Hà Nội đề xuất chia sẻ dữ liệu dân cư

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã nêu quan điểm về đề xuất chia sẻ dữ liệu dân cư trên báo CafeF. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chính quyền thành phố đã đề xuất Chính phủ cho thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư. Xin ông cho biết cơ sở pháp lý nào để Hà Nội đưa ra đề xuất như vậy?

Trả lời:

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội ngày 2/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ cho Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư các ngành ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác.

Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định:

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về căn cước công dân Việt Nam, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin và là bộ phận của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cơ quan quản lý căn cước công dân là cơ quan chuyên trách thuộc Công an nhân dân, làm nhiệm vụ quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Cơ quan quản lý căn cước công dân là cơ quan chuyên trách thuộc Công an nhân dân, làm nhiệm vụ quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Bộ Công an hiện nay đang xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu này là việc cập nhật thông tin chứng minh thư của người dân vào trong hệ thống. Từ trước đến nay việc này được quản lý rời rạc, nhưng bây giờ được đưa vào hệ thống quản lý.

Đưa vào hệ thống như vậy, cơ sở dữ liệu này được liên thông, chia sẻ. Như trong khi đi làm đăng ký ô tô, hay đi mua sim điện thoại… chỉ cần mở dữ liệu ra là biết thông tin thì đỡ phiền hà cho người dân.

2. Vấn đề chia sẻ dữ liệu dân cư được quy định như thế nào trong Luật Căn cước công dân và Nghị định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?

Trả lời:

Điều 10 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định rõ, CSDL về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. CSDL quốc gia về dân cư là CSDL dùng chung, do Bộ Công an quản lý.

Cơ quan quản lý CSDL chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội được khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; Công dân được khai thác thông tin của mình trong CSDL quốc gia về dân cư; tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại các điểm trên có nhu cầu khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý CSDL về dân cư theo quy định của pháp luật.

Điều 11 Nghị định 137/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân có quy định: Việc sử dụng thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của công dân.

Do đó, việc chia sẻ thông tin như trên hoàn toàn không vi phạm các quy định của pháp luật.

3. Ông có quan điểm như thế nào về đề xuất của UBND TP.Hà Nội?

Trả lời:

Như tôi đã trình bày ở trên, việc chia sẻ thông tin như trên hoàn toàn không vi phạm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất. Nếu đề xuất này được thực hiện, UBND thành phố Hà Nội cần thông báo đến người dân và cần thực hiện theo lộ trình ra sao cho phù hợp để bảo vệ quyền lợi của người dân.

Trước tiên, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cần tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân về kế hoạch của mình. Khi mà người dân thực sự hiểu được lợi ích từ việc chia sẻ thông tin cơ sở dữ liệu dân cự họ sẽ ủng hộ hoàn toàn.

Mặt khác Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội phải hoàn toàn kiểm soát được việc chia sẻ thông tin, tránh trường hợp thông tin chia sẻ bị kẻ xấu lợi dụng làm ảnh hưởng đến người dân.

4. Người dân thường phải xuất trình CMND/CCCD và khai báo các thông tin cá nhân khi làm thủ tục hành chính, giao dịch tại ngân hàng, đăng ký tham dự sự kiện, … Nếu dữ liệu công dân được chia sẻ, người dân chỉ cần cung cấp số CMND/CCCD, giúp tiết kiệm thời gian. Ông nghĩ như thế nào về ý kiến này?

Trả lời:

Việc chia sẻ thông tin cá nhân nêu trên sẽ rất thuận lợi cho người dân khi đi làm các thủ tục vì không cần phải mang nhiều giấy tờ vẫn có thể thực hiện các giao dịch bình thường.

Ví dụ: Thông thường phải xuất trình chứng minh nhân dân thì người dân chỉ cần đọc mã số định danh là có thể thực hiện các giao dịch bình thường.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan