Nhiều cơ sở trông trẻ tư nhân chưa đủ điều kiện cấp phép

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn về tình trạng các cơ sở trông trẻ tư nhân hiện nay. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1.Câu chuyện cấp phép cơ sở trông trẻ tư nhân là câu chuyện không mới, đã đc báo chí và dư luận nhắc đến nhiều về những bất cập nhưng tại sao vẫn diễn ra tình trạng cơ sở chui, chưa đủ điều kiện cấp phép nhưng vẫn ko có sự quản lý chặt chẽ của ngành chức năng?

Trả lời:

Không có phép vẫn hoạt động là thực trạng không phải chỉ xảy ra trong 'bóng tối' mà được công khai tại nhiều cơ sở trông trẻ tư nhân.

Thứ nhất, theo Thông tư 13/ /2015/TT-BGDĐT quy định về quy chế tổ chức, hoạt động trường mầm non tư thục, yêu cầu trình độ văn hóa của chủ nhóm, lớp từ THPT trở lên và phải có các chứng chỉ nghiệp vụ về quản lý, chăm sóc trẻ em hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý, ... Điều quan trọng là các chứng chỉ nghiệp vụ quản lý, chăm sóc trẻ em này có đảm bảo chất lượng cho giáo viên hay không.

Những quy định về cấp phép cho nhóm, lớp trẻ mầm non tư thục còn quá đơn giản, chưa chặt chẽ khiến cho quá trình kiểm tra, thẩm định của Cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho các nhóm, lớp khá ngắn nên khó đảm bảo về nghiệp vụ chuyên môn. Trong khi đó, tính chất công việc chăm sóc, giáo dục trẻ đòi hỏi chủ nhóm, lớp phải có sự am hiểu chuyên môn, vững nghiệp vụ sư phạm mầm non thì mới làm được.

Không những thế, nhiều cơ sở khi cấp phép thì đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tuy nhiên sau một thời gian kiểm tra lại thì chủ nhóm lại tuyển nhân sự không chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất không đảm bảo, không đáp ứng quy định chuyên môn, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, …

Thứ hai, theo phân cấp quản lý, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập sẽ do các xã, phường, thị trấn quản lý và cấp phép hoạt động. Các phòng GD-ĐT được phân công quản lý các cơ sở này về mặt chuyên môn. Để việc cấp phép hoạt động đảm bảo chính xác, đúng quy định, các địa phương sẽ phải phối hợp chặt chẽ cùng với phòng GD-ĐT. Tuy nhiên trên thực tế, sự phối hợp này ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh còn rất lỏng lẻo. Các địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức cho loại hình giáo dục này, thậm chí có nơi chính quyền địa phương gần như thả nổi. Theo cả hai phía (ngành GD-ĐT và địa phương) nguyên nhân là do thiếu lực lượng làm công tác quản lý loại hình giáo dục mầm non này.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến hiện tượng này đó là khó khăn hiện nay trong công tác quản lý là đa số các nhóm lớp ngoài công lập phải thuê mướn địa điểm nên chưa mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, các nhóm lớp di dời, thay đổi địa điểm khi hết thời hạn hợp đồng nhà dẫn đến công tác quản lý nhóm lớp chưa chặt chẽ. Các nhóm giữ trẻ tại gia đình chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, người giữ trẻ phần lớn là người lớn tuổi, cơ sở vật chất hạn chế, không đủ điều kiện để cấp giấy phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục độc lập. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các trường mầm non ngoài công lập thường xuyên biến động, việc bồi dưỡng chuyên môn gặp nhiều khó khăn.

2. Trách nhiệm trực tiếp ở đây là địa phương như phường, quận, huyện có các cơ sở đóng trên địa bàn khi xảy ra những vụ việc này là như thế nào?

Trả lời:

Khi những vụ việc này xảy ra, có thể là gây hậu quả nghiêm trọng như bạo hành, ngược đãi trẻ em, … nhưng chúng ta mới chỉ xử lý bản thân cơ sở, chứ về phía các cơ quan chức năng thì chưa có địa phương nào bị xử phạt hay nhắc nhở. Thực tế này khiến nhiều người lo ngại phải chăng do chưa có chế tài đối với những vụ việc này nên chính quyền địa phương lơ là trong công tác quản lý làm ngơ trước hoạt động trái pháp luật của các cơ sở trông giữ trẻ không phép trên địa bàn?

Thiết nghĩ, cần phải xử lý nghiêm khắc và quyết liệt hơn đối với cán bộ có trách nhiệm quản lý thì mới ngăn chặn được những vụ việc tương tự.

3. Khi cấp phép cho cơ sở trông trẻ tư nhân thì cần phải đảm bảo những điều kiện gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thì:

Thứ nhất, đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập:

Điều kiện để thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập; cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục là:

1. Có đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển.

Điều 5. Điều kiện để trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ hoạt động giáo dục

1. Có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

2. Có đất đai, trường sở, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu, duy trì và phát triển hoạt động giáo dục, cụ thể:

a) Trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ được đặt tại khu dân cư phù hợp quy hoạch chung, thuận lợi cho trẻ em đến trường; bảo đảm các quy định về an toàn và vệ sinh môi trường;

b) Diện tích khu đất xây dựng gồm: Diện tích xây dựng; diện tích sân chơi; diện tích cây xanh, đường đi. Diện tích khu đất xây dựng bình quân tối thiểu 12 m2cho một trẻ em đối với khu vực đồng bằng, trung du; 08 m2cho một trẻ em đối với khu vực thành phố, thị xã và núi cao.

Đối với nơi khó khăn về đất đai, có thể thay thế diện tích xây dựng bằng diện tích sàn xây dựng và bảo đảm đủ diện tích theo quy định;

Trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục có thể thuê trường sở, cơ sở vật chất, thiết bị của Nhà nước, cơ sở giáo dục công lập không sử dụng để tổ chức hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật.

Trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục có thể thuê một phần hoặc toàn bộ quỹ nhà và cơ sở hạ tầng của Nhà nước để tổ chức hoạt động giáo dục theo quy định của Chính phủ về khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp. Trường hợp thuê trang thiết bị giáo dục chưa sử dụng hết công suất của cơ sở sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

c) Khuôn viên của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ có tường bao ngăn cách với bên ngoài;

d) Cơ cấu khối công trình gồm:

- Khối phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo: Phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, phòng vệ sinh, hiên chơi bảo đảm theo đúng quy chuẩn quy định;

- Khối phòng phục vụ học tập: Phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật hoặc phòng đa chức năng;

- Khối phòng tổ chức ăn: Khu vực nhà bếp và kho;

- Khối phòng hành chính quản trị gồm: Văn phòng trường, phòng hiệu trưởng, phòng phó hiệu trưởng, phòng hành chính quản trị, phòng y tế, phòng bảo vệ, phòng dành cho nhân viên, khu vệ sinh cho giáo viên, cán bộ, nhân viên, khu để xe cho giáo viên, cán bộ, nhân viên;

- Sân vườn gồm: Sân chơi của nhóm, lớp; sân chơi chung; sân chơi - cây xanh.

đ) Có thiết bị, đồ chơi, đồ dùng, tài liệu chăm sóc, giáo dục trẻ em theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non và tổ chức hoạt động giáo dục.

4. Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục.

5. Có quy chế tổ chức và hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ.

Thứ hai, đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập:

Khi thành lập phải đáp ứng những điều kiện sau:

1. Đáp ứng nhu cầu gửi trẻ em của các gia đình.

2. Có giáo viên đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Điều 77 của Luật giáo dục.

3. Có phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố, an toàn, đủ ánh sáng tự nhiên, thoáng và sắp xếp gọn gàng; diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em bảo đảm ít nhất 1,5 m2cho một trẻ em; có chỗ chơi, có hàng rào và cổng bảo vệ an toàn cho trẻ em và phương tiện phù hợp với lứa tuổi; những nơi có tổ chức ăn cho trẻ em phải có bếp riêng, an toàn, bếp đặt xa lớp mẫu giáo, nhóm trẻ; bảo đảm phòng chống cháy nổ và vệ sinh an toàn thực phẩm. Có đủ nước sạch dùng cho sinh hoạt và đủ nước uống hàng ngày cho trẻ em theo quy định.

4. Trang thiết bị đối với một nhóm trẻ độc lập:

a) Có chiếu hoặc thảm cho trẻ em ngồi chơi, giường nằm, chăn, gối, màn cho trẻ em ngủ, dụng cụ đựng nước uống, giá để đồ chơi, giá để khăn và ca, cốc cho trẻ em, có đủ bô đi vệ sinh cho trẻ em dùng và một ghếcho giáo viên;

b) Có đủ thiết bị tối thiểu cho trẻ em gồm: Đồ chơi, đồ dùng và tài liệu phục vụ hoạt động chơi và chơi - tập có chủ đích;

c) Đủ đồ dùng cá nhân cho mỗi trẻ em;

d) Có đồ dùng, tài liệu cho người nuôi dạy trẻ em, gồm: Bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em; sổ theo dõi trẻ; sổ theo dõi tài sản của nhóm trẻ; tài liệu dùng đểphổbiến kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ.

5. Trang thiết bị đối với một lớp mẫu giáo độc lập:

a) Có bàn, ghế đúng quy cách cho trẻ em ngồi (đặc biệt đối với trẻ em 05 tuổi): Một bàn và hai ghế cho hai trẻ em; một bàn, một ghế và một bảng cho giáo viên; kệ để đồ dùng, đồ chơi; thùng đựng nước uống, nước sinh hoạt. Đối với lớp bán trú: Có ván hoặc giường nằm, chăn, gối, màn, quạt phục vụ trẻ em ngủ;

b) Có đủ thiết bị tối thiểu cho trẻ em bao gồm: Đồ chơi, đồ dùng và tài liệu cho hoạt động chơi và học có chủ đích;

c) Đủ đồ dùng cá nhân cho mỗi trẻ em;

d) Có đồ dùng, tài liệu cho giáo viên mẫu giáo gồm: Bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em; sổ theo dõi trẻ em, sổ ghi chép tổ chức các hoạt động giáo dục của trẻ em trong ngày, tài liệu dùng để phổ biến kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ.

6. Đối với những nơi mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ em tới trường, lớp, các cá nhân có thể tổ chức nhóm trẻ nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em của phụ huynh và phải đăng ký hoạt động với Ủy ban nhân dân cấp xã, bảo đảm các điều kiện đăng ký hoạt động như sau:

a) Số lượng trẻ em trong nhóm trẻ tối đa là 07 trẻ em;

b) Người chăm sóc trẻ em có đủ sức khỏe, không mắc bệnh truyền nhiễm, đủ năng lực chịu trách nhiệm dân sự và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định;

c) Cơ sở vật chất phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu như sau: Phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có diện tích tối thiểu là 15 m2; bảo đảm an toàn, thoáng, mát; có đồ dùng, đồ chơi an toàn, phù hợp lứa tuổi của trẻ em; có đủ đồ dùng cá nhân phục vụ trẻ em ăn, uống, ngủ, sinh hoạt và các thiết bị phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em; có đủ nước uống cho trẻ em hằng ngày; có phòng vệ sinh và thiết bị vệ sinh phù hợp với trẻ em; có đủ nước sạch cho trẻ em dùng; có bản thỏa thuận với phụ huynh về việc nhận nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo đảm an toàn cho trẻ em tại nhóm trẻ; có tài liệu hướng dẫn thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ em.

  1. Đối với chủ cơ sở hoặc những người trực tiếp trông trẻ tại cơ sở khi xảy ra vụ việc sẽ phải chịu trách nhiệm về pháp luật như thế nào?

Trả lời:

Tùy thuộc vào hành vi mà chủ cơ sở hoặc những người trực tiếp trông trẻ thực hiện mà họ có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ: Nếu chủ cơ sở nhóm trẻ không đăng ký hoạt động với UBND cấp xã thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục như sau:

"3. Phạt tiền đối với hành vi tự ý thành lập cơ sở giáo dục theo các mức phạt sau đây:

a) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non;

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

b) Buộc giải thể cơ sở giáo dục, tổ chức thuộc cơ sở giáo dục đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này”.

Hoặc nếu những người trực tiếp trông trẻ có hành vi bạo hành trẻ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể:

Điều 140. Tội hành hạ người khác

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên”.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan