Phát triển thị trường đấu giá cổ vật tại Việt Nam

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW trả lời phỏng vấn trong Chương trình Câu chuyện hội nhập trên Truyền hình nhân dân với chủ đề: "Phát triển thị trường đấu giá cổ vật tại Việt Nam". Dưới đây là nội dung chi tiết của bài phỏng vấn:

Câu hỏi 1: Về cuộc đấu giá cổ vật lần đầu tiên được tổ chức công khai trên sàn đầu giá sắp diễn ra tại Hà Nội như chúng tôi vừa ghi nhận trong phóng sự vừa rồi, ông có bình luận gì?

Luật sư trả lời:

Những người sưu tầm cổ vật muốn mua một món cổ vật theo ý thích của mình cũng không phải dễ. Do đó, cổ vật đang cần có một thị trường mua bán hợp pháp để người bán và những nhà sưu tập thuận tiện giao dịch.

Cổ vật là loại tài sản khi đưa ra đấu giá phải tuân theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, Luật Di sản, các quy định của luật chuyên ngành, phải có hồ sơ pháp lý, được đăng ký đầy đủ. Vì vậy, mua cổ vật qua đấu giá sẽ đảm bảo cả về tính pháp lý lẫn kinh tế, giá trị tài sản được khẳng định bằng xác nhận trúng đấu giá.

Việc đưa cổ vật và các hiện vật có giá trị lên sàn đấu giá công khai sẽ góp phần khẳng định giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam, hơn nữa sẽ tạo nên môi trường định giá, giao dịch lành mạnh; quảng bá tài năng nghệ nhân, thợ chế tác các làng nghề truyền thống. Đây sẽ là một tin vui cho những nhà sưu tầm cổ vật.

Câu hỏi 2: So với các cuộc đấu giá cổ vật trước đây thì phiên đấu giá sắp diễn ra này có gì khác biệt?

Luật sư trả lời:

So với các cuộc đấu giá cổ vật trước đây, phiên đấu giá sắp diễn ra tại Hà Nội là phiên đấu giá chuyên đề cổ vật đầu tiên được UBND TP Hà Nội cho phép theo văn bản số 3110/UBND-KGVX ngày 27/6/2017.

Các cổ vật đưa ra bán đấu giá đều được các chuyên gia đầu ngành thẩm định với đầy đủ hồ sơ pháp lý, hồ sơ khoa học do các cơ quan có thẩm quyền cấp, để đảm bảo chất lượng và tính hợp pháp của tài sản. Với việc đấu giá công khai theo luật định, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cuộc đấu giá sẽ minh bạch và công khai mang lại lợi ích cho các bên tham gia cũng như đóng góp đầy đủ cho ngân sách nhà nước.

Luật Đấu giá tài sản năm 2016 có hiệu lực đã tạo một hành lang pháp lý cho hoạt động đấu giá nói chung và đấu giá cổ vật nói riêng. Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật về thủ tục đấu giá, cuộc đấu giá còn phải tuân thủ các pháp luật chuyên ngành, cụ thể ở đây là Luật Di sản văn hóa.

Hay nói cách khác, việc kinh doanh, giao dịch đá quý đã diễn ra tại Việt Nam nhiều năm nay, tuy nhiên đây là lần đầu tiên có sàn đấu giá trực tiếp, dưới sự giám sát của cơ quan luật pháp.

Câu hỏi 3: Việc đưa cổ vật lên sàn đấu giá có ý nghĩa như thế nào trong việc đưa thị trường đấu giá Việt Nam hội nhập với thị trường quốc tế?

Luật sư trả lời:

Nhiều cổ vật quý hiếm của Việt Nam đã “trôi dạt” sang thị trường châu Âu, nằm trong các bộ sưu tập tư nhân ở châu Âu, châu Mỹ. Riêng các nhà sưu tập cổ vật của Việt Nam thì đang mệt mỏi với tình trạng cổ vật bị làm giả và chưa có một thị trường hợp pháp.

Giá cổ vật trong nước cao đã thu hút sự quay trở lại của cổ vật Việt Nam từ các thị trường khác trên thế giới. Nhưng do chưa có một thị trường cổ vật đúng nghĩa, dẫn đến những cổ vật độc bản, quý hiếm thì được bán với giá rẻ, không đúng với giá trị vốn có, còn những cổ vật ít giá trị lại được “nống giá” cao.

Việc đưa cổ vật lên sàn đấu giá có ý nghĩa rất lớn trong việc đưa thị trường đấu giá Việt Nam hội nhập với thị trường quốc tế. Tạo nên môi trường định giá, giao dịch lành mạnh, những tài sản được đưa ra bán đấu giá đều được các chuyên gia đầu ngành thẩm định với đầy đủ hồ sơ pháp lý, hồ sơ khoa học do các cơ quan có thẩm quyền cấp để đảm bảo chất lượng và tính hợp pháp của tài sản. Việc mua bán tài sản qua hình thức bán đấu giá giúp người mua xác định giá hợp lý của tài sản sát với giá thị trường. Các hoạt động bán đấu giá đảm bảo được việc công khai, minh bạch và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

Đồng thời, việc đưa cổ vật lên sàn đấu giá cũng giúp quảng bá tài năng nghệ nhân, thợ chế tác các làng nghề truyền thống của Việt Nam đến các nước trên thế giới, góp phần khẳng định giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

Câu hỏi 4: Theo quan điểm của ông, có khó khăn gì khi đưa cổ vật lên sàn đấu giá?

Luật sư trả lời:

Khoản 2 Điều 43 Luật Di sản văn hóa năm 2001 (có sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định “việc mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được thực hiện theo giá thỏa thuận hoặc tổ chức đấu giá. Nhà nước được ưu tiên mua di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”. Đấu giá cổ vật là một lĩnh vực đấu giá chuyên ngành đòi hỏi năng lực về đấu giá rất cao của người bán tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức đấu giá, đấu giá viên và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa hình thành một quy chế pháp lý đặc thù để phù hợp với yêu cầu cao về năng lực đấu giá như vậy, cũng như trong bảo đảm đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thực sự là một sân chơi công khai, lành mạnh, một kênh truyền bá văn hóa và di sản của Việt Nam. Có nhiều vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật, ví dụ: điều kiện bảo đảm vật đem gia đấu giá là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia? quyền ưu tiên mua di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của nhà nước có được áp dụng trong đấu giá không? nếu có nó phá vỡ các nguyên tắc của đấu giá không và được thể hiện trên phương diện nào? quyền của cá nhân, tổ chức là người nước ngoài trong tham gia đấu giá cổ vật như thế nào?

Ở nước ngoài, đấu giá chủ yếu nhằm tới tài sản văn hoá nghệ thuật: tranh, cổ vật... Người Việt Nam chưa trả giá cao cho những sản phẩm này. Người nước ngoài sẵn sàng trả giá cao để mua những cổ vật nhưng sẽ khó đem những tài sản này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, do những quy định ràng buộc của Việt Nam về xuất nhập cảnh.

Câu hỏi 5: Để đưa cổ vật ra đấu giá thì phải đáp ứng những điều kiện gì thưa ông?

Luật sư trả lời:

Theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 01/2012) thì:

“Điều 27. Tổ chức bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

  1. Tổ chức, cá nhân bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải làm thủ tục đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương về danh mục bán đấu giá và phải được phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
  2. Việc tổ chức bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự”.

Như vậy, theo quy định trên thì khi tổ chức, cá nhân muốn bán đấu giá cổ vật thì phải làm thủ tục đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương về danh mục bán đấu giá và phải được phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Câu hỏi 6: Trong Luật đấu giá tài sản 2016, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, đấu giá cổ vật được quy định như thế nào?

Luật sư trả lời:

Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.

Luật đấu giá tài sản năm 2016 không quy định cụ thể về đấu giá cổ vật. Tuy nhiên, do cổ vật cũng là tài sản nên được áp dụng tương tự các tài sản khác.

Cụ thể:

  • Về nguyên tắc đấu giá tài sản và các hành vi bị nghiêm cấm: Luật quy định nguyên tắc đấu giá tài sản phải bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cơ quan, tổ chức có liên quan.
  • Về Đấu giá viên: Để nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên và tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Luật đã quy định các tiêu chuẩn khắt khe hơn so với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Luật cũng thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá, theo đó, chỉ những người đã qua các khóa đào tạo về nghề nghiệp và có kỹ năng hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và lĩnh vực có liên quan như luật sư, công chứng viên, quản tài viên, Thừa phát lại... mới được miễn đào tạo.
  • Về tổ chức đấu giá tài sản: Luật quy định tổ chức đấu giá tài sản bao gồm doanh nghiệp đấu giá tài sản và Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản. Tuy nhiên, khác với quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Luật đấu giá tài sản quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản chỉ được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh và thực hiện đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp.
  • Về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản: Luật đấu giá tài sản đã tách bạch quy trình bán đấu giá với quy trình trước và sau khi tổ chức bán đấu giá, đồng thời, quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản chung và trình tự, thủ tục đấu giá các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá theo hướng chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch, khách quan, hạn chế tối đa tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, móc nối, thông đồng, dìm giá, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, tránh gây thất thoát cho tài sản nhà nước.Thể hiện qua các quy định về việc niêm yết thông tin đấu giá tài sản; việc tổ chức đăng ký tham gia đấu giá; tiền đặt trước; thủ tục đăng ký tham gia đấu giá; hình thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong việc tổ chức thực hiện việc đấu giá; các trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản.

Câu hỏi 7: Tại các quốc gia trên thế giới, việc đấu giá cổ vật diễn ra như thế nào?

Luật sư trả lời:

Trên thế giới, đấu giá đồ cổ là một hoạt động phổ biến và khá sôi động.

Tại Trung Quốc, từ năm 2011, dù kinh tế suy thoái nhưng nhu cầu về nghệ thuật chất lượng cao của Trung Quốc vẫn không hề suy giảm. Chính niềm tự hào dân tộc và những dấu ấn lịch sử còn sót lại trên các sản phẩm gốm sứ đã giúp giá cả của những món đồ cổ Trung Quốc được đẩy lên cao chóng mặt.

Hồi tháng 4/2012, một chiếc chén cổ có từ thời Bắc Tống (960-1127) đã được bán với giá gần 27 triệu USD, cao hơn gấp 3 lần dự kiến, tại một phiên đấu giá của Sotheby’s ở Hồng Kông. Trước đó, năm 2008, một chiếc bình khác được bán với giá 8,8 triệu USD.

Ông Ivan Macquisten, Tổng Biên tập tạp chí Antiques Trade Gazette, nhìn nhận: “Hiện nay, nghệ thuật Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường đấu giá trên toàn thế giới”. Chuyên gia này còn nửa đùa nửa thật rằng ai đó chỉ cần bán được một món đồ cổ Trung Quốc là có thể tận hưởng một cuộc sống an nhàn cho đến cuối đời.

Tại Hà Lan, 76.000 món hàng hóa gồm: bình, ấm, chén, đĩa, thìa, tượng... có chất liệu gốm, sứ được Việt Nam mang đi bán đấu giá tại Nhà đấu giá Sotheby’s ở Amsterdam, Hà Lan vào cuối tháng 1/2007 vừa qua vốn được khai quật vào các năm 1998, 1999 từ một chiếc tàu cổ bị chìm tại vùng biển Cà Mau.

Theo thẩm định của các chuyên gia, số cổ vật này được sản xuất vào triều đại nhà Thanh, Trung Quốc, khoảng từ năm 1662 - 1722. Nhà đấu giá Sotheby’s đã sử dụng cụm từ “tàu cổ Cà Mau” để chỉ chiếc tàu chở cổ vật được khai quật tại vùng biển Cà Mau trong quá trình làm việc với phía Việt Nam cũng như trong hợp đồng ủy thác đấu giá, các tài liệu, ấn phẩm giới thiệu về hàng hóa, quảng cáo, thông tin về buổi đấu giá.

Sau khi số hàng hóa trên được chuyên chở đến Amsterdam, từ hơn một năm trước, Nhà đấu giá Sotheby’s đã triển khai các bước chuẩn bị cho buổi đấu giá: làm catalogue, trưng bày triển lãm hàng hóa, tuyên truyền quảng cáo tiếp thị theo thông lệ quốc tế. Họ nhắm đến đối tượng khách hàng là Trung Quốc, Đài Loan và các quốc gia ở châu Mỹ, châu Âu, nơi tập trung cộng đồng người Hoa.
Do giá trị cao của các món cổ vật được chế tác bởi những lò gốm sứ nổi tiếng thời nhà Thanh như lò của Cảnh Đức Trấn nên mặc dù buổi đấu giá được tổ chức vào thời điểm chưa phải là thuận lợi nhất nhưng đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của nhiều nhà kinh doanh, sưu tập đồ cổ đến từ các nước Anh, Đức, Pháp, Bỉ, Nga, Monaco, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Úc, Trung Quốc, Nam Phi...

Tuy nhiên, đấu giá cổ vật là một lĩnh vực vô cùng khó khăn, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Sành sỏi như một công ty kinh doanh cổ vật của Mỹ, mới đây cũng bị thất bại trong việc bán cổ vật Việt Nam do họ đã bỏ qua đối tượng khách hàng là người Việt Nam ở hải ngoại, không tiếp thị đến từng người Việt Nam sống ở Mỹ và các nước lân cận. Trong lần bán cổ vật trên con tàu đắm ở Cà Mau, Việt Nam đặt giá một chiếc chén là 500 USD, còn phía đối tác nước ngoài đặt chiếc chén này chỉ với giá 200 USD. Họ cho rằng, đặt giá rẻ sẽ thu hút được nhiều người tham gia đấu giá, từ giá đặt đến giá bán của đấu giá là khoảng cách rất khác nhau.

Câu hỏi 8: Theo ông, Việt Nam học được gì từ các quốc gia này?

Luật sư trả lời:

Một là, vấn đề lựa chọn nhà đấu giá. Hiện nay ngoài các nhà đấu giá nổi tiếng như Christie’s, Sotheby’s còn có nhiều nhà đấu giá và các trung tâm đấu giá khác tập trung ở các trung tâm thương mại, tài chính trên thế giới và có thể dễ dàng liên hệ với họ qua Internet, điện thoại, fax.

Chủ tài sản, thay vì trông chờ vào các tổ chức trung gian, môi giới đứng ra thu xếp

hợp đồng ủy thác đấu giá hoặc chỉ đàm phán hợp đồng với một nhà đấu giá, nên chủ động liên hệ và trực tiếp làm việc với một vài nhà đấu giá trước khi đi đến quyết định chọn một nhà đấu giá để ký kết hợp đồng ủy thác đấu giá.

Thực hiện được điều này sẽ giúp chủ tài sản giảm bớt các khoản chi phí trung gian, đồng thời lựa chọn được nhà đấu giá có năng lực phù hợp với yêu cầu của mình.

Hai là, trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng ủy thác đấu giá, chủ tài sản cần lưu ý các điều khoản chủ yếu: tỷ lệ hoa hồng cho nhà đấu giá; phân chia trách nhiệm, chi phí bảo quản, đóng gói, vận chuyển, bảo hiểm; phương thức xác định giá hàng hóa, doanh thu thuần; phương thức chuyển trả doanh thu thuần cho chủ tài sản; cách thức xử lý các trường hợp đặc biệt bao gồm ngưng bán đấu giá theo yêu cầu của bên chủ tài sản hoặc của nhà đấu giá, bán không được hoặc bán không hết hàng, người mua có khiếu nại về chất lượng hàng...; lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng và cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Ba là, cần chú ý đến các bước chuẩn bị trước đấu giá của nhà đấu giá. Căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng ủy thác đấu giá và kế hoạch chuẩn bị của nhà đấu giá đính kèm hợp đồng, chủ tài sản có quyền yêu cầu nhà đấu giá phải thường xuyên cung cấp thông tin cho mình. Trường hợp phát hiện và có chứng cứ cho thấy nhà đấu giá không thực hiện đúng theo thỏa thuận thì chủ tài sản có quyền yêu cầu bằng văn bản ngưng bán đấu giá tài sản.

Câu hỏi 9: Để việc đấu giá cổ vật tại Việt Nam được minh bạch, thuận lợi và tiệm cận với thị trường thế giới, chúng ta cần phải chú ý những yếu tố nào?

Luật sư trả lời:

Do thiếu thị trường chính thức và các công cụ đi kèm, nhà sưu tập luôn có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái. Hầu hết cổ vật đều không chứng minh được nguồn gốc và mua bán chủ yếu dựa vào... niềm tin. Chưa kể đến nguy cơ các cổ vật quý hiếm của quốc gia bị thất thoát qua buôn lậu.

Để việc đấu giá cổ vật tại Việt Nam được minh bạch, thuận lợi và tiệm cận với thị trường thế giới, chúng ta cần phải chú ý đến những yếu tố sau:

  • Thay đổi cách giám định cổ vật theo cảm tính:

Đã đến lúc phải thay đổi cách giám định cổ vật theo cảm quan, cảm tính vẫn tồn tại lâu nay ở nước ta. Để giám định được đúng giá trị của cổ vật cần cả kinh nghiệm và sự hỗ trợ của máy móc hiện đại. Để làm được điều này, cần thực hiện triệt để chủ trương xã hội hóa trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, cụ thể là thành lập trung tâm giám định nằm trong các hội cổ vật.

Giám định cổ vật là bước đi cần thiết chuẩn bị cho việc thực hiện hoạt động đấu giá cổ vật. Đây là xu thế phát triển đúng đắn của thị trường cổ vật trong hội nhập kinh tế quốc tế.

  • Nên mở rộng các cuộc đấu giá và tạo ra thị trường minh bạch, dễ dàng kiểm chứng và đảm bảo pháp lý cho các nhà sưu tập.
  • Khi đưa ra đấu giá phải tuân theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, Luật Di sản, các quy định của luật chuyên ngành, phải có hồ sơ pháp lý, được đăng ký đầy đủ.
  • Triển khai các bước chuẩn bị cho buổi đấu giá: làm catalogue, trưng bày triển lãm hàng hóa, tuyên truyền quảng cáo tiếp thị theo thông lệ quốc tế.
  • Hoạch định rõ đối tượng khách hàng mà cuộc đấu giá nhắm đến nhằm đưa ra các định hướng, phương thức đấu giá phù hợp.
0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan