Muốn nhập khẩu mặt hàng thực phẩm cho sức khỏe từ Mỹ về Việt Nam, phải làm gì?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trong Chương trình Luật sư tháng 5 về vấn đề nhập khẩu mặt hàng thực phẩm cho sức khỏe từ nước ngoài về Việt Nam. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi: Tôi muốn nhập khẩu mặt hàng thực phẩm cho sức khỏe từ Mỹ về Việt Nam. Vậy tôi có cần phải thành lập công ty hay không và các thủ tục của tôi ở bên Mỹ cần những giấy tờ gì, về phía Việt Nam tôi cần phải chuẩn bị giấy tờ như thế nào?

Trả lời:

Thứ nhất, về việc Thành lập công ty kinh doanh thực phẩm:

Việc có phải thành lập công ty khi nhập khẩu mặt hàng thực phẩm cho sức khỏe vào Việt Nam hay không, phụ thuộc vào pháp luật Mỹ và pháp luật Việt Nam. Bạn cần tham khảo luật pháp Mỹ để có thông tin về việc xuất khẩu mặt hàng thực phẩm này từ Mỹ ra nước ngoài.

Pháp luật Việt Nam không quy định điều kiện kinh doanh thực phẩm cho sức khỏe phải thành lập công ty, kể cả việc nhập khẩu sản phẩm này vào Việt Nam. Theo Luật An toàn thực phẩm năm 201 hàng hóa nhập khẩu cần có đủ các điều kiện an toàn theo quy định tại Điều 38 Luật này (trình bày dưới đây).

Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có rất nhiều công ty nhận ủy thác xuất nhập khẩu. Bạn có thể cân nhắc việc ủy thác nhập khẩu cho các công ty này, họ sẽ giúp bạn thực hiện các thủ tục nhập khẩu hàng hóa.

Thứ hai, một số giấy tờ cần lưu ý đối với mặt hàng nhập khẩu là thực phẩm:

Thủ tục hải quan để nhập khẩu hàng hóa theo quy định của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan

Trong trường hợp bạn ủy thác nhập khẩu cho công ty khác, công ty đó sẽ giúp bạn chuẩn bị các giấy tờ cần thiết của thủ tục hải quan.

Mặt hàng bạn muốn nhập khẩu là thực phẩm cho sức khỏe, cần đáp ứng những điều kiện nhất định. Điều 38 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu gồm:

Điều 38. Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu:

1. Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu phải tuân thủ các điều kiện tương ứng quy định tại Chương III của Luật này và các điều kiện sau đây:

a) Phải được đăng ký bản công bố hợp quytại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi nhập khẩu;

b) Phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu”đối với từng lô hàng của cơ quan kiểm tra được chỉ định theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.

2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm đã qua chiếu xạphải có giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc giấy chứng nhận y tếtheo quy định của Chính phủ.

3. Trong trường hợp Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu thì áp dụng theo thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Như vậy, theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm nhập khẩu nói chung phải được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế), phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu”. Với thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; … cần phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc giấy chứng nhận y tế. Đặc biệt, với các thực phẩm chức năng, cần có thông tin, tài liệu khoa học chứng minh về tác dụng của thành phần tạo nên chức năng đã công bố và báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng của sản phẩm theo quy định tại Điều 14 Luật An toàn thực phẩm.

Lưu ý: theo quy định tại Biểu Cam kết WTO thì nhà đầu tư nước ngoài có quyền đầu tư vào hoạt động buôn bán hàng hoá tại Việt Nam, nhưng vẫn chịu hạn chế về loại hàng hoá được quyền buôn bán (phân phối) tại Việt Nam. Về loại hàng hoá không được phép phân phối tại Việt Nam, và phân phối theo lộ trình tại Việt Nam, bạn có thể tham khảo tại Biểu cam kết WTO và Thông tư 34/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan