NHỮNG BẤT CẬP TRONG LUẬT THỦY SẢN

Nội dung bài viết

Nhận lời mời của Truyền hình Quốc hội, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law có bài trả lời phỏng vấn với chủ đề “Những bất cập trong Luật Thủy sản Việt Nam”.

Luật Thủy sản năm 2003 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2004 (văn bản này thay thế Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản). Đây là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất và điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực hoạt động thủy sản bao gồm: bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản; nuôi trồng thủy sản; quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hoạt động thủy sản; chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản; hợp tác quốc tế về hoạt động thủy sản; quản lý nhà nước về thủy sản. Luật Thủy sản năm 2003 đã góp phần quan trọng với những kết quả đáng ghi nhận của ngành thủy sản vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, sau một thời gian thi hành Luật Thủy sản đã nảy sinh một số bất cập, đặt ra các yêu cầu mới cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với tình hình phát triển ngành thủy sản hiện nay:

Bất cập thứ nhất, Điều 23 của Luật Thủy sản năm 2003 quy định rõ việc quy hoạch phát triển NTTS, tuy nhiên vấn đề quy hoạch còn triển khai chậm. Mặc dù đã có quy hoạch tổng thể nhưng nhiều địa phương chưa xây dựng quy hoạch nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh. Có tỉnh có quy hoạch song thiếu tính khả thi trên thực tiễn.

Thứ hai, việc cấp Giấy đăng ký cho tàu cá hoạt động thủy sản còn vướng mắc. Đơn cử như Điều 8 Quyết định số 10/2006/QĐ-BTS để được cấp Giấy chứng nhận tàu cá, chủ tàu cá phải nộp thuế trước bạ nhưng thực tế người dân lai rất nghèo, ý thức chấp hành thấp dẫn đến số lượng tàu cá đã đăng ký thấp.

Thứ ba, một số thuật ngữ đã không còn phù hợp với sự phát triển của nghề cá hiện nay (tàu cá, bè nuôi, trồng thủy sản, …), một số thuật ngữ còn thiếu cần bổ sung vào Luật để đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện (đồng quản lý, quyền khai thác thủy sản, …).

Thứ tư, bất cập trong việc triển khai thực hiện Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản (Điều 10) do không được cấp vốn điều lệ ban đầu và không có hệ thống quỹ tại cấp tỉnh nên đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện.

Thứ năm, một số nghề khai thác thủy sản không sử dụng tàu cá nhưng có sản lượng khai thác lớn và có khả năng gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản do đó cần phải tiến hành cấp phép và quản lý đối với các nghề này.

Thứ sáu, thủ tục hành chính trong lĩnh vực thủy sản: hoạt động khảo nghiệm, kiểm nghiệm giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi, trồng thủy sản còn rườm rà, phức tạp gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, trong Luật Thủy sản có 7/10 Chương, 27/62 Điều có quy định liên quan đến tàu cá và hoạt động của tàu cá, trong đó có quy định sự phân cấp và tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm tàu cá. Tuy nhiên, khi triển khai gặp không ít khó khăn vì nhiều địa phương đến nay chưa có đủ điều kiện để tổ chức thực hiện việc phân cấp này.

Trước những bất cập trên, thiết nghĩ cần sửa đổi lại Luật Thủy sản năm 2003 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện hoạt động trong lĩnh vực thủy sản.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan