khách hàng dự án D’. Capitale đã

Hàng trăm khách hàng mua nhà dự án D’. Capitale từng xuống đường phản đối chủ đầu tư

Ngày 17/12, Ban Đại diện khách hàng dự án D’. Capitale đã chính thức gửi đơn bãi nại tới các cơ quan chức năng đề nghị được rút đơn tố cáo những vấn đề vướng mắc tại dự án. Sự việc khiến nhiều người bất ngờ bởi cách đó không lâu chính những khách hàng này đã cầu cứu khắp nơi tố cáo chủ đầu tư liên quan đến một số vấn đề như hành lang nhỏ, thang thoát hiểm, điều hoà hành lang, điều hòa thang máy không đảm bảo.

Khi chủ đầu tư thiện chí

Trao đổi với phóng viên, Ban Đại diện khách hàng thừa nhận, chủ đầu tư đã chủ động thể hiện tinh thần cầu thị và sự thiện chí, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến và mong muốn tiếp tục được hợp tác với khách hàng bằng cách đưa ra các đề xuất và cam kết nâng cấp, bổ sung một số hạng mục gia tăng giá trị cho dự án để khách hàng được hưởng những tiện ích, hạng mục được đầu tư tốt hơn so với mức trang bị ban đầu.

Cụ thể, chủ đầu tư sẽ trang bị hệ thống điều hòa nhiệt độ cho tất cả các hành lang căn hộ của tất cả các tầng của các tòa nhà với chi phí khoảng 70 tỷ đồng sau khi dự án đi vào vận hành chính thức. Đồng thời thực hiện thêm nhiều hạng mục khác như: Ốp chân đế tất cả các tòa nhà bằng đá chất lượng cao và sơn đá nghệ thuật; tăng tiện ích cho cảnh quan toàn bộ dự án; nâng cấp từ chuông cửa tiếng sang chuông cửa hình và khóa cửa cơ sang khóa cửa từ… tổng giá trị các hạng mục chủ đầu tư cam kết sẽ đầu tư thêm cho dự án D’. Capitale dự kiến khoảng 191 tỷ đồng.

Đây không phải là trường hợp duy nhất, trước đó vài tháng mặc dù khẳng định cách đo đạc diện tích căn hộ không hề vi phạm quy định pháp luật về nhà ở cũng như theo hợp đồng đã ký kết, nhưng chủ đầu tư Mon City (Mỹ Đình – Hà Nội) cũng đã chấp thuận hầu hết đòi hỏi của cư dân và đồng ý thanh toán tiền nếu diện tích căn hộ sau khi đo đạc thực tế bị giảm quá 0,5% tổng diện tích.

Số liệu Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội tổng kết cho thấy, trong tổng số 745 (cụm, tòa) chung cư thương mại trên địa bàn Thành phố, có đến 129 chung cư có tranh chấp, khiếu kiện và 22 chung cư có hoạt động phức tạp về an ninh trật tự. Trong đó, chiếm tỷ lệ đáng kể nhất trong các tranh chấp xuất phát từ việc các chủ đầu tư cố tình làm sai, không thực hiện minh bạch theo quy định của pháp luật.

Phần lớn vụ việc từ các nguyên nhân như sử dụng sai quy định phần diện tích chung, cơi nới và thay đổi công năng một phần diện tích không theo quy hoạch; vi phạm quy định về sử dụng quỹ bảo trì, chi phí vận hành quản lý tòa nhà, tổ chức hội nghị dân cư lần đầu, hay vi phạm tiến độ xây dựng và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

Ở không ít dự án, các chủ đầu tư đã sử dụng tầng kỹ thuật, không gian chung sai mục đích. Thậm chí, có chủ đầu tư còn thay đổi cả thiết kế tòa nhà như tăng số tầng, thay đổi không gian thông gió thành căn hộ để bán một cách công khai. Hay như việc bàn giao căn hộ khi hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa được kiểm duyệt, hệ thống điện, nước cũng tậm tịt, lúc được lúc không…

Giám sát chặt các dự án

Không ít chủ đầu tư thừa nhận để xảy ra tranh chấp là điều đáng tiếc vì ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư và tác động xấu lên giá nhà của dự án. Tuy nhiên, có không ít khách hàng đã hiểu chưa đúng về các điều khoản dẫn đến việc “làm khó” chủ đầu tư, thậm chí đòi hỏi những yêu cầu quá mức.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, dù tranh chấp chung cư liên tục xảy ra nhưng không phủ nhận trong tương lai, dù muốn hay không chung cư vẫn sẽ là lựa chọn chính yếu dành cho người dân đô thị. Điều quan trọng là tìm ra cơ chế đủ thuyết phục để hóa giải mâu thuẫn giữa lợi ích của khách hàng và chủ đầu tư.

Ông Hà phân tích, về mặt pháp lý hiện nay Luật Nhà ở 2014 lẫn Nghị định, thông tư hướng dẫn đã quy định tương đối cơ bản các nội dung về giải quyết tranh chấp tại các chung cư. Tuy nhiên, nhiều vụ tranh chấp hiện nay vẫn chưa giải quyết được. Lý do là bởi đây không phải là vấn đề pháp lý mà là vấn đề xử lý tình huống giữa các bên hiện nay.

Thứ hai, tranh chấp chung cư gia tăng nhưng hiện nay chúng ta chưa có biện pháp chế tài kịp thời và hiệu quả. Đơn cử, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có quy định các điều cấm nhưng nghịch lý là không có điều khoản chế tài, xử phạt những hành vi vi phạm của các chủ đầu tư. Ngoài ra, mức xử phạt vẫn chưa tương xứng với hành vi vi phạm và lợi nhuận có được nếu vi phạm hoàn thành.

Đơn cử như tại Dự án Tân Bình Apartment có 19 vi phạm nhưng chỉ phạt hơn 1,6 tỷ đồng thì chưa đủ răn đe, bởi số tiền thu lại được do vi phạm lớn hơn con số đó rất nhiều lần.

Các chuyên gia cho rằng biện pháp ngăn chặn từ đầu những tranh chấp đó là các cơ quan chức năng phải giám sát chặt tất cả các dự án ngay từ khâu triển khai. Nếu mạnh tay xử lý, có thể đình chỉ thi công hoặc cấm kinh doanh nếu vi phạm thì mới có tác dụng răn đe. “Còn cứ du di, phạt nhẹ, nương tay hoặc cho qua thì chắc chắn thị trường vẫn sẽ còn nhiều chủ đầu tư sai phạm, cuối cùng khách hàng là người chịu thiệt” – một chuyên gia cho biết.