Kỳ vọng gì từ Nghị định mới về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo?

Nội dung bài viết

Trong bài “Kỳ vọng gì từ Nghị định mới về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo?” đăng trên báo The leader, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Bộ Kế hoạch và đầu tư đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo nhằm tạo lập hành lang pháp lý về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo cũng như các chính sách khuyến khích hoạt động này.

Thiếu khung pháp lý về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo

Để có thể khởi nghiệp thành công, thì vấn đề vốn luôn là điều kiện tiên quyết đối với bất kỳ một startup nào. Tuy nhiên, với bản chất rủi ro lớn của các startup, các kênh huy động vốn truyền thống như vay vốn ngân hàng hầu như không thể.

Vì vậy, các startup Việt Nam thường huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức chuyên đầu tư vào khởi nghiệp, thậm chí đầu tư vào các cá nhân/nhóm cá nhân chưa thành lập doanh nghiệp mà mới chỉ đang phát triển sản phẩm dịch vụ.

Tuy nhiên, các khoản đầu tư này lại có nhược điểm là không lớn, hạn chế sự phát triển của các startup. Vì vậy, nhu cầu huy động vốn qua các kênh như: Công ty đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư mạo hiểm… là vô cùng cấp thiết để cung cấp nguồn lực nuôi dưỡng thành công các ý tưởng đổi mới sáng tạo.

Theo ghi nhận của Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, chưa xác nhận địa vị pháp lý, mô hình tổ chức, hoạt động, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ các bên liên quan.

Dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư muốn thành lập một công ty chuyên đi đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng khó vì chưa được quy định ở văn bản nào. Do đó, từ giữa năm 2014 đến nay, chỉ có một số nhà đầu tư thành lập công ty theo Luật Doanh nghiệp để thực hiện hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, cũng qua khảo sát thực tiễn, hiện có nhiều nhà đầu tư tư nhân có nhu cầu góp vốn hình thành quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có khung pháp lý quy định thành lập các quỹ đầu tư chứng khoán theo Luật Chứng khoán.

Nhiều công ty startup muốn huy động vốn từ các “nhà đầu tư thiên thần” hoặc các quỹ đầu tư nước ngoài hiện nay còn vướng về thủ tục đầu tư, vì quy trình góp vốn từ nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp này phải theo quy trình của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, điều này tốn khá nhiều thời gian và mất cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp mô hình này.

Sẽ có nghị định quy định chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo

Trước nhu cầu của thực tiễn và yêu cầu cụ thể hóa Điều 18 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang tiến hành soạn thảo Nghị định quy định chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.

Nghị định ban hành nhằm xác định địa vị pháp lý của các công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo mà hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay chưa quy định.

Bên cạnh đó, nghị định cũng đặt ra nguyên tắc chung cho các bên liên quan bao gồm: nhà đầu tư là cá nhân và tổ chức; các công ty khởi nghiệp sáng tạo trong hoạt đồng đầu tư; khuyến khích, định hướng đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác với các hoạt động đầu tư khác; …

Theo dự thảo nghị định gồm có 6 chương: Chương I – quy định chung; Chương II – quy định các nội dung về công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; Chương III – quy định về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; Chương IV – quy định cơ chế đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng ngân sách nhà nước; Chương V – quy định về quản lý nhà nước đối với đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; Chương VI – quy định về nội dung tổ chức thực hiện nghị định.

Kỳ vọng gì từ nghị định mới

Với tư cách là một nhà huấn luyện pháp lý cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các chương trình như Shark Tank, Topica Founder Institue, We create Vietnam, tôi kỳ vọng rằng Nghị định mới phải đáp ứng được những yêu cầu sau:

Nghị định phải đi vào thực chất, không nên đưa ra những quy định chung chung mà cần đưa ra được định nghĩa thế nào là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, từ đó có cơ chế hỗ trợ về thuế, về đào tạo nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tốt lên.

Nên học kinh nghiệm từ nước ngoài như từ thung lũng Silicon, Singapore, Irael về những cách làm và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp start up, ví dụ như có hỗ trợ từ các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư chính phủ nếu dự án thực sự là sáng tạo và được thị trường chấp nhận.

Một quốc gia có điều kiện kinh tế và xã hội gần với Việt Nam như Trung Quốc, họ cũng đã có những chính sách hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp công nghệ, phần lớn các tập đoàn công nghệ như Alibaba đều có được sự hậu thuẫn rất tốt từ Chính phủ nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển của doanh nghiệp.

Sự hỗ trợ của nhà nước nên là những việc làm cụ thể như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết với doanh nghiệp, xây dựng được một chương trình đào tạo nguồn nhân lực tốt, còn những hỗ trợ về tài chính thì nên để các quỹ đầu tư tư nhân làm, sẽ hiệu quả hơn.

Việc ban hành một Nghị định chuyên về startup có một ý nghĩa lớn với cộng đồng khởi nghiệp công nghệ cao và hy vọng nghị định sẽ sớm ban hành và phát huy được giá trị của nó.

Nguồn: http://theleader.vn/ky-vong-gi-tu-nghi-dinh-moi-ve-dau-tu-khoi-nghiep-sang-tao-20171008071113089.htm

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan