Lập công ty liên doanh đại lý vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Bên tôi muốn thành lập 1 công ty liên doanh với công ty nước ngoài với ngành nghề kinh doanh “Đại lý dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không”

Vậy bên tôi phải làm những thủ tục gì?

Luật sư tư vấn: Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi.

Liên quan đến thắc mắc của bạn về việc thành lập công ty liên doanh kinh doanh vận tải hàng không,

Chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, ngành nghề kinh doanh cho Công ty mà bạn muốn thành lập và liên doanh với nước ngoài:

Ngành nghề “Đại lý dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không” theo Biểu cam kết Thương mại dịch vụ của Việt Nam sau khi gia nhập WTO, có thể được phân loại vào các phân ngành sau:

– Dịch vụ thông tin có phân ngành dịch vụ chuyển phát (CPC 7512)

– Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa (CPC 748)

Đối với Dịch vụ thông tin có phân ngành dịch vụ chuyển phát (CPC 7512), theo quy định trong Biểu cam kết Thương mại dịch vụ của Việt Nam sau khi gia nhập WTO, thì “trong vòng 5 năm sau khi gia nhập thì tỷ lệ vốn góp từ phía nước ngoài trong liên doanh có thể bị hạn chế ở mức 51%. 5 năm sau khi gia nhập, sẽ cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài”.

Tức là từ khoảng thời điểm 11/01/2007 cho đến 11/01/2012 thì tỷ lệ vốn góp từ phía nước ngoài có thể bị hạn chế, nhưng sau 11/01/2012 thì sẽ không hạn chế tỷ lệ vốn góp.

Đối với Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa (CPC 748) thì Biểu cam kết quy định rằng: “Kể từ ngày gia nhập cho phép thành lập liên doanh, trong đó tỷ lệ vốn nước ngoài không được vượt quá 51%. Sau 7 năm kể từ ngày gia nhập (tức là sau 11/01/2015) sẽ không hạn chế tỷ lệ vốn góp.”

Như vậy cho đến thời điểm hiện tại, thì khi bạn muốn thành lập một công ty liên doanh với đối tác nước ngoài, sẽ không phải chịu một hạn chế nào về tỷ lệ vốn góp.

Thứ hai, theo quy định tại Khoản 2 Điều 109 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006:

“2. Kinh doanh vận chuyển hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện và do doanh nghiệp vận chuyển hàng không (sau đây gọi là hãng hàng không) thực hiện” và để được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không thì phải đáp ứng các điều kiện sau (Điều 110):

“1. Doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà ngành kinh doanh chính là vận chuyển hàng không;

b) Có phương án bảo đảm có tàu bay khai thác;

c) Có tổ chức bộ máy, có nhân viên được cấp giấy phép, chứng chỉ phù hợp bảo đảm khai thác tàu bay, kinh doanh vận chuyển hàng không;

d) Đáp ứng điều kiện về vốn theo quy định của Chính phủ;

đ) Có phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không phù hợp với nhu cầu của thị trường và quy hoạch, định hướng phát triển ngành hàng không;

e) Có trụ sở chính và địa điểm kinh doanh chính tại Việt Nam.

2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và các điều kiện sau đây:

a) Bên nước ngoài góp vốn với tỷ lệ theo quy định của Chính phủ;

b) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là công dân Việt Nam và không quá một phần ba tổng số thành viên trong bộ máy điều hành là người nước ngoài.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

4. Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không phải nộp lệ phí …”.

Thứ ba, về thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không được quy định cụ thể tại Điều 10 Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng như sau:

– Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không:

1. Người đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin trong hồ sơ.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản chính văn bản xác nhận vốn;

c) Sơ đồ bộ máy tổ chức của doanh nghiệp;

d) Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm, hợp đồng lao động, bản sao văn bằng, chứng chỉ chuyên môn của những người phụ trách quy định tại Điều 7 Nghị định này;

đ) Hợp đồng nguyên tắc hoặc thỏa thuận về việc mua, thuê mua hoặc thuê tàu bay;

e) Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp ….”.

Ngoài ra, đối với việc bạn có nhu cầu liên doanh với đối tác nước ngoài thì cần có:

+ Hợp đồng hợp tác kinh doanh của công ty liên doanh với đối tác nước ngoài;

+ Lập giải trình về điều kiện tài chính và cơ sở máy móc kỹ thuật để làm đề án xin thành lập công ty liên doanh nước ngoài;

+ Biên bản họp công ty về việc góp vốn của sáng lập viên công ty liên doanh;

+ Giấy chứng nhận góp vốn cho từng cổ đông công ty liên doanh;

– Thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không:

3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thẩm định.

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam phải có văn bản trả lời người đề nghị và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định”.

– Quyết định cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không:

4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không chấp thuận kết quả thẩm định thì có văn bản trả lời Cục Hàng không Việt Nam và nêu rõ lý do.

5.Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Tờ trình của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung.

6. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

7. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp giấy phép, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không phải đăng tải trên báo 03 số liên tiếp các nội dung của giấy phép”.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan