Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Đặc biệt, CPTPP đặt ra cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và quốc gia thành viên hiệp định (ISDS), trong đó cho phép các nhà đầu tư có quyền khởi kiện quốc gia tiếp nhận đầu tư.

Quyền khởi kiện của nhà đầu tư theo Hiệp định CPTPP

Không giống như những hiệp định trước đây, CPTPP quy định rất chi tiết nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến quyền khởi kiện này như chủ thể, căn cứ khởi kiện, quy trình tố tụng…

Bên cạnh đó, CPTPP cũng đặt ra cơ chế đảm bảo thi hành án đối với bên thua kiện. Trong khuôn khổ bài viết này sẽ đánh giá sơ bộ những quy định về quyền khởi kiện của nhà đầu tư theo hiệp định CPTPP và chúng tôi mong muốn đưa ra một số lưu ý cho doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý của Nhà nước.

Về chủ thể tham gia vụ kiện:

Căn cứ Điều 9.1 Hiệp định, nguyên đơn của vụ án đầu tư trong khuôn khổ CPTPP có thể là nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp có tranh chấp trong hoạt động đầu tư với một Bên tham gia khác. Bị đơn là Bên liên quan đến tranh chấp trong đầu tư.

Như vậy, trong một vụ án đầu tư trong khuôn khổ CPTPP, khi có căn cứ để tiến hành khởi kiện, nhà đầu tư có thể khởi kiện bất kỳ chủ thể nào có liên quan đến tranh chấp trong đầu tư, có hành vi vi phạm Hiệp định gây thiệt hại cho phía nhà đầu tư.

Nói cách khác, cơ quan nhà nước Việt Nam cấp trung ương, địa phương và bất kỳ chủ thể nào, chẳng hạn như doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện chức năng của Chính phủ theo ủy quyền hoàn toàn có khả năng trở thành bị đơn trong vụ án đầu tư trong khuôn khổ CPTPP.

hjh

Với CPTPP câu chuyện doanh nghiệp kiện Chính phủ hay Chính phủ kiện Chính phủ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Về căn cứ khởi kiện:

Theo quy định tại Điều 9.19 Hiệp định, trường hợp xảy ra tranh chấp giữa nhà đầu tư và quốc gia thành viên mà tranh chấp này không được giải quyết theo phương thức bàn bạc và thỏa thuận trong vòng sáu tháng kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu bàn bạc và thương lượng từ phía nhà đầu tư, nhà đầu tư có quyền nộp hồ sơ khởi kiện lên cơ quan tài phán khi có đủ những căn cứ sau: (i) bên bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Hiệp định và (ii) phía nhà đầu tư đã gánh chịu thiệt hại hoặc tổn thất do vi phạm đó gây ra.

Như vậy, cũng như các nguyên tắc, lý luận về tố tụng trong kinh doanh, thương mại, đầu tư thông thường, căn cứ để khởi kiện một vụ án là hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế.

Điểm đặc biệt cần lưu ý là ISDS theo quy định của Hiệp định CPTPP cho phép nhà đầu tư được khởi kiện từ giai đoạn đăng ký đầu tư. Nghĩa là, ngay từ giai đoạn đăng ký, nhà đầu tư “bị làm khó làm dễ” về các thủ tục hành chính là đã có thể khởi kiện.

Về cơ chế giải quyết tranh chấp theo CPTPP:

Theo quy định của CPTPP, tranh chấp về đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định sẽ được giải quyết tại Trọng tài quốc tế độc lập. Việc xác định trọng tài giải quyết tranh chấp sẽ được thực hiện theo nguyên tắc sau:

(a) Căn cứ theo Công ước ICSID và các Nguyên tắc Tố tụng Trọng tài của ICSID với điều kiện bên bị đơn lẫn Bên tham gia Hiệp định của bên nguyên đơn là các thành viên của Công ước ICSID;

(b) Căn cứ theo các Nguyên tắc về Năng lực Bổ sung của ICSID với điều kiện là bên bị đơn hoặc Bên tham gia Hiệp định của bên nguyên đơn là thành viên của Công ước ICSID;

(c) Căn cứ theo các nguyên tắc của UNCITRAL.

(d) Nếu bên nguyên đơn và bên bị đơn đã thống nhất với nhau về cơ quan tài phán khác và các nguyên tắc trọng tài khác.

Doanh nghiệp cần lưu ý điều gì?

Về phía doanh nghiệp:

Doanh nghiệp tiếp nhận vốn đầu tư từ các nhà đầu tư của các quốc gia thành viên CPTPP cần nắm vững được những quy định của CPTPP nói riêng cũng như các Hiệp định thương mại quốc tế nói chung.

Việc nắm vững các quy định này không chỉ đảm bảo cho tính an toàn, hợp pháp trong hoạt động của doanh nghiệp mà còn đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng cần đảm bảo tính minh bạch, chuẩn hóa trong các hoạt động của mình. Việc minh bạch, chuẩn hóa trong hoạt động tạo điều kiện cho doanh nghiệp chứng minh thiệt hại khi xảy ra tranh chấp thuận lợi hơn.

Về phía Nhà nước:

Việc CPTPP có những quy định chi tiết, cụ thể về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư có thể đặt cơ quan quản lý của nhà nước vào rủi ro có thể bị khởi kiện bất cứ lúc nào.

Đặc biệt, với việc cơ chế quản lý trong lĩnh vực đầu tư hiện nay được thực hiện theo cơ chế phân cấp quản lý, tạo ra quyền lực rất lớn cho các địa phương.

Theo đó, với CPTPP, khi các cơ quan quản lý, cơ quan quyền lực ở địa phương có hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư thì cơ quan này hoàn toàn có khả năng phải đối mặt với nguy cơ bị các nhà đầu tư khởi kiện.

Do đó, để hạn chế rủi ro này, cần có sự thay đổi trong tư duy quản lý ở trung ương và địa phương theo hướng minh bạch, chuẩn hóa, phải cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện đúng các cam kết một cách nhất quán, từ quy định đến thực thi, từ bộ xuống tỉnh, … để tránh bị nhà đầu tư khởi kiện.

Nhìn chung, việc CPTPP được thông qua và có giá trị áp dụng tại Việt Nam là một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam.

CPTPP cũng đặt ra những quy định chi tiết, cụ thể trong vấn đề bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư thuộc các quốc gia thành viên của hiệp định.

Tuy nhiên, để việc áp dụng CPTPP đem lại những hiệu quả thực tế, phía cơ quan nhà nước cũng như các doanh nghiệp cần nắm vững các quy định trong hiệp định cũng như đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong hoạt động của mình.

Nguồn:http://enternews.vn/quyen-khoi-kien-va-nhung-luu-y-cua-doanh-nghiep-trong-cptpp-144467.html?fbclid=IwAR3nYZt-66xJiZayM9qgMwZRmrmnQkY375XZwiscQNG2h3LQIWafkHwansw