Người tung tin đồn lái xe trường Gateway tự tử có thể bị xử lý hình sự?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thị Thu – Giám đốc Công ty Luật SBLaw đã trả lời về người tung tin đồn lái xe trường Gateway tự tử có thể bị xử lý như thế nào trên Báo An ninh thủ đô. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Như Báo ANTĐ đã đưa tin, về những tin đồn trên mạng xã hội cho rằng lái xe của trường Gateway là ông Doãn Quý Phiến đã tự tử, chiều 19-8, đại diện CAQ Cầu Giấy, Hà Nội khẳng định, Cơ quan CSĐT – CAQ Cầu Giấy chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ gia đình ông Phiến xác nhận thông tin này là đúng sự thực.

Lợi dụng vụ việc “nóng”, tung tin đồn để câu like, câu view

Liên quan đến vụ việc cháu bé 6 tuổi tử vong trên xe đưa đón của Trường Gateway, CAQ Cầu Giấy đã ra quyết định khởi tố vụ án về tội “Vô ý làm chết người” và hiện vẫn đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành các bước để điều tra vụ án.

Tuy vậy, từ khi vụ án xảy ra, trên một số trang thông tin, mạng xã hội đã xuất hiện những tin đồn thổi vô căn cứ, suy diễn của không ít người về nguyên nhân dẫn đến cái chết của bé trai 6 tuổi, gây ảnh hưởng đến công tác điều tra của lực lượng công an.

ảnh 1 Những tin đồn thất thiệt xuất hiện trên mạng xã hội

Về chế tài xử lý đối với hành vi tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội, khi xảy ra một vụ việc, một tình huống có vấn đề, thu hút sự quan tâm của công chúng nhưng lại thiếu thông tin lý giải đã được kiểm chứng và thuyết phục thì đây sẽ là cơ sở để xuất hiện tin đồn. Do vụ việc bé trai 6 tuổi học trường Gateway tử vong đang “nóng”, khiến dư luận tò mò và luôn theo dõi nên một số đối tượng đã lợi dụng điều này để tung tin đồn câu like, câu view.

Điều đáng nói là khi thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí là tin bịa đặt, sai sự thật… khi được lan truyền và phát tán trên mạng xã hội không chỉ gây tâm lý hoang mang, hoài nghi cho người dân mà còn có thể gây thiệt hại về uy tín và vật chất cho các tổ chức, cá nhân liên quan, gây khó khăn trong việc thi hành công vụ của các cơ quan chức năng.

Vì vậy, nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt thì tùy theo mức độ thiệt hại, đối tượng này có thể bị xử lý hành chính cho đến hình sự.

Đối tượng tung tin đồn nhảm có thể phải ngồi tù tới 7 năm

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, về xử lý hành chính, Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định, phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng đối với người có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; hoặc hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm…

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân thực hiện hành vi tung tin bịa đặt, thất thiệt trên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự. Điều 288 BLHS 2015 về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông nêu rõ, người nào thực hiện một trong các hành vi sau nhằm thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người phạm tội trên có thể bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng – 7 năm.

Ngoài ra, theo Điều 156 BLHS 2015 sửa đổi, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-1 năm.

Luật sư Nguyễn Thị Thu còn cho biết, thời gian qua đã có không ít đối tượng tung tin đồ thất thiệt trên mạng xã hội bị xử lý. Mới đây, do đăng tải thông tin sai sự thật với nội dung “lợn bị dịch chết, mang đi chôn số lượng lên đến hàng trăm con, sau đó được đào lên xẻ thịt bán ra thị trường”, Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Nông đã ra quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trần Thị Thu Hồng mức phạt 10 triệu đồng.

Còn tại Hà Nội, Cục PTTH&TTĐT – Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 20 triệu đồng đối với hành vi đăng tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi của bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa – chủ tài khoản fanpage Đầm bầu thời trang Mami do đã đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi tẩy chay thịt lợn vì có thể lây sang người. Những vụ việc này là bài học đắt giá cho mỗi cá nhân trước khi đăng tải, chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội.

Trích nguồn: https://anninhthudo.vn/doi-song/nguoi-tung-tin-don-lai-xe-truong-gateway-tu-tu-co-the-bi-xu-ly-hinh-su/822201.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan