho thấy điều gì, thưa ông?

Luật sư trả lời:

Thống kê thì là như vậy, tuy nhiên, trên thực tế còn rất nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm.

Nguyên nhân của tình trạng này là chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; việc thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến.

Câu 3:

Nếu cơ quan điều tra không đề cập đến việc kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài khoản thì VKS, tòa án có tự thu thập tài liệu, chứng cứ để đưa ra các biện pháp cưỡng chế, thu hồi tài sản hay không, thưa ông?

Luật sư trả lời:

Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên gồm:

“e) Thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, xử lý vật chứng; …”.

Điều 128 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định: “Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh kê biên tài sản. Lệnh kê biên của những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành”.

Dẫn chiếu đến Khoản 1 Điều 113 Bộ Luật này:

“1. Những người sau đây có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;

c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử …”.

Theo đó, thông thường nếu cơ quan điều tra không đề cập đến việc kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài khoản thì VKS, tòa án cũng không có điều kiện để tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ để đưa ra các biện pháp cưỡng chế trên.

Câu 4:

Vừa rồi là ý kiến của một số thính giả về việc thu hồi tài sản tham nhũng qua một số vụ án mà họ đã được chứng kiến, đã xem qua ti vi, báo đài…. Dưới góc độ là luật sư, theo ông thì việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ta hiện nay đang vướng mắc nhất ở phía văn bản luật hay phía người tham nhũng không kê khai tài sản trung thực hoặc là tẩu tán tài sản?

Luật sư trả lời:

Như tôi đã phân tích nguyên nhân ở trên, thì cả 2 lý do này đều dẫn đến việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ta gặp khó khăn.

Câu 5:

Theo ông thì quy định đánh thuế 45% đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì có hợp lý không?

Luật sư trả lời:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 23 cho ý kiến về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.

Theo dự thảo mới nhất, Chính phủ bổ sung Điều 59 quy định về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn số đã kê khai hoặc số tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về phần chênh lệch.

Hai phương án được cơ quan soạn thảo trình ra Thường vụ Quốc hội. Cụ thể:

-Theo phương án một, dự Luật quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật phòng chống tham nhũng; đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc này thông qua áp thuế thu nhập cá nhân.

- Phương án hai quy định việc đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Có nhiều ý kiến cho rằng, tài sản không giải trình là tài sản bất minh. Tuy nhiên, theo tôi, không thể nói việc không giải trình được một cách hợp lý thì đó là tài sản bất minh. Không giải trình được một cách hợp lý nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không chứng minh được đó là tài sản bất hợp pháp thì phải suy đoán vô tội. Coi như đó là tài sản hợp pháp. Còn khi cơ quan nhà nước chứng minh được đó là tài sản bất minh thì xử lý hình sự, xử lý dân sự, xử lý kỷ luật. Chứ không phải đánh thuế là hợp pháp hóa.

Đối với phương án thứ 2, coi đây là hành vi vi phạm và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên nộp phạt xong thì có phải đóng thuế thu nhập cá nhân nữa hay không? còn khá nhiều vướng mắc.

Do đó, tôi không đồng tình với cả 2 phương án trên.

Câu 6:

Có ý kiến cho rằng hiện nay việc xử lý chưa nghiêm 1 số trường hợp lãnh đạo cấp sở có biểu hiện tham nhũng đã khiến công tác phòng chống tham nhũng rơi vào hình thức. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Luật sư trả lời:

Trong thời gian qua, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử.

Hiện nay việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về Phòng chống tham nhũng nói riêng còn chưa nghiêm.

Ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn.

Ngoài ra, việc xử lý người có hành vi tham nhũng, người bao che cho hành vi tham nhũng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong nhiều trường hợp chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng "nhờn luật".

Câu 7:

Nhìn nhận tại một số các quốc gia có mô hình phòng chống tham nhũng hiệu quả cho thấy cũng không hy vọng thu hồi 100% tài sản tham nhũng, vì vậy trách nhiệm giải trình và chế tài áp dụng khi không giải trình rõ tài sản đã được các nước đặt ra để sớm khoanh vùng nhận diện và tăng khả năng thu hồi tài sản. Ông nghĩ sao về cách làm này?

Luật sư trả lời:

Nếu phương án nêu trên được chấp thuận đưa vào dự thảo thì phải được tiến hành thông qua thủ tục tư pháp một cách công khai và chặt chẽ, đủ thời gian cho người có tài sản giải trình và do toà án có quyền phán quyết chứ không phải bằng con đường hành chính. Và chính các cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm soát tài sản của cán bộ công chức phải có trách nhiệm đưa vụ án ra các phiên toà giải quyết.

Câu 8:

Có môt số trường hợp tài sản tham nhũng do phạm tội mà có đã được đối tượng chuyển sang đứng tên bà con, họ hàng, thậm chí còn chuyển tiền, tài sản trái phép ra nước ngoài, trong quá trình thu hồi lại tại sản thì cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là không thể thu hồi. Luật sư có thể cho biết những khó khăn, vướng mắc trong những trường hợp cụ thể nó như thế nào?

Luật sư trả lời:

Trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, người phạm tội đã chủ đích không đứng tên chủ sở hữu tài sản, không kê khai tài sản, tẩu tán hoặc che giấu tài sản tinh vi nên khó xác minh tài sản, nguồn gốc tài sản để thi hành án.

Đối với những trường hợp mà tài sản do phạm tội mà có nằm ở trong nước, cơ quan pháp luật có thể áp dụng các biện pháp tịch thu, kê biên, bán đấu giá... không mấy khó khăn. Nhưng đối với những tài sản nằm ở nước ngoài, việc giải quyết gặp rào cản là chế định xử lý tài sản do phạm tội mà có ở mỗi quốc gia khác nhau, thậm chí không tương thích.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự gồm tương trợ tư pháp về hình sự; dẫn độ; tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và các hoạt động hợp tác quốc tế khác được quy định tại Bộ luật này, pháp luật về tương trợ tư pháp và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

Căn cứ vào quy định này, nếu muốn xử lý tài sản do người Việt Nam phạm tội mà có và tài sản đó nằm ở quốc gia khác, cơ quan tố tụng Việt Nam trước hết phải căn cứ vào hiệp định tương trợ tư pháp ký kết giữa Việt Nam và quốc gia đó. Nếu Việt Nam chưa gia nhập các điều ước quốc tế có liên quan thì việc hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật của Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.

Câu 9:

Còn đây là câu hỏi của chị Trần Thu Hoài ở Vĩnh Phúc gọi điện đến hỏi chương trình: Theo tôi hiểu thì quyền tài sản là quyền hiến định, do đó nếu được đưa vào dự thảo luật, phương án thu hồi tài sản tham nhũng thì có khó hay không, thưa luật sư? Vâng, mời luật sư trả lời

Luật sư trả lời:

Như tôi đã trình bày ở trên, nếu phương án nêu trên được chấp thuận đưa vào dự thảo thì phải được tiến hành thông qua thủ tục tư pháp một cách công khai và chặt chẽ, đủ thời gian cho người có tài sản giải trình. Thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp dẫu là vấn đề mới và khó với Việt Nam, nhưng rõ ràng đây là sự chờ đợi của người dân.

Câu 10:

Rõ ràng là luật pháp của nước ta về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng còn nhiều bất cập đã khiến cho việc xử lý những vụ án về tham nhũng không đạt hiệu quả, dư luận bất bình. Vậy theo ông, để giải quyết những bất cập này thì cần phải có những thay đổi về luật cụ thể như thế nào?

Luật sư trả lời:

Theo tôi, dù có nhiều hạn chế nhưng không cần phải sửa luật để đảm bảo thu hồi tài sản tham nhũng. Chỉ cần cơ quan có thẩm quyền chủ động, tích cực áp dụng đúng quy định để đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, thu hồi kịp thời tài sản bị tham nhũng cho Nhà nước.

Để chống tham nhũng có hiệu quả, thiết nghĩ, cần có cơ chế để kiểm soát tài sản, thu nhập toàn xã hội thông qua các công cụ quản lý, nhất là thuế để minh bạch tài sản và qua đó Nhà nước kiểm soát được sự biến động, nguồn gốc tài sản, phòng ngừa tẩu tán tài sản, rửa tiền từ hoạt động tội phạm, trong đó có tham nhũng, hỗ trợ cho việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với thanh tra, kiểm toán, viện kiểm sát, tòa án… để sớm tiếp nhận kết quả thanh tra, kiểm tra, có biện pháp phong tỏa tài sản đối tượng phạm tội và thực hiện thu hồi không để tẩu tán. Tăng cường quản lý tài sản, công khai việc kê khai tài sản của công chức viên chức phục vụ công tác phòng chống tham nhũng, đồng thời tạo điều kiện truy thu tài sản của đối tượng tham nhũng nếu có.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan