Mở rộng quyền kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp năm 2014

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn về vấn đề mở rộng quyền kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp năm 2014. Dưới đây là nội dung chi tiết:

  1. Theo luật DN 2014, không phải liệt kê ngành nghề KD trong giấy chứng nhận đăng ký KD ("được KD những gì pháp luật ko cấm") như luật cũ. Luật sư đánh giá như thế nào về bước chuyển này?

Luật sư trả lời:

Điều 29 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về những nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký chứng nhận đăng ký doanh nghiệp gồm:

1. Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp.

  1. Địa chỉ trụ sở chính củadoanh nghiệp.
  2. Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ doanh nghiệp đối vớidoanh nghiệp tư nhân; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp phápkhác của thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.
  3. Vốn điều lệ”.

Như vậy, so với Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) không có phần liệt kê các ngành nghề mà DN đăng ký hoạt động.

Quy định này là bước tiến trong việc thừa nhận tính hợp pháp của mọi hoạt động mà pháp luật không cấm và không hạn chế đối với DN, ít nhiều tạo lợi thế cạnh tranh hơn về mặt hình thức cho các DN được thành lập trong nước và khuyến khích đầu tư trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, quy định này cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề trong thực tế.

Đơn cử như: Việc bỏ phần thông tin ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ làm cho các DN mò mẫm tìm đối tác uy tín cho mình, đồng thời tạo cơ hội để hình thành những DN ma, DN kém chất lượng, làm giảm sút tính lành mạnh của môi trường kinh doanh.

Trong trường hợp DN kinh doanh ngành nghề có điều kiện, đòi hỏi phải được cấp các giấy phép con mới có thể đi vào hoạt động, thì việc không có thông tin về ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ sẽ phần nào gây lúng túng cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách từng lĩnh vực,

Giấy chứng nhận đăng ký DN không có phần liệt kê các ngành nghề DN đăng ký hoạt động cũng gây khó khăn cho công tác quản lý thị trường và vấn đề hậu kiểm, thống kê các DN sau khi đã thành lập. Các cá nhân, tổ chức muốn trích xuất thông tin về ngành nghề kinh doanh của DN khác sẽ phải mất thời gian, chi phí cho thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin tại Sở KH-ĐT. Từ đó làm ảnh hưởng đến sự minh bạch trong kinh doanh.

  1. Tuy nhiên, thực tế là DN vẫn phải khai báo những ngành nghề KD chính vào một tờ giấy khai báo khác (không phải giấy đăng ký KD). Việc này có đi ngược với tinh thần cải cách của luật DN 2014 hay không?

Luật sư trả lời:

Mặc dù, nội dung giấy chứng nhận đăng ký DN quy định tại Điều 29 không nêu thông tin về ngành nghề kinh doanh của DN, nhưng theo quy định tại Điều 24 và Điều 32 của Luật Doanh nghiệp 2014:

Điều 24. Nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp

1. Tên doanh nghiệp.

2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có).

3. Ngành, nghề kinh doanh.

4. Vốn điều lệ; vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân.

…………………………………………………………………..

Điều 32. Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp

  1. Doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi về một trongnhững nội dung sau đây:

a) Thay đổi ngành, nghề kinh doanh;

b) Thay đổi cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết;

c) Thay đổi những nội dung khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp ”.

Căn cứ theo các quy định trên, có thể thấy sự thay đổi ở đây không khác biệt nhiều so với luật cũ, DN vẫn phải khai báo thông tin ngành nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập và thực hiện thủ tục thông báo thay đổi, bổ sung ngành nghề.

Như vậy, việc không ghi ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không phải là một quy định “thoáng” hơn so với luật cũ, mà tinh thần của điều luật này cần phải được hiểu là nhằm thực hiện lộ trình chuyển tải các thông tin doanh nghiệp (trong đó có thông tin về ngành nghề đăng ký kinh doanh) về một đầu mối thống nhất là Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc tra cứu thống nhất và dễ dàng các thông tin về doanh nghiệp cũng như giảm tải các công việc giấy tờ của các cơ quan nhà nước, từ đó phục vụ doanh nghiệp tốt hơn.

  1. Về bổ sung ngành nghề kinh doanh, hiện nay DN đang gặp khó khăn về thủ tục như thế nào?

(Vì thực tế, có DN kêu rằng, việc chỉ phải ghi một vài ngành nghề chính khi đăng ký KD là một bước tiến, tiệm cận với quy trình của thế giới. Nhưng ở VN, việc bổ sung ngành nghề lại là vấn đề khó khăn và đang hành DN vì rất nhiều thủ tục không cần thiết, và rườm rà) --> Luật sư đánh giá quy trình bổ sung ngành nghề kinh doanh hiện nay như thế nào? Có ví dụ nào không?

Luật sư trả lời:

Trong quá trình hoạt động, với mục đích muốn mở rộng quy mô kinh doanh, các chủ doanh nghiệp muốn bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh nhưng lại luôn gặp khó khăn trong vấn đề thủ tục hồ sơ.

Theo quy định tại Điều 32 Luật doanh nghiệp 2014 khi doanh nghiệp muốn bổ sung, thay đổi ngành nghề kinh doanh vẫn phải thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh bình thường như trước đây.

Hồ sơ bổ sung ngành nghề kinh doanh:

  • Thông báo bổ sung ngành nghề kinh doanh (Điều 49 Nghị định 78/2015/NĐ-CP);
  • Biên bản về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (đối với công ty TNHH và Công ty cổ phần);
  • Quyết định về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
  • Tài liệu khác đối với ngành nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện.
  • Đối với ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định doanh nghiệp phải đăng ký vốn điều lệ công ty bằng hoặc lớn hơn vốn pháp định cho lĩnh vực hoạt động có trong đăng ký kinh doanh.
  • Đối với ngành nghề kinh doanh yêu cầu chứng chỉ hành nghề doanh nghiệp phải đảm bảo trong quá trình hoạt động có đủ chứng chỉ hành nghề (nếu không là thành viên công ty cần lưu kèm Hợp đồng lao động và quyết định bổ nhiệm chức danh tương ứng và hồ sơ nhân sự của người lao động theo quy định của pháp luật lao động).

Lưu ý về việc áp mã ngành kinh tế Việt Nam trong hồ sơ bổ sung ngành nghề kinh doanh

  • Đối với ngành nghề được quy định trong mã ngành kinh tế Việt Nam được quy định tại Quyết định 337/2007 và Quyết định 10/2007 khi bổ sung thay đổi ngành nghề kinh doanh doanh nghiệp phải thực hiện áp mã ngành nghề kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp theo mã ngành cấp 4;
  • Đối với mã ngành thực hiện theo pháp luật chuyên ngành: doanh nghiệp ghi nhận ngành nghề theo văn bản pháp luật chuyên ngành và sau đó tìm mã tương ứng áp vào mã ngành cấp 4 trong hồ sơ bổ sung, thay đổi ngành nghề kinh doanh.
  • Đối với ngành nghề có chứng chỉ hành nghề: doanh nghiệp tìm mã tương ứng áp vào mã ngành cấp 4 trong hồ sơ bổ sung, thay đổi ngành nghề kinh doanh.

Do đó, thực tế, khi bổ sung ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp phải liệt kê toàn bộ ngành nghề kinh doanh của mình ra và đồng thời tự áp mã ngành nghề kinh doanh đó theo quy định dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp cho biết: họ gặp khó khăn khi doanh nghiệp của họ bổ sung thêm ngành thương mại điện tử. Rà soát mãi họ mới thấy mã ngành tương ứng là 6312 là Cổng thông tin chi tiết hóa là thành lập trung tâm điện tử tổng hợp. Tuy nhiên, cơ quan đăng ký kinh doanh đã trả hồ sơ về vì cho rằng doanh nghiệp của họ áp không đúng mã ngành và phải chỉnh sửa thành mã số 8299 (hoạt động hỗ trợ kinh doanh khác còn lại chưa được phân vào đâu).

  1. Giữa luật DN 2014 và thực tiễn triển khai đang có độ vênh, và đang có khoảng cách khá xa. Vậy theo luật sư, làm thế nào thu hẹp khoảng cách giữa luật và thực tiễn? Và DN cần phải làm gì?

Luật sư trả lời:

Để đưa Luật Doanh nghiệp 2014 vào thực tiễn cuộc sống, phát huy tối đa những tác động tích cực từ các nội dung cải cách, điều quan trọng đầu tiên là cách thức quản lý của công chức nhà nước phải thay đổi. Bởi nhiều công chức Việt Nam còn bị động, sợ trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cách thức quản lý phải dựa trên thông tin. Khi đó, chúng ta phải đi thu thập thông tin, phải biết được loại thông tin nào cần thu thập, lưu giữ và phân tích thông tin để nó đáp ứng nhu cầu của việc quản lý, đó là quản lý dựa trên rủi ro, dựa trên tiếp quản.

Đặc biệt, điều quan trọng là cần phải đổi mới tư duy vì với Luật mới thì cách thức quản lý phải hoàn toàn thay đổi. Đó là phải quản lý theo nhu cầu của doanh nghiệp, chứ không phải quản lý theo sự áp đặt của cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2014 đã trao cho doanh nghiệp nhiều quyền lợi nên họ cần chủ động, tích cực sử dụng tối đa những quyền này để tạo hiệu quả cơ hội kinh doanh, cũng như bảo vệ tốt các quyền và lợi ích của mình.

Vai trò của doanh nghiệp cũng hết sức quan trọng trong việc tham mưu, kiến nghị và phối hợp triển khai thi hành Luật, góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh năng động, linh hoạt, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay nhiều doanh nghiệp không chú ý đến vấn đề này mà bị động làm theo, khiến ý nghĩa cải cách của Luật bị giảm. Do đó, vai trò của các đơn vị tư vấn pháp lý, các luật sư rất quan trọng trong việc đưa các nội dung đổi mới của Luật Doanh nghiệp 2014 vào thực tiễn cuộc sống.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan