Làm thế nào để vạch mặt kẻ xâm hại tình dục con, em mình?

Nội dung bài viết

(Dân Việt) Thời gian qua, xuất hiện một số vụ xâm hại tình dục trẻ em, khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Nhưng cũng rất lúng túng không biết xử lý thế nào để vạch mặt, chỉ tên kẻ phạm tội. Để giải đáp những băn khoăn này, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW).

– Thưa luật sư, nếu phát hiện con em có dấu hiệu bị xâm hại tình dục thì các phụ huynh sẽ phải tố giác đến cơ quan nào?

Xâm hại tình dục trẻ em đang là nỗi quan tâm, bức xúc của nhiều gia đình. Xâm hại tình dục trẻ em thể hiện qua các hành vi như: hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, dâm ô với trẻ em… Các tội phạm này đều có đặc điểm chung là xâm phạm đến sức khỏe, sự phát triển bình thường về sinh lý, thể chất, danh dự, phẩm giá, đồng thời xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về tình dục của trẻ em.

Hành vi xâm hại tình dục trẻ em là cú sốc lớn về tâm lý cho con trẻ, cú sốc đó có khi là nỗi ám ảnh suốt cả cuộc đời. Nhiều vụ việc đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, khiến trẻ em giảm sút sức khỏe, suy nhược thần kinh, hoảng sợ, bỏ học… ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý một cách bình thường của trẻ.

Trong từng trường hợp phạm tội, tùy thuộc vào hành vi phạm tội cụ thể, tương ứng với mỗi tội danh mà Bộ luật Hình sự quy định mức hình phạt khác nhau.

Bởi vậy, khi phát hiện con em mình có dấu hiệu bị xâm hại tình dục thì mọi người phải có trách nhiệm tố giác tội phạm.

Điều 101, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác; cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản.”

Như vậy, ngoài cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, nếu phát hiện con em bị xâm hại tình dục công dân có thể tố giác đến UBND, các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc…các cơ quan, tổ chức này khi nhận được tố giác sẽ có trách nhiệm báo tin cho Cơ quan điều tra.

– Không ít trường hợp sau khi thấy con em mình có dấu hiệu bất thường, khi hỏi lại lúc đó cha mẹ mới biết con em mình bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên không ít người cho rằng không có gì làm bằng chứng nên không dám tố cáo.Vậy làm thế nào để vạch mặt được kẻ xấu?

Theo quy định tại Điều 10, Bộ luật Tố tụng hình sự thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Như vậy việc xác định một người có tội hay vô tội sau khi có đơn tố giác tôi phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án) thông qua việc thu thập chứng cứ (gồm: Vật chứng; lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; kết luận giám định; biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác) và đánh giá chứng cứ. Tất cả dấu vết, tài liệu, hình ảnh… là nguồn chứng cứ để từ đó chứng cứ được hình thành và mang giá trị chứng minh.

Như vậy việc thu thập chứng cứ từ rất nhiều nguồn, có thể là từ lời kể của người chứng kiến sự việc xảy ra; những hình ảnh từ camera; kết luận giám định…

Từ những quy định trên, khi thấy con em mình có dấu hiệu bị kẻ xấu xâm hại tình dục, thì mạnh dạn tố giác đến cơ quan chức năng. Việc chứng minh người bị tố giác có phạm tội hay không phạm tội thuộc về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Bằng nghiệp vụ của mình, trên cơ sở quy định của pháp luật, Cơ quan Điều tra sẽ làm sáng tỏ sự việc, xác định rõ có hay không việc phạm tội và cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng đưa kẻ phạm tội ra xử lý nghiêm, buộc tội phạm phải chịu hình phạt của pháp luật.

Để đấu tranh phòng ngừa và hạn chế loại tội phạm này một cách hiệu quả, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đồng thời cũng cần trang bị cho trẻ kiến thức và ý thức tự bảo vệ mình.

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên thực hiện.

Link bài viết: http://danviet.vn/ban-doc/lam-the-nao-de-vach-mat-ke-xam-hai-tinh-duc-con-em-minh-753087.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan