Thận trọng kẻo rước họa vào thân

Nội dung bài viết

Trong bài viết “ Thận trọng kẻo rước họa vào thân” của tác giả Huệ Linh-Ngọc Bảo được đăng tải trên báo An Ninh Thủ Đô có ý kiến đóng góp của Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, luật sư thành viên Công ty luật S&B (S&B Law). Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này:

ANTĐ - Dù có những người phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để tham gia một khóa học thôi miên nhưng trên thực tế tác dụng của liệu pháp này đến đâu vẫn chưa có cơ quan chuyên môn nào đứng ra khẳng định.

Thôi miên chữa bách bệnh (?!)

Theo lời quảng cáo trên trang web của Trung tâm nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể – Tâm – Trí, thôi miên không phải là một phép và cũng chẳng bao giờ là một thuật. Thôi miên là những kỹ thuật để đưa chúng ta vào trạng thái mà ý thức hệ tạm thời không can thiệp nếu những ám thị từ phía bên ngoài (từ phía các nhà trị liệu) không gây thiệt hại hoặc tổn thương tới cơ thể, tinh thần và luân thường đạo lý… Trong trạng thái này người ta sẽ tiếp xúc được với vô thức của con người, thông qua đó chúng ta có thể thay đổi hoặc tự thay đổi được phần lớn những tư duy tiêu cực bằng những tư duy tích cực trong tiềm thức…

Theo Thạc sỹ Nguyễn Mạnh Quân – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể – Tâm – Trí, “thôi miên y khoa là khoa học, được đưa về Việt Nam để đào tạo, chữa bệnh không dùng thuốc cho người Việt Nam. Chẳng hạn với trường hợp người bệnh mất ngủ, không dễ tìm được giấc ngủ sâu thì chỉ cần điều trị với các ám thị thôi miên ngắn là người bệnh có thể thiết lập lại giấc ngủ ổn định, chất lượng. Đặc biệt, liệu pháp thôi miên giúp bệnh nhân ổn định thần kinh bằng ngôn ngữ. Trạng thái thôi miên hoàn toàn không có hại (nếu ta biết cách sử dụng thực thụ), mà ngược lại, thôi miên liệu pháp còn là một phương pháp đặc biệt để trị liệu các bệnh về đau và đau mãn tính cũng như các bệnh về tâm thể, cơ thể và tinh thần mà không cần dùng thuốc. Ai cũng có thể học thôi miên nếu có nhu cầu. Học kỹ thuật thôi miên thì không cần nhiều thời gian. Nhưng học trị liệu để chữa bệnh phải tìm những chuyên gia trị liệu giỏi để được học tốt và an toàn. Tôi không đồng tình với việc tự tập thôi miên vì kiến thức sẽ không toàn diện, không đạt được hiệu quả như mong muốn. Nếu để tự rơi vào trạng thái thôi miên mà không biết cách sẽ rất nguy hiểm…”.

Được biết ngày 21-6-2011, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có Quyết định số 422 thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể – Tâm – Trí trực thuộc liên hiệp này. Trung tâm có nhiệm vụ chủ yếu: Thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực sức khỏe về thể chất, tâm lý, trí tuệ; Thực hiện dịch vụ khoa học và công nghệ, tư vấn, thẩm định, phản biện, đào tạo, phổ biến kiến thức, hội nghị hội thảo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe… Tiếp sau đó, ngày 30-6-2011, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài số A-976 cho Trung tâm nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể – Tâm – Trí. Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo Luật Khám và Chữa bệnh thì chỉ có các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, phòng khám bác sỹ gia đình, phòng chẩn trị y học cổ truyền và bệnh xá, nhà hộ sinh; Cơ sở chẩn đoán bao gồm phòng chẩn đoán hình ảnh và phòng xét nghiệm… có giấy phép hoạt động mới được tiến hành khám chữa bệnh. Các cơ sở này phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện do pháp luật quy định. Nếu Trung tâm nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể – Tâm – Trí thực hiện khám chữa bệnh là trái quy định.

Có tiếp tay cho hành vi phạm tội?

Khi được hỏi trong thời gian gần đây có xảy ra một số vụ án hình sự trong đó người bị hại cho rằng mình đã bị thôi miên, vậy việc đào tạo thôi miên có phải là sự tiếp tay cho các hành vi trái pháp luật ? Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Trợ lý Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể – Tâm – Trí khẳng định: Hiện trung tâm mới chỉ thực hiện chức năng đào tạo. Trong trạng thái thôi miên người ta cũng luôn luôn tỉnh, ý thức hệ lập tức sẽ can thiệp và người ta sẽ tự ra khỏi trạng thái thôi miên nếu những ám thị của nhà trị liệu có thể gây ảnh hưởng bất lợi tới họ. Trong trạng thái này, thân chủ chỉ thực hiện những ám thị mà người đó muốn, chứ không phải là điều mà các trị liệu gia muốn. Ngay kể cả những câu chuyện riêng tư mà thân chủ coi đó là vấn đề riêng, không muốn tâm sự với ai, thì họ cũng không bao giờ nói.

Cũng chính vì điều này mà chúng ta không bao giờ có thể thôi miên một người nếu người đó không thực sự muốn và đồng ý, nghĩa là tất cả những ám thị nếu không phù hợp với nguyện vọng của họ sẽ không bao giờ thành công. Do vậy chuyện lừa đảo trong thôi miên là điều không thể thực hiện được. Ngay cả khi người ta ở trạng thái thôi miên sâu, họ cũng hoàn toàn không mê sảng, vì thế họ chỉ thực hiện những ám thị mà trong lúc tỉnh táo bình thường bằng ý thức hệ họ cũng đồng ý thực hiện.

Còn về lý do khiến mức học phí của một khóa đào tạo thôi miên cao ngất ngưởng, ông Nguyễn Mạnh Quân giải thích: Việc xác định mức học phí được căn cứ vào chính những lợi ích mà thôi miên trị liệu mang lại. Học viên có khả năng thôi miên để tự chữa bệnh và tự lập trình ngôn ngữ, làm cho chính họ khỏe mạnh và thành đạt. Trong khóa học, người tham gia còn được học thêm phương pháp trị liệu EFT – phương pháp điểm huyệt tâm lý để kết hợp với thôi miên y khoa chữa bệnh cho mọi người. Thôi miên và EFT liệu pháp không chỉ dùng để chữa bệnh, mà lại còn làm cho tinh thần con người tốt lên…”.

Thôi miên có chữa được bệnh hay không và tác dụng của nó đến đâu cần được cơ quan chức năng kiểm tra và có kết luận rõ ràng. Trong khi chờ kết quả chính thức về vấn đề này, bác sỹ Trần Thu Hà, bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra khuyến cáo với người dân: Bất kỳ phương pháp điều trị nào cũng có những biến cố nhất định. Mặc dù tất cả các phương pháp điều trị đều nhằm chữa bệnh, nhưng không phải bệnh nào cũng chữa được bằng thôi miên, không phải ai cũng dễ dàng bị thôi miên. Thôi miên y khoa là khoa học nhưng không phải “thần pháp” chữa bách bệnh. Do đó, người bệnh không nên lạm dụng phương pháp chữa bệnh thôi miên mà cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sỹ, tránh rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang…”.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan