Mua dự án đang thế chấp, khách hàng nên làm gì?

Nội dung bài viết

Trong bài “Mua dự án đang thế chấp, khách hàng nên làm gì?” đăng trên báo VTC News, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

(VTC News) – Dự án bất động sản bị thế chấp, khách hàng có nên mua những dự án này không và làm gì để không bị “tiền mất tật mang” khi mua nhà đất?

Trong trường hợp này, LS Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, người từng tư vấn giải quyết nhiều tranh chấp tại các chung cư ở Hà Nội phân tích, ở góc độ pháp lý, khoản 1, Điều 147 Luật Nhà ở năm 2014 quy định, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Việc thế chấp để vay vốn đầu tư dự án là hoạt động bình thường của DN, chủ đầu tư và được pháp luật cho phép.

Nhưng Điều 147 cũng có quy định ràng buộc khác, cụ thể: Nếu chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán hoặc cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, ngoại trừ trường hợp được bên mua, góp vốn, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý.

Việc xác định nhà ở đã được giải chấp trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng theo quy định tại khoản này được nêu rõ trong văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở.

Như vậy, pháp luật đã có quy định cụ thể về việc thế chấp dự án và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua nhà. Trường hợp người mua nhà biết dự án đã bị thế chấp nhưng vẫn đồng ý mua dù chưa giải chấp sẽ phải chịu nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Vì vậy, nhằm tránh rủi ro, trước hết, người mua nhà hoặc những người muốn mua nhà trong tương lai cần trang bị dần các kiến thức, hoặc có thể tính tới việc thuê luật sư riêng (nếu có điều kiện) để giúp mình an tâm trong mọi giao dịch dân sự, kể cả việc mua nhà.

Đại diện luật sư riêng sẽ làm việc với chủ đầu tư về việc có thế chấp dự án, ngôi nhà đang mua bán hay không. Trong trường hợp có thì cần phải giải chấp theo đúng quy định của pháp luật.

Nếu người mua nhà vẫn quyết định mua nhà đang thế chấp mà không cần giải chấp thì phải tuyệt đối cẩn trọng, nên lựa chọn nhà đầu tư thật sự uy tín và có tiềm năng tài chính phù hợp.

Nguồn: https://vtc.vn/mua-du-an-dang-the-chap-khach-hang-nen-lam-gi-d370658.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan