Hàng giả là hàng như thế nào?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Công ty tôi ở Hà Nội, sản xuất nước mắm và đã làm các thủ tục công bố tiêu chuẩn chất lượng. Gần đây, cơ quan quản lý thị trường kiểm tra và lấy mẫu nước mắm đi giám định và cho biết nếu các chỉ tiêu chất lượng không giống như công bố sẽ bị coi là hàng giả. Xin cho tôi hỏi: Thế nào là hàng giả? Quy định trong văn bản nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 không có quy định hay định nghĩa về hàng giả. Luật chỉ quy định về “Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là mức độ của các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (khoản 5, Điều 3) và “Giám định là việc xem xét sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa so với hợp đồng hoặc tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng bằng cách quan trắc và đánh giá kết quả đo, thử nghiệm (khoản 11 Điều 3).

Hàng hóa (nước mắm) của công ty bạn đã công bố tiêu chuẩn chất lượng cơ sở, đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, thực hiện đúng quy chế ghi nhãn cho thấy công ty đã tuân thủ các quy định cơ bản về việc đưa hàng hóa của cơ sở sản xuất ra thị trường. Việc cơ quan quản lý thị trường đưa mẫu hàng đi giám định xem có đúng tiêu chuẩn đã công bố hay không để từ đó xác định có phải hàng giả hay không là có cơ sở.

Theo quy định tại khoản 8, Điều 3, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hàng giả được định nghĩa như sau:

Hàng giả gồm:

– Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

– Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

– Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

– Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

– Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;

– Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

– Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;

– Tem, nhãn, bao bì giả.

Đối chiếu với quy định về hàng giả thì nếu “Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa”

Điều luật không quy định “hàng hóa” là những hàng gì. Vì vậy, sản phẩm nước mắm có thể được hiểu bao hàm khái niệm “hàng hóa” trong điều luật.

Như vậy, nếu sản phẩm nước mắm của Công ty bạn sau khi giám định chỉ đạt 70% các đặc tính kỹ thuật cơ bản so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố thì hoàn toàn có thể bị coi là hàng giả và phải chịu các chế tài tương ứng của pháp luật.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan