Người Việt dùng phần mềm lậu, xem phim lậu “như một thói quen”

Nội dung bài viết

Trong bài "Người Việt dùng phần mềm lậu, xem phim lậu “như một thói quen” đăng trên Báo Cafebiz, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Giám đốc Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

- Tại Việt Nam, các anh được học về sở hữu trí tuệ từ khi nào?

- Khi vào đại học. - Tại Nhật, chúng tôi được dạy từ mẫu giáo.

Cuộc trò chuyện với vị giáo sư người Nhật Bản trên đây được luật sư Nguyễn Tiến Hòa (SB Law) kể lại tại hội thảo Digital Copyrights (tổ chức bởi Tổ chức sinh viên luật Châu Á tại Việt Nam - ALSA Việt Nam).

Quyền tác giả đang bị vi phạm nghiêm trọng tại Việt Nam, đặc biệt là trong môi trường Internet. Một hành vi vi phạm phổ biến, theo luật sư Nguyễn Tiến Hòa, là việc nhiều trang web sử dụng âm nhạc, phim, video không có bản quyền. "Nội dung được tải lên và chia sẻ rất dễ dàng. Trong khi đó, những trang web này lại kiếm được tiền nhờ quảng cáo," luật sư Hòa cho hay.

Một tình trạng vi phạm điển hình khác là việc sử dụng phần mềm không bản quyền. Luật sư Lê Xuân Lộc – Giám đốc Sở hữu trí tuệ của T&G Law Firm LLC dẫn kết quả nghiên cứu của Liên minh Phần mềm doanh nghiệp Quốc tế (BSA): 78% phần mềm được cài đặt trên máy tính tại Việt Nam là phần mềm không có bản quyền. Tỉ lệ này thuộc hàng cao nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Người Việt vi phạm quyền tác giả "như một thói quen"

"Thói quen" là từ luật sư Nguyễn Tiến Hòa đề cập khi bàn về nguyên nhân cốt lõi của việc quyền tác giả bị vi phạm phổ biến tại Việt Nam. "Người ta đã quen với việc sử dụng tác phẩm một cách miễn phí rồi. Vi phạm quyền tác giả được xem là chuyện…đương nhiên. Rất khó để thay đổi tư duy, thói quen này."

Việc phim Cô Ba Sài Gòn bị quay lén trong rạp rồi livestream (phát trực tiếp) trên Facebook và người vi phạm – một bạn trẻ 19 tuổi – cho biết không ý thức được việc mình làm là vi phạm pháp luật, phần nào thể hiện những hạn chế trong ý thức của người Việt về quyền tác giả, quyền liên quan. Rõ ràng câu chuyện giáo dục, tuyên truyền về luật sở hữu trí tuệ ở nước ta vẫn còn nhiều điều đáng nói.

Còn về mặt luật pháp, luật sư Nguyễn Tiến Hòa cho biết trong thời gian qua đã có những động thái mới từ Chính phủ để thắt chặt việc vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sở hữu trí tuệ nói chung. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, lần đầu tiên quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sư về 33 tội phạm, trong đó tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, quy định tại Điều 225.

Một động thái đáng chú ý khác là việc kiểm soát các website phim lậu bằng thắt chặt quảng cáo – nguồn thu chính của các trang web này. "Chính phủ đã và đang kiểm soát, doanh thu của các website bằng việc làm việc với những công ty quảng cáo lớn như Google hay Facebook, yêu cầu những công ty này thắt chặt quảng cáo trên những website phim lậu. Đây là một tín hiệu khả quan. Các website vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan sẽ gặp khó khăn về tài chính. Nhờ vậy, số lượng phim ảnh, âm nhạc được chia sẻ sẽ giảm đi, đồng thời lượng người dùng cũng giảm theo," luật sư Nguyễn Tiến Hòa cho biết.

Bàn về hậu quả của việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, luật sư Lê Xuân Lộc cho hay: "Sử dụng các sản phẩm không có bản quyền đi kèm rất nhiều rủi ro. Ví dụ như sử dụng phần mềm không chính hãng, dẫn đến hiện tượng các mã độc, hacker tấn công. Chính các phần mềm tải về trên mạng tưởng như an toàn nhưng chứa đầy mã độc vốn dĩ đã có sẵn."

"Còn về lâu dài, những người tiếp tục sáng tạo sẽ bị nản lòng và chúng ta sẽ có ít những sự sáng tạo đó đi. Cần tìm hiểu về sở hữu trí tuệ và tôn trọng sở hữu trí tuệ, vì đấy là động lực cho sự phát triển lâu dài," luật sư Lê Xuân Lộc nhắn nhủ.

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

(Luật Sở hữu trí tuệ, Số: 50/2005/QH11, Điều 4.1 - 4.3)

Hội thảo Digital Copyrights nằm trong chuỗi workshop về Luật Sở Hữu Trí Tuệ 2018, thuộc chương trình Tập huấn pháp lý của Tổ chức sinh viên Luật châu Á tại Việt Nam (ALSA Việt Nam).

ALSA là một tổ chức sinh viên phi chính phủ, phi lợi nhuận bao gồm những sinh viên luật từ khắp Châu Á. Được thành lập vào những năm 1980, mục tiêu chính của ALSA là cung cấp nền tảng giúp các sinh viên luật chia sẻ ý tưởng, văn hóa và kiến thức pháp lý xuyên quốc gia bằng việc tổ chức các sự kiện như hội thảo, diễn đàn, buổi tọa đàm…

Nguồn: http://cafebiz.vn/nguoi-viet-dung-phan-mem-lau-xem-phim-lau-nhu-mot-thoi-quen-20180508080125899.chn

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan