Nên hiểu như thế nào về việc khởi tố Tập đoàn Mường Thanh?

Nội dung bài viết

Trong bài “Nên hiểu như thế nào về việc khởi tố Tập đoàn Mường Thanh?” đăng trên báo Vietnam Finance.

Thông tin Công an thành phố Hà Nội xem xét việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các vi phạm trong xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh đang làm xôn xao thị trường bất động sản. Vậy, nên hiểu sự việc này như thế nào?

Như VietnamFinance đã thông tin, tại phiên làm việc ngày 5/7 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, cho biết hầu hết các dự án của Tập đoàn Mường Thanh đều có dấu hiệu trốn thuế và vi phạm các quy định về quản lý nhà ở.

“Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, chúng tôi đang chờ các ý kiến quyết định của Bộ Công an. Nếu để cho cơ quan điều tra của Công an Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan tới vụ việc vi phạm của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thì chắc là sang tuần, sau khi có ý kiến của lãnh đạo Bộ, chúng tôi sẽ khởi tố vụ án và cụ thể hóa các hành vi vi phạm của các cá nhân để khởi tố bị can”, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nói.

Nhằm giúp độc giả nắm rõ hơn, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, xung quanh sự việc này.

PV: Trước hết, ông có thể giải thích về quá trình tố tụng một vụ án hình sự?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Quá trình tố tụng một vụ án hình sự bao gồm các giai đoạn: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Bước đầu tiên, khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố vụ án. Việc khởi tố này chưa nhắm tới một cá nhân cụ thể nào.

Sau khởi tố, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra các vi phạm và xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Việc khởi tố bị can là một phần của quá trình điều tra.

Kết thúc quá trình điều tra sẽ có kết luận điều tra; kết luận này được chuyển sang Viện Kiểm sát Nhân dân để cơ quan này xem xét và ra quyết định truy tố. Tòa án Nhân dân sẽ dựa vào quyết định truy tố, kết luận điều tra và dựa trên quá trình xét hỏi, tranh luận và diễn biến phiên toà để tiến hành xét xử và ra phán quyết.

Việc xét xử có thể kéo dài nhiều năm, do trong quá trình tố tụng sẽ có các giai đoạn gia hạn điều tra, điều tra bổ sung…

Lawyer_Nguyễn Thanh Hà

PV: Hiện tại, Bộ Luật Hình sự 2015 đã được thông qua nhưng chưa có hiệu lực, đồng nghĩa Bộ Luật Hình sự 1999 (sửa đổi 2009) vẫn đang có giá trị. Vậy với trường hợp của Tập đoàn Mường Thanh, nếu quá trình tố tụng kéo dài trong nhiều năm (vượt qua thời điểm Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực) thì sẽ áp dụng quy định của Bộ luật nào?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện. Đây là quy định về hiệu lực thời gian đối với việc áp dụng bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, Bộ luật hình sự cũng sẽ áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội

PV: Bộ Luật Hình sự 1999 (sửa đổi 2009) mới chỉ quy định khởi tố cá nhân. Vậy phải hiểu việc khởi tố Tập đoàn Mường Thanh như thế nào?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Bộ Luật Hình sự mới được Quốc hội thông qua đã quy định thêm chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân. Chế tài với pháp nhân có thể là phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Tuy nhiên, Bộ luật này vẫn chưa có hiệu lực, với quy định hiện hành, chỉ có cá nhân chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, nếu khởi tố vụ án thì thông thường những cá nhân có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

PV: Như vậy, nhiều khả năng sẽ khởi tố đối với các cá nhân trong Tập đoàn Mường Thanh?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Điều này phải căn cứ vào quá trình tố tụng và đặc biệt là tại giai đoạn điều tra của cơ quan công an. Nếu thấy đủ chứng cứ phạm tội của các cá nhân liên quan cùng với việc xem xét và phân tích các chứng cứ, xem xét động cơ phạm tội, hậu quả của hành vi vi phạm, hoàn cảnh kinh tế, xã hội và các yếu tố khác thì cơ quan điều tra mới ra quyết định là có khởi tố bị can hay không.

Sau khi có quyết định khởi tố bị can, cơ quan điều tra sẽ xem xét xem có áp dụng biện pháp ngăn chặn hay không, các biện pháp ngăn chặn có thể là tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú.

Việc khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cần có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát Nhân dân.

Nói chung, đây là một giai đoạn tố tụng then chốt và thông thường, các cơ quan như điều tra và viện kiểm sát sẽ rất thận trọng và phải tuân thủ triệt để các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Việc xem xét khởi tố ai trong doanh nghiệp tại thời điểm này còn quá sớm.

Nguồn: http://vietnamfinance.vn/do-thi/nen-hieu-nhu-the-nao-ve-viec-khoi-to-tap-doan-muong-thanh-20170706125611527.htm

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan