Huyện uỷ, Uỷ ban nợ hơn 50 tỉ tiền ăn uống: Hành vi lợi dụng chức vụ để trục lợi?

Nội dung bài viết

Trên báo điện tử Luật sư Việt Nam Online, Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW) đã có những trao đổi liên quan đến khoản vay nợ hơn 50 tỷ đồng của Huyện ủy, UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa).

Liên quan đến khoản tiền vay nợ hơn 50 tỉ đồng của Huyện uỷ, UBND huyện Yên Định (Thanh Hoá), một số chuyên gia pháp lý đặt ra câu hỏi có hay không việc cán bộ nhà nước móc nối nhau, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi từ người khác”

Vừa qua, báo chí đưa thông tin phản ánh về việc Huyện uỷ, UBND huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã vay tiền của các cá nhân trong và ngoài cơ quan để tiếp khách, ăn uống, sửa xe, mua sắm thiết bị… với tổng số lên đến 52 tỉ đồng.

Ông Lưu Vũ Lâm – Chủ tịch UBND huyện Yên Định xác nhận có việc Huyện ủy, UBND huyện Yên Định vay nợ nhiều cá nhân trong và ngoài cơ quan, với số tiền hơn 52 tỉ đồng. Trong đó, Huyện ủy nợ 29 tỉ, UBND huyện nợ 23 tỉ.

Theo ông Lâm, số nợ nay chủ yếu tập trung vào các năm từ 2013 đến năm 2015, do lãnh đạo huyện Huyện ủy và UBND thời điểm đó vay.

Cần làm rõ trách nhiệm những người liên quan đến khoản vay hơn 50 tỉ đồng của Huyện uỷ và UBND huyện Yên Định.

Thể hiện sự không minh bạch?

Mặc dù xảy ra trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2015 nhưng cho đến nay thông tin này mới được đưa ra khi cơ cấu bộ máy quản lý huyện Yên Định đã có sự thay đổi. Thời điểm đó, ông Hoàng Cao Thắng làm Bí thư Huyện ủy; bà Ngô Thị Hoa làm Chủ tịch UBND huyện.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho biết, để trường hợp này tồn tại đến thời điểm hiện tại trước tiên cần xem xét tính minh bạch trong việc sử dụng ngân sách cấp cho Huyện cũng như việc quản lý thu chi tại địa phương này.

Theo điểm b khoản 3 Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 thì: “Ủy ban nhân dân các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách cấp mình, định kỳ báo cáo Thường trực HĐND và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất”.

Điểm c khoản 1 Điều 15 Luật này cũng quy định: “Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước, kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước phải được công khai chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày văn bản được ban hành.

Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước hằng quý, 06 tháng phải được công khai chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc quý và 06 tháng”.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW.

Như vậy, khi đã được thông qua định mức ngân sách hằng năm thì mức chi tiêu sẽ phải nằm trong khoảng đó. Việc vay mượn lên đến con số 52 tỷ đồng đặt ra câu hỏi có hay không việc cán bộ nhà nước móc nối nhau, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi từ người khác.

Bày tỏ quan điểm về việc này, Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa đưa ra nhận định: “Để xảy ra sự việc một cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, cơ quan có chức năng thực hành pháp luật, quản lý hành chính tại địa phương nợ tiền các cá nhân với con số rất lớn (52 tỷ đồng) và chậm thanh toán, chần chừ chưa giải quyết được thể hiện sự không minh bạch, làm việc chưa tuân theo pháp luật”.

Có mục đích vụ lợi?

Cũng theo vị Chủ tịch huyện đương chức, số nợ trên là do các lãnh đạo thời điểm đó vay để sử dụng vào các công việc của cơ quan và không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Một số trường hợp cho vay đã được huyện trích tiền tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên để trả, số còn lại không thể giải quyết được.

Theo Luật sư Tùng, thì việc đi vay tiền và cho vay tiền giữa UBND huyện và Huyện ủy đối với các cá nhân là quan hệ dân sự. Hai bên đều bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Dân sự. Vì thế, bên vay phải có trách nhiệm thanh toán khoản tiền vay của mình hay còn gọi là tiền gốc, ngoài ra có thể phải thanh toán cả khoản lãi nếu hai bên có thỏa thuận về lãi suất.

Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa.

“Trách nhiệm trả nợ cho các cá nhân là không thể chối cãi hay né tránh được”, Luật sư Tùng nhấn mạnh.

Theo trả lời của Chủ tịch UBND huyện đương nhiệm thì số tiền nợ hơn 50 tỷ đồng hiện tại thì địa phương không thể chi trả vì không có hóa đơn chứng từ. Do lãnh đạo các nhiệm kỳ trước đó tiến hành vay chi tiêu cho cơ quan nhưng lại là khoản vay không rõ ràng, không hóa đơn chứng từ. “Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây liệu có mục đích vụ lợi, lợi dụng việc chi tiêu dùng để móc nối làm giá hoặc cố ý làm trái nhiệm vụ quyền hạn để trục lợi của các cán bộ nhiệm kỳ đó hay không? Hay có hành vi sử dụng lãng phí tài sản công hay không?”. Luật sư Tùng nói.

Luật sư Tùng cũng kiến nghị, cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên cần phải nhanh chóng vào cuộc lập đoàn thanh tra để làm rõ các vấn đề liên quan đến hoạt động vay nợ chi tiêu như đã nêu hay không? Khoản tiền hiện nay chưa thể chi trả được là cơ quan vay hay cá nhân lãnh đạo vay? Có hay không hành vi lợi dụng danh nghĩa cơ quan vay tiền để trục lợi cho cá nhân…?.

Trường hợp là cá nhân vay tiền (tức là cán bộ lãnh đạo thời đó vay, không đủ chứng minh là của cơ quan vay) thì trách nhiệm trả nợ sẽ thuộc về cá nhân.

Trường hợp là UBND huyện và Huyện ủy vay tiền thì cần phải thanh tra thật kỹ về hoạt động chi tiêu.

“Trường hợp cán bộ có các hành vi trục lợi thì cần phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiến hành điều tra, khởi tố và xử lý các hành vi có dấu hiệu phạm tội như: Tham ô tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc xử lý về hành vi Gây lãng phí tài sản công,…”. Luật sư Tùng nói.

Được biết, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có chỉ đạo huyện Yên Định xác minh, làm rõ thông tin trên.

Lê Hoàng

Nguồn: https://lsvn.vn/huyen-uy-uy-ban-no-hon-50-ti-tien-an-uong-hanh-vi-loi-dung-chuc-vu-de-truc-loi.html?fbclid=IwAR0ggbvl3H3NKxPKQdulDA6mfU9UiBcyGW7gcddadL6Q4whCv3CqVlG2F6Q

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan