Quy định về sáng chế trong nông nghiệp

Nội dung bài viết

Từ thực tiễn sản xuất, nhiều nông dân đã sáng tạo, tự chế thành công nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất như: robot gieo hạt, máy tách củ, quả, máy bóc bẹ, tẽ hạt ngô, …Tuy nhiên vì nhiều lý do, trong đó có sự hiểu biết về quy định của pháp luật đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn hạn chế mà họ đã tự đánh mất đi cái quyền của sở hữu của mình đối với những sáng chế đó – một tài sản từ sản phẩm của chất xám mà đáng ra họ được hưởng. Vậy làm cách nào để sự sáng tạo ấy trở thành tài sản của mình, được pháp luật bảo hộ…phóng viên Trang trại Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW, chuyên gia lĩnh vực sở hữu trí tuệ xung quanh vấn đề này.

Sáng chế là gì?

Luật sư Hà chia sẻ:

Nông dân của chúng ta không những cần cù, chịu khó mà còn rất thông minh. Nhiều người đã tự mầy mò chế tạo ra máy móc để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt có tính năng ứng dụng mang lại hiệu quả cao. Và họ mong muốn sáng tạo đó là sản phẩm độc quyền của mình – đó là nguyện vọng chính đáng, được pháp luật bảo vệ. Nhưng để làm được việc đó phải hiểu được quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, mà trước tiên phải nắm được: Sáng chế là gì? Và sáng chế đó phải đáp ứng điều kiện gì thì mới được pháp luật bảo hộ.

Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định như sau:

“12. Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”.

Từ quy định trên, sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp có thể được hiểu là các giải pháp kỹ thuật có thể áp dụng nhằm hỗ trợ cho con người trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp.

Nhận thấy sự cần thiết của những sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp, ngày 14.11.2013, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Theo đó các loại máy được hỗ trợ vay vốn ưu đãi được mở rộng, chứ không chỉ dừng lại ở những sản phẩm đạt tỷ lệ nội địa trên 60%.

Vậy một sáng chế được được pháp luật bảo hộ cần phải có điều kiện gì, thưa luật sư?

Theo quy định tại Điều 58 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về điều kiện đăng ký sáng chế như sau:

Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng ba điều kiện sau đây:

- Có tính mới;

- Có trình độ sáng tạo;

- Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Tuy nhiên có được ba điều trên mới là điều kiện cần, để được pháp luật bảo hộ, chủ sở hữu sáng chế phải làm thủ tục đăng ký sáng chế theo quy định của pháp luật thì mới được pháp luật bảo hộ (gồm các bước: Chuẩn bị tài liệu hồ sơ cần thiết cho việc đăng ký sáng chế; tra cứu khả năng đăng ký của sáng chế; nộp đơn đăng ký sáng chế và theo dõi đơn đăng ký sáng chế cho đến khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký sáng chế ). Đây là vấn đề khá phức tạp, mang tính kỹ thuật, và phải thực hiện qua nhiều quy trình nên cần phải có kiến thức pháp lý nhất định và thời gian… do vậy tốt nhất chủ sở hữu sáng chế nên ủy quyền cho luật sư hay chuyên gia trong lĩnh vực này thực hiện.

Sau khi đã thực hiện các thủ tục mà luật sư nêu trên, khi nào thì chủ sở hữu sáng chế được độc quyền sở hữu sáng chế của mình?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 93 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về hiệu lực của văn bằng bảo hộ thì Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp. Hay nói cách khác chủ sở hữu sáng chế được độc quyền với sáng chế của mình kể từ khi được cấp Bằng độc quyền sáng chế.

Các bạn lưu ý:

  • Theo quy định hiện hành thì Cơ quan duy nhất tại Việt Nam tiếp nhận hồ sơ đăng ý sáng chế, xem xét hồ sơ và cấp văn bằng bảo hộ sáng chế là Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam.
  • Bằng độc quyền sáng chế chỉ có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn

Khi được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ sáng chế thì chủ sở hữu sáng chế có quyền gì?

Chủ sở hữu sáng chế có các quyền sau:

  • Thứ nhất, quyền sử dụng sáng chế:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 123 và Khoản 1 Điều 124 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi và bổ sung 2009) thì chủ sở hữu sáng chế có quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng sáng chế bao gồm các hành vi sau đây:

+ Sản xuất sản phẩm được bảo hộ;

+ Áp dụng quy trình được bảo hộ;

+ Khai thác công dụng của sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ;

+ Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm;

+ Nhập khẩu sản phẩm.

  • Thứ hai, quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế:

Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 125 Luật sở hữu trí tuệ thì chủ sở hữu sáng chế có quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế nếu việc sử dụng đó không thuộc các trường hợp sau:

- Sử dụng sáng chế nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại hoặc nhằm mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm;

- Sử dụng sáng chê chỉ nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời nằm trong lãnh thổ Việt Nam;

- Sử dụng sáng chế do người có quyền sử dụng trước thực hiện theo quy định tại Điều 134 của Luật sở hữu trí tuệ;

- Sử dụng sáng chế do người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện theo quy định tại Điều 145 và Điều 146 của Luật sở hữu trí tuệ;

* Thứ ba, Quyền định đoạt sáng chế:

Chủ sở hữu sáng chế có quyền chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng sáng chế (Quyền định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Chương X của Luật sở hữu trí tuệ)

Như vậy, sáng chế là một giải pháp kỹ thuật (có thể dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình hoặc kết hợp cả hai), do con người tạo ra để phục vụ cho đời sống. Để tạo ra được 01 sáng chế, tác giả sẽ phải, có sự đầu tư thời gian, chi phí để nghiên cứu. Do đó, để đảm bảo mình được độc quyền sở hữu sáng chế, tác giả nên tiến hành thủ tục đăng ký sáng chế sau khi sáng tạo ra. Và có như vậy chủ sở hữu sáng chế mới có được những quyền nêu trên, được pháp luật bảo hộ sản phẩm tạo ra từ sáng tạo của mình.

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên(thực hiện)

 

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan