Phỏng vấn về những vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng cho vay, uỷ thác tài sản (từ vụ mất 245 tỷ đồng từ tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng Eximbank)

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trong Chương trình Bạn & Pháp luật về vấn đề: Những vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng cho vay, uỷ thác tài sản (từ vụ mất 245 tỷ đồng từ tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng Eximbank). Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1: Trở lại với luật sư Nguyễn Thanh Hà. Vụ việc mất 245 tỷ đồng từ tài khoản cá nhân ở ngân hàng Eximbank vừa qua đang được nhiều người quan tâm. Trong đó không ít người lo ngại về tính bảo đảm khi gửi tiền vào ngân hàng, ông có suy nghĩ gì về vụ việc này?

Trả lời:

Vụ án bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỷ đồng trong tài khoản tiết kiệm gửi tại ngân hàng Eximbank đang gây xôn xao dư luận. Đây không phải sự việc hy hữu vì trước đó đã có rất nhiều vụ việc tương tự.

Về nguyên tắc, quản lý nhân viên ngân hàng là trách nhiệm của ngân hàng chứ không phải của người gửi tiền. Tuy nhiên, người gửi tiền cũng cần có trách nhiệm kiểm tra, giám sát đối với tiền gửi của mình và cùng với ngân hàng để ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra.

Trong vụ án này, nếu có kết luận cán bộ cố tình lừa cả ngân hàng và khách hàng thì trước tiên ngân hàng có thể trả luôn tiền cho khách, rồi sau đó kiện cán bộ, nhân viên thực hiện hành vi lừa đảo.

Câu 2: Vậy việc ký kết gửi tiền của cá nhân/ tổ chức vào ngân hàng có phải là hợp đồng cho vay tài sản không?

Trả lời:

Các văn bản pháp luật của Việt Nam không nói rõ việc gửi tiền vào ngân hàng làm phát sinh quan hệ cho vay giữa người gửi và ngân hàng.

Tuy nhiên đối chiếu các quy định của pháp luật về tiền gửi ngân hàng và chế định Hợp đồng vay tài sản (từ điều 463-471) của Bộ Luật dân sự năm 2015 (BLDS), có thể khẳng định mối quan hệ tiền gửi giữa khách hàng và ngân hàng về bản chất pháp lý là hợp đồng vay tài sản quy định tại điều 463 của BLDS trong đó tài sản với tư cách là đối tượng vay là tiền.

Tuy nhiên hợp đồng vay giữa người gửi tiền và ngân hàng có một số điểm khác với hợp đồng vay thông thường. Ví dụ, việc hoàn trả tiền gửi của ngân hàng chỉ xảy ra khi khách hàng có yêu cầu. Còn khi khoản gửi tiết kiệm có kỳ hạn đến kỳ hạn thanh toán mà khách hàng không đến nhận và không có yêu cầu gì khác thì ngân hàng nhập lãi vào gốc và kéo dài kỳ hạn mới thường là bằng với kỳ hạn đã gửi mà không coi đó là một khoản nợ quá hạn giống như trong hợp đồng vay thông thường.

Mặc khác, trong Bản giải trình các nội dung sửa đổi Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN và Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ngày 15/3/2010, NHNN nhận định một trong những lý do phải sửa đổi hay ban hành văn bản thay thế hai quyết định nói trên là vì hai văn bản này chưa phân loại nợ, trích lập dự phòng đầy đủ với các khoản mục “Tài sản Có” có phát sinh rủi ro tín dụng, trong đó có các loại tiền gửi tại các TCTD khác bởi vì tiền gửi tại các TCTD khác về bản chất cũng giống như một khoản cấp tín dụng (cho vay).

Thực tế, sau đó, trong Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013, quy định tại điểm i khoản 1 điều 1 đã bổ sung thêm một số “Tài sản Có” phải phân loại, bao gồm cả tiền gửi tại các TCTD khác.

Điều này cho thấy, nhìn về bản chất, cách tiếp cận từ góc độ pháp lý (BLDS) hay quản lý (quan điểm của cơ quan chủ quản – NHNN), quan hệ tiền gửi chính là hợp đồng vay. Và một khi đã gửi tiền vào ngân hàng, thì quyền sở hữu khoản tiền đó chuyển từ người gửi sang cho ngân hang; mọi rủi ro, mất mát, lừa đảo, … ngân hàng phải chịu, chứ không phải khách hàng.

Câu 3: Có ý kiến cho rằng sau khi người dân gửi tiền vào ngân hàng thì chính ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu khoản tiền đó và phải chịu mọi rủi ro. Tức là người gửi đã chấm dứt quyền sở hữu đối với số tiền vừa gửi; còn ngân hàng đã chịu sự uỷ thác của người gửi tiền và phải có trách nhiệm bảo vệ số tiền đó. Theo ông thì sao?

Trả lời:

Như đã phân tích ở trên thì quan hệ tiền gửi chính là hợp đồng vay. Theo đó, “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó” (Điều 464 BLDS). Ngoài ra, Khoản 1 Điều 162 BLDS còn quy định: “Chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Theo đó, trong quan hệ tiền gửi, ngân hàng là người đi vay (đó là lý do tại sao họ phải trả lãi) và người gửi tiền là người cho vay. Vậy tiền gửi ngân hàng là thuộc quyền sở hữu của ngân hàng theo Điều 464 BLDS. Nếu tiền đó mất, ngân hàng phải chịu rủi ro, chứ không phải là người gửi tiền, theo Điều 162 BLDS. Các bên không có thỏa thuận gì khác và pháp luật cũng không có quy định gì khác.

Câu 4: Chúng tôi đã nhận được ý kiến của một thính giả

Băng: Tôi đọc báo thấy nói về vụ mất mấy trăm tỉ đồng ở ngân hàng, thực sự là tôi rất lo, chả hiểu sao việc gửi tiền tại ngân hàng lại thiếu an toàn như thế. Cái vụ này theo tôi dù là nhân viên của ngân hàng lấy tiền thì ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm , phải trả tiền cho người gửi vì người ta gửi tiền là gửi cho ngân hàng chứ không gửi cho nhân viên nào

Trả lời:

Tôi đồng ý với ý kiến của bạn. Vì khi tiền gửi của khách bị thất thoát, Ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường và khách gửi tiền hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu Ngân hàng thanh toán số tiền thất thoát cho mình. Theo quy định tại Điều 87 BLDS 2015: “Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân”. Bởi, dưới góc độ kinh tế, việc gửi tiền vào các tổ chức tín dụng được coi là hành vi cất giữ tiền của mình.

Còn dưới góc độ luật dân sự, việc gửi tiền vào Ngân hàng, tổ chức tín dụng được hiểu là hợp đồng cho vay tài sản. Theo đó, sau khi gửi tiền vào Ngân hàng thì chính Ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu khoản tiền đó và phải chịu rủi ro đối với nó. Người gửi chấm dứt quyền sở hữu đối với số tiền vừa gửi, trở thành bên cho vay, có quyền yêu cầu Ngân hàng thanh toán khoản tiền khác tương đương theo thời hạn thỏa thuận. Trong pháp luật dân sự, tiền có tính năng đặc biệt là khi chuyển giao tiền thì bao giờ cũng kèm theo chuyển giao quyền sở hữu.

Câu 5: Còn đây là ý kiến của bác Nguyễn Văn Tiếp ở Hà Nội:

Băng: Tôi có ý kiến thế này, nhân viên ngân hàng làm sai thì ngân hàng xử lý. Nhưng người dân người ta gửi tiền thì không thể bị buộc chịu trách nhiệm vì hành vi phạm pháp đó, ngân hàng phải trả tiền ngay cho khách hàng hoặc xác nhận tài khoản tiết kiệm của khách vẫn tồn tại ở ngân hàng như bình thường và vẫn phải tính lãi

Trả lời:

Như tôi đã nói ở trên, về nguyên tắc, quản lý nhân viên ngân hàng là trách nhiệm của ngân hàng chứ không phải của người gửi tiền. Tuy nhiên, người gửi tiền cũng cần có trách nhiệm kiểm tra, giám sát đối với tiền gửi của mình và cùng với ngân hàng để ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra.

Câu 6: Vâng, thưa luật sư, những vụ việc cán bộ ngân hàng có vi phạm làm thất thoát tiền, như vụ mất 245 tỷ đồng tại eximbank vừa qua thì cán bộ đó sẽ có thể bị truy tố về tội gì?

Trả lời:

Trong vụ mất 245 tỷ đồng tại Eximbank vừa qua thì cán bộ đó sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), cụ thể:

“…4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Hoặc khi có hành vi lén lút rút tiền của khách mà có dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), cụ thể:

“ …4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; …”.

Câu 7: Thực tế là nhiều vụ tranh chấp về hợp đồng dân sự liên quan đến giao dịch cho vay, thế chấp tài sản phát sinh do có vi phạm pháp luật về việc uỷ quyền, ví dụ như chủ sở hữu uỷ quyền cho người khác thay mình giải quyết hợp đồng dân sự đó dẫn đến sự thất thoát, thiệt hại tài sản. Nếu việc uỷ quyền được xác định là giả thì quyền lợi của chủ sở hữu có được bảo vệ không, thưa luật sư

Câu 8: Thực tế là nhiều vụ tranh chấp về hợp đồng dân sự liên quan đến giao dịch cho vay, thế chấp tài sản phát sinh do có vi phạm pháp luật về việc uỷ quyền, ví dụ như chủ sở hữu uỷ quyền cho người khác thay mình giải quyết hợp đồng dân sự đó dẫn đến sự thất thoát, thiệt hại tài sản. Nếu việc uỷ quyền được xác định là giả thì quyền lợi của chủ sở hữu có được bảo vệ không, thưa luật sư

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, ủy quyền là việc một người nhân danh và vì quyền lợi của người khác thực hiện một hoặc một số công việc nhất định với sự đồng ý của người đó thông qua thỏa thuận cụ thể giữa các bên.

Nếu việc ủy quyền đưuọc xác định là giả thì tất nhiên quyền lợi của chủ sở hữu sẽ được bảo vệ.

Câu 9: Thưa luật sư, các giấy viết tay, thoả thuận mua bán, thế chấp viết tay có chữ ký của hai bên thì có giá trị pháp lý tương đương với các hợp đồng dân sự có công chứng, xác nhận của cơ quan chức năng không?

Trả lời:

Điều 119 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hình thức giao dịch dân sự như sau:

Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó”.

Như vậy, tùy vào đó là giao dịch gì mà có thể yêu cầu công chứng, xác nhận của cơ quan chức năng hay không.

Ví dụ: trong trường hợp bạn chuyển nhượng quyền sử dụng đất bạn phải công chứng hợp đồng này vì theo quy định tại Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013:

“3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này; …”.

Theo đó, không phải trường hợp nào các giấy viết tay, thoả thuận mua bán, thế chấp viết tay có chữ ký của hai bên đều có giá trị pháp lý tương đương với các hợp đồng dân sự có công chứng, xác nhận của cơ quan chức năng.

Câu 10: Sau sự kiện mức bảo lãnh tiền gửi tối đa 75 triệu khiến nhiều người lo ngại thì mới đây vụ vịêc tài khoản tiền gửi tiết kiệm bị nhân viên ngân hàng chiếm đoạt vừa qua thực sự đã gióng lên hồi chuông báo động về tính an toàn của tiền gửi ngân hàng. Thưa luật sư, phải chăng là các quy định pháp luật hiện hành của nước ta còn có lỗ hổng, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân khi tham gia các hợp đồng tín dụng?

Trả lời:

Hiện nay, pháp luật không cấm các ngân hàng thực hiện thủ tục ủy quyền mang tính nội bộ. Theo đó, bên ủy quyền và bên được ủy quyền cùng ký vào giấy ủy quyền, lãnh đạo ngân hàng ký xác nhận ủy quyền, lập tức bên được ủy quyền được thực hiện giao dịch.

Thế nhưng, vấn đề của lỗ hổng tiền gửi là nhiều khách hàng VIP có phần chủ quan, ký sẵn giấy ủy quyền giao dịch cho người khác và để trống bên được ủy quyền. Từ đó, cán bộ ngân hàng lợi dụng kẽ hở này để thực hiện các hành vi mờ ám, dẫn đến rủi ro cho người gửi tiền lẫn ngân hàng mà vụ việc bà Bình mất hàng trăm tỉ đồng tại Eximbank là điển hình.

Mặt khác, quy trình kiểm soát các giao dịch gửi - rút tiền của ngân hàng cũng hết sức thô sơ. Đơn cử, khi khách hàng đến phòng giao dịch của một ngân hàng để rút tiền thì chứng từ giao dịch thường thông qua một nhân viên giao dịch, một kiểm soát viên đã được tổng giám đốc ngân hàng đó ủy quyền việc chi trả tiền với một số lượng nhất định; tiếp đến nhân viên ngân quỹ kiểm tra chứng từ và thực hiện lệnh rút tiền của khách hàng.

Thế nhưng, nếu 3 người này thông đồng giả mạo chứng từ đề rút tiền của người khác thì việc này sẽ trót lọt. Trường hợp lãnh đạo cấp trên kiểm tra định kỳ chứng từ tại các phòng giao dịch phát hiện thì sự việc vỡ lở. Đó là chưa kể tình huống cấp trên có thể thông đồng với cấp dưới thực hiện hành vi rút tiền gian dối. Nếu điều này diễn ra thì việc khách hàng bị mất tiền trong thời gian dài không bị phát hiện là dễ hiểu.

Câu 11: Hợp đồng giao dịch trong lĩnh vực tín dụng , ví dụ gửi tiền vào ngân hàng thì có đặc trưng gì khác so với các giao dịch dân sự khác không và nếu có tranh trấp về khoản tiền đó thì khách hàng cần chuẩn bị những loại giấy tờ nào?

Trả lời:

Như tôi đã trình bày ở trên, hợp đồng vay giữa người gửi tiền và ngân hàng có một số điểm khác với hợp đồng vay thông thường. Ví dụ, việc hoàn trả tiền gửi của ngân hàng chỉ xảy ra khi khách hàng có yêu cầu. Còn khi khoản gửi tiết kiệm có kỳ hạn đến kỳ hạn thanh toán mà khách hàng không đến nhận và không có yêu cầu gì khác thì ngân hàng nhập lãi vào gốc và kéo dài kỳ hạn mới thường là bằng với kỳ hạn đã gửi mà không coi đó là một khoản nợ quá hạn giống như trong hợp đồng vay thông thường.

Đối với những khách hàng đã gặp rủi ro mất tiền gửi tại tổ chức tín dụng, trước tiên, khách hàng cần bình tĩnh tập hợp đầy đủ các hồ sơ chứng từ, tài liệu giao dịch với ngân hàng và tìm đến một đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín để tiến hành thủ tục mời Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Khách hàng tuyệt đối không tham gia vào vụ án hình sự liên quan đến cá nhân cán bộ ngân hàng có hành vi sai phạm làm thất thoát tiền của mình. Bởi lẽ, những vụ việc cán bộ ngân hàng có vi phạm làm thất thoát tiền thì thường là những hành vi có dấu hiệu của tội “Trộm cắp tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hoặc là “Tham ô tài sản” (Đối với những Ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước) mà nạn nhân ở đây là Ngân hàng, khách gửi tiền “nằm ngoài” vòng xoáy tố tụng này bởi khách gửi tiền có quan hệ với Ngân hàng trong một quan hệ pháp luật khác.

Câu 12: Theo ông thì việc giải quyết tranh chấp dân sự trong lĩnh vực tín dụng ở nước ta hiện nay khó khăn nhất là gì?

Trả lời:

Có một số vướng mắc trong việc vận dụng pháp luật giải quyết tranh chấp trong việc tính lãi và thời hiệu khởi kiện, cụ thể:

Thứ nhất, về tính lãi

Khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 có quy định về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng như sau:

“2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, Luật cho phép các tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất và phí cấp tín dụng.
Tuy nhiên trong thực tế thời gian qua, các tổ chức tín dụng đưa vào hợp đồng tín dụng các khoản lãi phạt như lãi phạt chậm trả nợ gốc, lãi phạt chậm trả lãi (sau đây gọi tắt là lãi phạt).

Khi có tranh chấp xảy ra, ngân hàng khởi kiện yêu cầu khách hàng thanh toán nợ bao gồm: nợ gốc, nợ lãi (trong hạn và quá hạn) và tiền lãi phạt. Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý giải quyết vụ án thường chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ngân hàng, buộc bị đơn (khách hàng) phải thanh toán toàn bộ số tiền nợ, kể cả các khoản lãi phạt.

Thứ hai, về thời hiệu khởi kiện

Theo quy định tại Điều 184 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự năm 2015 quy định: “1. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự …”.

Dẫn chiếu đến Điều 429 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng thì:

“Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

Như vậy, thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng tín dụng là 03 năm kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Nhưng để xác định thời điểm biết được quyền và lợi ích của tổ chức tín dụng bị xâm phạm là thời điểm nào thì có nhiều quan điểm khác nhau.

Do có những quan điểm khác nhau nên việc vận dụng giải quyết các vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng chưa có sự thống nhất dẫn đến những bản án sơ thẩm bị sửa nhiều và công tác kháng nghị cũng hạn chế.

Câu 13: Ông có lời khuyên nào dành cho những người đang gửi tiền tại ngân hàng hoặc có ý định gửi tiền vào ngân hàng để bảo vệ tài sản của họ sao cho an toàn?

Trả lời:

Đối với những người dân chuẩn bị có dự định làm thủ tục gửi tiền ở ngân hàng, từ những sự cố vừa qua tại một số ngân hàng, theo tôi, người gửi không nên giao dịch ngoài trụ sở mà đến thẳng các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng để trực tiếp giao dịch. Khi nộp tiền khách hàng lưu ý ghi đầy đủ thông tin và thông số vào các chứng từ; chỉ nhận lại chứng từ, văn bản khi có chữ ký của giao dịch viên và dấu xác nhận của ngân hàng. Người gửi tiền có thể lưu giữ lại bằng chứng bằng việc sử dụng thiết bị di động, điện tử quay lại video clip toàn bộ quá trình giao dịch của mình.

Nếu giao dịch số tiền lớn, người gửi tiền nên cân nhắc về việc mời đơn vị Thừa phát lại đến ngân hàng để lập Vi bằng toàn bộ quá trình giao dịch của mình. Việc lập Vi bằng sẽ phát sinh chi phí, tuy nhiên so với những rủi ro tiềm ẩn cho số tiền gửi của mình, thì những chi phí phát sinh đó không hề là cao.

Ngoài ra, người dân nên chọn những Ngân hàng uy tín trong hệ thống và chưa phát sinh những tiền lệ thất thoát tiền của người gửi để giao dịch.

Đối với những khách hàng đang có tiền gửi tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng, khách hàng cần nâng cao ý thức về an ninh bảo mật và tôn trọng, tuân thủ đầy đủ đúng quy trình giao dịch với ngân hàng. Tuyệt đối không cung cấp mật khẩu giao dịch ngân hàng điện tử cho người khác, không truy cập các đường link lạ có nguy cơ bị hacker xâm nhập tài khoản đánh cắp dữ liệu. Khách hàng cần đăng ký biến động số dư qua tin nhắn sms, thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản, sổ tiết kiệm và ngay lập tức liên hệ với ngân hàng khi phát hiện những bất thường đối với tài khoản của mình. Đồng thời, khách hàng không nên ký khống vào bất cứ giấy tờ nào, kể cả việc này là yêu cầu từ phía nhân viên của ngân hàng. Bởi, quy định, quy trình nào cũng sẽ có kẽ hở. Nên việc ký khống sẽ là rất nguy hiểm nếu cán bộ ngân hàng không có đạo đức nghề nghiệp.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan