Thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Nội dung bài viết

Việt Nam là quốc gia có gần 90 triệu dân và đang xây dựng một nền giáo dục hiện đại và đổi mới, đáp ứng cho công cuộc xây dựng và hội nhập kinh tế.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm đó là nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào việc xây dựng cơ sở giáo dục hay không và thủ tục, cơ sở pháp lý ra sao:

SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung tổng hợp về vấn đề này của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, luật sư thành viên của SBLAW:

1.CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Luật giáo dục 2019

- Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục

- Thông tư 04/2020/TT-BGDĐT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục

2. ĐỊNH NGHĨA

Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục thì “Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài là cơ sở giáo dục do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, được phép sử dụng con dấu và tài khoản riêng.”

3. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

3.1. Hình thức đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục

  1. Liên kết giáo dục, đào tạo;
  2. Thành lập văn phòng đại diện;
  3. Thành lập phân hiệu;
  4. Thành lập cơ sở giáo dục;
  5. Các hình thức hợp tác, đầu tư khác

3.2. Loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được phép thành lập

  1. Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn.
  2. Cơ sở giáo dục mầm non.
  3. Cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học).
  4. Cơ sở giáo dục đại học.
  5. Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

3.3. Đặt tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài

  1. Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động dưới hình thức trường hoặc trung tâm và được đặt tên theo quy định sau:

a) Đối với trường, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng;

b) Đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trung tâm giáo dục hoặc đào tạo”, “Ngành hoặc nhóm ngành đào tạo chính” và tên riêng;

c) Đối với phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Phân hiệu”, “Tên cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài” và “tại tỉnh, thành phố”.

Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài có tên giao dịch bằng tiếng Việt và tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh (hoặc bằng một ngôn ngữ nước ngoài thông dụng khác) với nội dung tương đương.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định việc đặt tên một số cơ sở giáo dục mang tính đặc thù.

3.4. Về thời hạn hoạt động:

Thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm, tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không dài hơn thời hạn thuê đất.

3.5. Về quy trình cho phép thành lập:

Đối với từng loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài sẽ có các quy trình khác nhau. Cụ thể như sau:

Việc cho phép thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo trình tự sau đây:

a) Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

b) Cấp quyết định cho phép hoạt động giáo dục và thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp phép.

Việc cho phép cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ được phép hoạt động tại Việt Nam thành lập cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện theo trình tự sau đây:

a) Cấp quyết định cho phép thành lập;

b) Cấp quyết định cho phép hoạt động giáo dục và thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp phép.

Việc cho phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo trình tự sau đây:

a) Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

b) Cấp quyết định cho phép thành lập;

c) Cấp quyết định cho phép hoạt động giáo dục và thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp phép.

Việc cho phép mở phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo trình tự sau đây:

a) Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

b) Cấp quyết định cho phép thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học;

c) Cấp quyết định cho phép hoạt động và thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp phép.

3.6. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài

  1. Được bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
  2. Chịu sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; hoạt động và chịu sự quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  3. Thực hiện công khai cam kết về chất lượng giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và thu, chi tài chính. Chịu trách nhiệm bồi hoàn cho người học các khoản chi phí người học đã nộp trong trường hợp cung cấp chương trình đào tạo không bảo đảm chất lượng giáo dục như cam kết.
  4. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người học, cán bộ, giảng viên, giáo viên và người lao động trong trường hợp chấm dứt hoặc buộc phải chấm dứt hoạt động trước thời hạn.
  5. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.
  6. Trước ngày 30 tháng 11 hàng năm, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về tình hình phát triển toàn diện của cơ sở và giải trình đầy đủ khi được cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu. Báo cáo bao gồm các nội dung chính: Việc thực hiện quyết định cho phép hoạt động, cơ cấu tổ chức, giáo viên, giảng viên, số lượng tuyển sinh, công tác tổ chức giảng dạy và học tập, kết quả học tập của học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, số lượng tốt nghiệp, tỷ lệ tốt nghiệp, văn bằng được cấp, báo cáo tài chính, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai, đề xuất, kiến nghị. Việc báo cáo thực hiện bằng hình thức trực tuyến và văn bản.
  7. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3.7. Vốn đầu tư

  1. Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mầm non phải có suất đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất. Kế hoạch vốn đầu tư phải phù hợp với quy mô dự kiến của từng giai đoạn.
  2. Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông phải có suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất, nhưng không thấp hơn 50 tỷ đồng.
  3. Dự án đầu tư thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn phải có suất đầu tư ít nhất là 20 triệu đồng/học viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất.
  4. Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học phải có tổng số vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ đầu tư dự án thực hiện việc chứng minh khả năng tài chính theo quy định của Luật đầu tư. Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.
  5. Dự án đầu tư xin thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải có vốn đầu tư tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 150 tỷ đồng.
  6. Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% các mức quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

3.8. Cơ sở vật chất, thiết bị

  1. Đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn:

a) Có phòng học phù hợp về ánh sáng, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng giảng dạy;

b) Có diện tích dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 2,5 m2/người học đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn;

c) Có văn phòng của ban giám đốc, lãnh đạo, phòng giáo viên, thư viện và các phòng chức năng khác.

Đối với cơ sở giáo dục mầm non:

a) Trường tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt. Diện tích mặt bằng xây dựng trường được xác định trên cơ sở số nhóm lóp, số trẻ với bình quân ít nhất 08 m2/trẻ đối với khu vực thành phố, thị xã và 12 m2/trẻ đối với khu vực nông thôn;

b) Có phòng học, phòng ngủ của trẻ và các phòng chức năng phù hợp về diện tích, ánh sáng, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng chăm sóc và giáo dục trẻ;

c) Có văn phòng nhà trường, phòng ban giám hiệu, phòng hành chính quản trị, phòng y tế, phòng bảo vệ, phòng dành cho nhân viên phù hợp về diện tích, trang thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ;

d) Có hệ thống nước sạch, hệ thống thoát nước, phòng vệ sinh phù hợp, có thiết bị vệ sinh bảo đảm an toàn, sạch sẽ, đáp ứng mọi sinh hoạt của trường;

đ) Có nhà bếp được tổ chức theo quy trình hoạt động một chiều với các thiết bị, đồ dùng phù hợp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nếu trường tổ chức nấu ăn cho trẻ;

e) Có sân chơi, tường bao quanh khu vực trường, có cổng trường với biển trường ghi rõ tên trường;

g) Trong khu vực trường có cây xanh. Toàn bộ các thiết kế xây dựng và trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi của trường phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ.

Đối với cơ sở giáo dục phổ thông:

a) Trường tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt. Diện tích mặt bằng xây dựng trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh và đặc điểm vùng miền, với mức bình quân ít nhất là 06 m2/học sinh đối với khu vực thành phố, thị xã và 10 m2/học sinh đối với khu vực nông thôn;

b) Có diện tích dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm mức bình quân ít nhất là 2,5 m2/học sinh;

c) Có văn phòng nhà trường, ban giám hiệu, phòng giáo viên, phòng họp phù hợp;

d) Có phòng học bộ môn (đối với trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông), thư viện, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng giảng dạy, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

đ) Có phòng tập thể dục đa năng, phòng giáo dục nghệ thuật, phòng tin học, phòng hỗ trợ giáo dục học sinh tàn tật, khuyết tật học hòa nhập, phòng y tế học đường. Có nhà ăn, phòng nghỉ trưa nếu tổ chức học bán trú;

e) Có hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh phù hợp với quy mô của cơ sở giáo dục, bảo đảm các điều kiện về tiêu chuẩn theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

g) Có sân chơi, bãi tập, khu để xe với diện tích ít nhất bằng 30% tổng diện tích mặt bằng của trường. Có tường bao quanh khu vực trường, có cổng trường với biển trường ghi rõ tên trường.

Đối với cơ sở giáo dục đại học và phân hiệu cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam:

a) Diện tích đất để xây dựng trường đạt bình quân ít nhất 25 m2/sinh viên tại thời điểm có quy mô đào tạo cao nhất trong kế hoạch phát triển nhà trường;

b) Diện tích xây nhà bình quân ít nhất là 09 m2/sinh viên, trong đó diện tích học tập ít nhất là 06 m2/sinh viên, diện tích nhà ở và sinh hoạt của sinh viên ít nhất là 03 m2/sinh viên;

c) Có đủ số giảng đường, phòng học, phòng chức năng phù hợp và đáp ứng yêu cầu đào tạo theo ngành và phương thức tổ chức đào tạo;

d) Có đủ phòng làm việc, khu hành chính và ban giám hiệu bảo đảm đáp ứng được cơ cấu tổ chức phòng, ban, khoa, bộ môn chuyên môn, bảo đảm diện tích ít nhất là 08 m2/người;

đ) Có hội trường, thư viện, cơ sở thí nghiệm, thực tập, thực hành và các cơ sở vật chất khác đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo và hoạt động khoa học - công nghệ;

e) Có nhà ăn, các công trình xây dựng phục vụ hoạt động giải trí, thể thao, văn hóa và các công trình y tế, dịch vụ để phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, giảng viên và sinh viên;

g) Có khu công trình kỹ thuật, nhà để xe ô tô, xe máy, xe đạp.

3.9. Chương trình giáo dục

  1. Chương trình giáo dục thực hiện tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài phải thể hiện mục tiêu giáo dục, không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và phải bảo đảm điều kiện liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.
  2. Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được tổ chức giảng dạy:

a) Chương trình giáo dục của Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông của nước ngoài đối với các cơ sở giáo dục quy định tại Nghị định ;

c) Chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn của nước ngoài; chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của nước ngoài trong khuôn khổ các liên kết đào tạo với nước ngoài.

4. THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ

4.1. Điều kiện về giáo dục để cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

  1. Phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
  2. Đáp ứng các quy định bao gồm:

2.1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân nước ngoài) được phép hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2.2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép hợp tác, đầu tư các ngành đào tạo theo quy định hiện hành trừ các ngành về an ninh, quốc phòng, chính trị và tôn giáo.

4.2. Thẩm quyền, thủ tục thẩm định điều kiện về giáo dục

  1. Đối với dự án thành lập cơ sở giáo dục đại học, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
  2. Đối với dự án thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phải lấy ý kiến thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  3. Đối với dự án đầu tư thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; cơ sở giáo dục mầm non; cơ sở giáo dục phổ thông, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phải lấy ý kiến thẩm định của sở giáo dục và đào tạo.
  4. Hồ sơ, trình tự và thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện theo quy định của Luật đầu tư.

5. THỦ TỤC CHO PHÉP THÀNH LẬP CƠ SỞ GIÁO DỤC

5.1. Thẩm quyền cho phép thành lập

  1. Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.
  2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị.
  3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông, trừ cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông .

5.2. Hồ sơ đề nghị cho phép thành lập

Đối với cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ thành lập, hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị cho phép thành lập cơ sở giáo dục;

b) Đề án thành lập cơ sở giáo dục, trong đó xác định rõ: Tên gọi của cơ sở giáo dục; mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục; phạm vi hoạt động giáo dục; văn bằng, chứng chỉ sẽ cấp; dự kiến cơ cấu bộ máy tổ chức, quản lý, điều hành. Dự kiến cụ thể kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô đào tạo của cơ sở giáo dục trong từng giai đoạn, trong đó làm rõ khả năng đáp ứng các nội dung bảo đảm chất lượng giáo dục;

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của văn bản chấp thuận việc thành lập cơ sở giáo dục tại địa phương và chấp thuận về nguyên tắc cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở giáo dục dự kiến thành lập hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê đất hoặc cơ sở vật chất sẵn có;

d) Văn bản chứng minh năng lực tài chính

Đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài, hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị cho phép thành lập cơ sở giáo dục;

b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

c) Đề án thành lập cơ sở giáo dục

d) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của văn bản chấp thuận cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp xây dựng cơ sở vật chất (trong đó xác định rõ địa chỉ, diện tích, mốc giới của khu đất) hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn và các giấy tờ pháp lý liên quan;

đ) Kế hoạch về cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục hoặc dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bao gồm phần thuyết minh và thiết kế chi tiết cơ sở giáo dục;

e) Văn bản chứng minh năng lực tài chính

5.3. Thủ tục cho phép thành lập

  1. Nhà đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện đến:

a) Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với hồ sơ đề nghị cho phép thành lập: cơ sở giáo dục đại học; cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị cho phép thành lập;

b) Sở giáo dục và đào tạo đối với hồ sơ đề nghị cho phép thành lập: Cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trừ cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.

  1. Trình tự cho phép thành lập được thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi hồ sơ xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan;

b) Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc qua thư điện tử cho nhà đầu tư;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nh kể từ ngày nhận được công văn xin ý kiến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan, đơn vị được hỏi ý kiến phải có văn bản trả lời;

d) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ lập báo cáo thẩm định hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài ;

đ) Trường hợp hồ sơ không được chấp thuận, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của cấp có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do.

5.4. Hồ sơ đề nghị thành lập phân hiệu

  1. Đơn đề nghị cho phép thành lập phân hiệu
  2. Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gắn với việc mở phân hiệu.
  3. Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của giấy tờ kiểm định chất lượng giáo dục hoặc giấy tờ công nhận chất lượng giáo dục của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài.
  4. Đề án đề nghị thành lập phân hiệu, trong đó xác định rõ: Tên gọi của phân hiệu; mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục; dự kiến cơ cấu bộ máy tổ chức, quản lý, điều hành và các hoạt động giáo dục tại phân hiệu; dự kiến cụ thể kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô đào tạo của phân hiệu trong từng giai đoạn, khả năng đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; danh sách giảng viên dự kiến phù hợp quy mô chương trình đào tạo.
  5. Văn bản chứng minh năng lực tài chính.
  6. Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của văn bản chấp thuận cho thuê đất để xây dựng phân hiệu hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có và các giấy tờ pháp lý có liên quan.
  7. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bao gồm phần thuyết minh và thiết kế chi tiết phân hiệu của cơ sở giáo dục trong trường hợp xây dựng cơ sở vật chất.

5.5. Thẩm quyền, thủ tục cho phép thành lập phân hiệu

  1. Thẩm quyền cho phép thành lập phân hiệu

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.

  1. Thủ tục cho phép thành lập phân hiệu

a) Nhà đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận gửi hồ sơ đến các cơ quan, đơn vị có liên quan để xin ý kiến; trường hợp hồ sơ không đầy đủ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc thư điện tử cho nhà đầu tư;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn xin ý kiến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan, đơn vị được hỏi ý kiến phải có văn bản trả lời;

d) Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ lập báo cáo thẩm định trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

đ) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được báo cáo thẩm định, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc cho phép thành lập phân hiệu;

e) Trường hợp hồ sơ không được chấp thuận, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của cấp có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do.

6. ĐIỀU KIỆN, HỒ SƠ, THẨM QUYỀN, THỦ TỤC CHO PHÉP HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC

6.1. Điều kiện cho phép hoạt động giáo dục

  1. Có quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn.
  2. Có vốn đầu tư, cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình giáo dục, đội ngũ nhà giáo đáp ứng quy định của pháp luật.
  3. Có quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.

6.2. Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục

  1. Đơn đăng ký hoạt động giáo dục
  2. Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của quyết định cho phép thành lập đối với cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài.
  3. Quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục.
  4. Báo cáo tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tình hình góp vốn, vay vốn, tổng số vốn đầu tư đã thực hiện.
  5. Báo cáo giải trình về việc cơ sở giáo dục hoặc phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học, đồng thời gửi kèm:

a) Danh sách hiệu trưởng (giám đốc), phó hiệu trưởng (phó giám đốc), trưởng các khoa, phòng, ban và kế toán trưởng. Đối với hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động giáo dục của phân hiệu cơ sở giáo dục đại học, cần bổ sung danh sách cán bộ phụ trách phân hiệu và cơ cấu, bộ máy tổ chức của phân hiệu;

b) Danh sách và lý lịch cá nhân của cán bộ, giáo viên, giảng viên (cơ hữu, thỉnh giảng);

c) Mô tả cấp học, trình độ đào tạo, ngành đào tạo;

d) Chương trình, kế hoạch giảng dạy, tài liệu học tập, danh mục sách giáo khoa và tài liệu tham khảo chính;

đ) Đối tượng tuyển sinh, quy chế và thời gian tuyển sinh;

e) Quy chế đào tạo;

g) Quy mô đào tạo (học sinh, sinh viên, học viên);

h) Các quy định về học phí và các loại phí liên quan;

i) Quy định về kiểm tra, đánh giá, công nhận hoàn thành chương trình môn học, mô đun, trình độ đào tạo;

k) Mẫu văn bằng, chứng chỉ sẽ được sử dụng.

6.3. Thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục

  1. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục đại học và phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.
  2. Giám đốc sở giáo dục và đào tạo cho phép hoạt động giáo dục đối với:

a) Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn;

b) Cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học;

c) Cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ thành lập.

6.4. Thủ tục cho phép hoạt động giáo dục

  1. Nhà đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động trực tiếp hoặc qua bưu điện đến:

a) Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục đại học và phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài;

b) Sở giáo dục và đào tạo đối với hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông; cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế liên chính phủ thành lập.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định các điều kiện theo quy định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phép hoạt động.

Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc thư điện tử cho nhà đầu tư.

Trường hợp cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện để hoạt động, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của cấp có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lời bằng văn bản cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan