Bước phát triển mới về tư duy quản lý

Ra đời hơn 10 năm, song Luật Cạnh tranh 2004 chưa phát huy hiệu quả trong việc giám sát, quản lý các hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như tạo nên một môi trường cạnh tranh, “sân chơi” lành mạnh cho doanh nghiệp.

Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT), từ khi Luật Cạnh tranh ra đời đến nay, Cục QLCT đã tổ chức điều tra 8 vụ việc hạn chế cạnh tranh, trong đó, chuyển 5 hồ sơ vụ việc sang Hội đồng cạnh tranh để xử lý. Cục QLCT cũng đã tiếp nhận hơn 300 khiếu nại, tiến hành điều tra tổng số 158 vụ và ra quyết định xử phạt trong 150 vụ đã điều tra.

Tuy nhiên, theo luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, số lượng vụ việc vi phạm cạnh tranh lành mạnh được giải quyết còn khá ít. Người dân hầu như không khiếu nại, ngoài những việc ảnh hưởng quyền người tiêu dùng, còn doanh nghiệp thì thường tự thỏa thuận, “đi đêm” với nhau. Cơ quan thực thi vẫn còn hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất. Đối với cộng đồng xã hội và các cơ quan liên quan vẫn còn tâm lý ngại khiếu nại va chạm, thiếu tinh thần hợp tác, cung cấp thông tin, chứng cứ.

Sửa đổi cơ bản, toàn diện

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh năm 2004 nhằm đáp ứng các yêu cầu trong xu thế hội nhập kinh tế và phù hợp với các cam kết quốc tế; đảm bảo sự thích ứng với môi trường kinh doanh. Đặc biệt, nhằm khắc phục hạn chế trong việc thiếu cơ sở để kiểm soát các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng gây tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; thay đổi cách tiếp cận để kiểm soát hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh; lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền; tập trung kinh tế và hành vi cạnh tranh không lành mạnh để phản ánh đúng bản chất và tác động của hành vi, phù hợp với thông lệ quốc tế; khắc phục hạn chế về mô hình và địa vị pháp lý của cơ quan cạnh tranh để đảm bảo tính độc lập, tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động thực thi pháp luật cạnh tranh.

Việc sửa đổi Luật Cạnh tranh năm 2004 được xác định là sửa đổi một cách cơ bản và toàn diện. Dự thảo Luật gồm có 121 điều, được bố cục thành 09 chương. So với Luật Cạnh tranh năm 2004, dự thảo Luật giữ nguyên 06 điều, sửa đổi 66 điều, bổ sung 49 điều và bãi bỏ 49 điều.

“Số lượng sửa đổi như vậy là rất lớn, có nhiều nội dung thể hiện tư duy quản lý mới, có tầm nhìn khách quan đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế thị trường” – Luật sư Trương Anh Tú (Hà Nội) cho biết.

Dự thảo Luật đã thay đổi cách thức tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế theo hướng trao quyền cho cơ quan cạnh tranh trong việc đánh giá tác động cạnh tranh của việc tập trung kinh tế và tăng cường sự chủ động của doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan cạnh tranh và mở rộng các yếu tố đánh giá một vụ việc tập trung kinh tế.

Dự thảo Luật mới sẽ điều chỉnh quy định kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh như: Đối với một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định tại Luật khác, dự thảo Luật đã quy định theo hướng dẫn chiếu đến quy định của pháp luật khác, đồng thời bổ sung nguyên tắc xử lý để tránh chồng chéo, xung đột trong thực thi. Bãi bỏ quy định về hành vi “bán hàng đa cấp bất chính” và hành vi “phân biệt đối xử của hiệp hội”, do các hành vi này không phản ánh đúng bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Dự thảo Luật đã bổ sung thêm hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính” có xu hướng xảy ra ngày càng phổ biến và có bản chất phù hợp với khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại dự thảo Luật...

Tiếp cận thông lệ quốc tế, đề xuất cơ quan quản lý mới

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc sửa đổi lần này sẽ khắc phục hạn chế trong việc thiếu cơ sở để kiểm soát các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tới môi trường cạnh tranh tại Việt Nam. Hiện nhiều quốc gia đã mở rộng phạm vi áp dụng của Luật Cạnh tranh trên nguyên tắc tác động ảnh hưởng của hành vi để kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh xuyên biên giới và bảo vệ thị trường trong nước.

Ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục QLCT hi vọng khi được Quốc hội thông qua, giữa năm 2018, Việt Nam sẽ xây dựng được Luật Cạnh tranh tương đối hoàn chỉnh theo hướng tiệm cận với luật pháp quốc tế.

Một vấn đề quan trọng nữa từng gây tranh cãi là việc hoàn thiện mô hình cơ quan cạnh tranh. Dư luận từng lo ngại cơ quan cạnh tranh quốc gia đồng thời là cơ quan tiến hành tố tụng thì có chống được lợi ích nhóm, tình trạng “sân sau”, bắt tay ngầm hay không?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh từng giải thích trước Uỷ ban Thường vụ của Quốc hội, đã nghiên cứu, đánh giá thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm các nước. Cho dù cơ quan này thuộc nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp hay trực thuộc các bộ chuyên môn của Chính phủ thì cũng cần có vị trí pháp lý, khung cơ chế chính sách đi kèm để bảo đảm tính khách quan, minh bạch. Đa số các nước đều quy định cơ quan cạnh tranh trực thuộc Chính phủ hoặc các cơ quan của Chính phủ, một số ít hơn thuộc Quốc hội hoặc các cơ quan khác. Dự thảo lần này quy định, Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trên cơ sở hợp nhất 02 cơ quan hiện hành, gồm cơ quan quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương) và Hội đồng cạnh tranh. Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương. Đồng thời, dự thảo Luật đề xuất giao Chính phủ quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà- Chủ tịch Công ty Luật SB LAW thì dự thảo luật đã hướng tới lành mạnh hóa thị trường so với Luật Cạnh tranh 2004, góp phần giảm thiểu các hình thức và hành vi hạn chế cạnh tranh trong cả khu vực tư nhân và khu vực công. Dự thảo luật tạo cơ hội thúc đẩy sáng tạo, đổi mới và tăng trưởng, đồng thời tạo sự ổn định và công bằng cho môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư.