Để thu hút được lượng vốn của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, nhiều năm qua Nhà nước ta thực hiện chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, tỷ trọng đóng góp vào GDP của khối FDI cũng ngày càng cao, tuy nhiên việc kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của một số doanh nghiệp FDI chưa thật sự tương xứng với kỳ vọng của Nhà nước đối với khối doanh nghiệp này, hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước.

Hiện Grab hoạt động tại 44 thành phố tại 7 quốc gia với hơn 780.000 đối tác tài xế trong mạng lưới.

Hiện Grab hoạt động tại 44 thành phố tại 7 quốc gia với hơn 780.000 đối tác tài xế trong mạng lưới

Tuy nhiên, việc tìm hiểu thực chất của vấn đề lỗ của doanh nghiệp không hề đơn giản, nhưng cũng không thể loại trừ hành vi chuyển giá trong hoạt động tài chính của các doanh nghiệp này.

Grab Việt Nam phản bác nghi vấn chuyển giá

Trong đơn khiếu nại Uber, Grab tới các cơ quan chức năng mới đây, Hiệp hội Taxi Hà Nội ước tính theo số liệu tự thu thập được, hai doanh nghiệp này đã chuyển khoảng 3.600 tỷ đồng ra nước ngoài mỗi năm, bình quân mỗi ngày khoảng 10 tỷ đồng.

Đáp trả cáo buộc này, bà Nguyễn Thu An – Giám đốc truyền thông Grab Việt Nam vừa cho biết, thông tin trên là hoàn sai lệch và thiếu căn cứ.

“Việc đưa ra thông tin liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh và nghĩa vụ thuế của Grab Việt Nam mà không có bằng chứng và căn cứ xác đáng là hành vi vi phạm pháp luật và gây thiệt hại đến uy tín công ty, cũng như các đối tác kinh doanh chân chính của chúng tôi”, bà An nhấn mạnh.

“Chúng tôi luôn nghiêm túc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế của mình. Việc đóng góp nghĩa vụ thuế vào ngân sách Nhà nước của Grab Việt Nam luôn tăng trưởng gần 300% mỗi năm”, đại diện Grab Việt Nam khẳng định.
Theo bà An, Grab Việt Nam là doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam, được Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM cấp giấy phép kinh doanh năm 2014. Trụ sở chính và các văn phòng đại diện của doanh nghiệp này đều đặt tại Việt Nam.

Công ty hoạt động hợp pháp theo pháp luật hiện hành. Đồng thời, toàn bộ giao dịch được thực hiện qua tài khoản Grab mở tại ngân hàng ở Việt Nam. Thêm vào đó, hệ thống giao dịch tự động và minh bạch của Grab cho phép cơ quan chức năng dễ dàng xác minh nghĩa vụ thuế chính xác tới từng chuyến xe.

“Ngoài việc thực hiện nghĩa vụ thuế của mình, trong khuôn khổ Đề án thí điểm, Grab Việt Nam còn hỗ trợ cho các đối tác vận tải trong việc kê khai, nộp thuế hàng tháng. Cơ chế phối hợp này đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý thuế của Nhà nước, chống thất thu thuế”, bà An cho biết.

Cơ quan thuế gặp khó

Chuyển giá đã được các nhà hoạch định chính sách tài chính Việt Nam xác định là một vấn đề cần được quan tâm quản lý khi mà ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu chuyển giá trong giao dịch có yếu tố nước ngoài.

Văn bản pháp lý đầu tiên đề cập đến chuyển giá là Thông tư 74/1997/TT-BTC ngày 20/10/1997 của Bộ Tài chính, hướng dẫn về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài; Thông tư 89/1999/TT-BTC ngày 16/7/1999 và Thông tư 13/2001/TT-BTC ngày 08/3/2001 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Đến tháng 5/2017, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Thông tư 41/2017/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực. Nghị định, Thông tư này là cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho công tác đấu tranh chống chuyển giá và khắc phục kịp thời những bất cập của thực tế. Qua đó, nâng cao hiệu quả đấu tranh chống chuyển giá, chống thất thu NSNN của ngành Thuế.

Tuy nhiên, trên thực tế, quy phạm pháp luật hiện hành đã có những quy định buộc các doanh nghiệp khi thực hiện các quan hệ giao dịch liên kết, phải kê khai và có nghĩa vụ xuất trình đầy đủ các thông tin, tài liệu và chứng từ, để chứng minh cho việc lựa chọn và áp dụng phương pháp xác định giá trong giao dịch liên kết là phù hợp với giá thị trường nhưng trong thực tế triển khai chính sách thuế áp dụng đối với doanh nghiệp FDI, nhất là vấn đề chuyển giá, cơ quan thuế thường gặp nhiều khó khăn vướng mắc.

Thứ nhất, cơ quan thuế rất khó xác định được giá thị trường khách quan, vì yêu cầu phải có thông tin; đòi hỏi các chuyên gia phải phân tích theo từng ngành nghề, lĩnh vực, đôi khi phải mua hoặc trao đổi thông tin với phía nước ngoài. Nhưng luật pháp hiện nay chưa quy định cụ thể, nên chưa có cơ sở pháp lý để xác định giá thị trường; Nhà nước chưa có quy định nào để bảo đảm giá trị pháp lý của việc ấn định giá, gây lúng túng và bị động đối với cơ quan thuế trong quá trình triển khai, nhất là khi có sự tranh tụng trước pháp luật.

Thứ hai, cơ quan thuế chưa có đủ các cơ sở để áp dụng các biện pháp chế tài đủ mạnh, nhằm buộc các doanh nghiệp phải kê khai chính xác về giá đối với các hoạt động giao dịch liên kết (phạt về hành vi gian lận thuế, trốn thuế; …).

Thứ ba, văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định rõ cơ chế phối hợp hoặc quy định trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan trong việc phối hợp với cơ quan thuế, hỗ trợ xác minh về giá thị trường khách quan (cơ quan xuất nhập cảnh, cơ quan ngoại giao, đại sứ quán, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài). Hơn nữa, cơ quan thuế vẫn chưa có chức năng điều tra thuế, … nên không thể xử lý được các trường hợp vi phạm có tính phức tạp, phạm vi rộng ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Giải pháp nào cho vấn nạn chuyển giá

Chuyển giá không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Để hạn chế tình trạng này cần tập trung thực hiện hiệu quả vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.

Trước mắt, Việt Nam cần hoàn thiện hành trang pháp lý về chống chuyển giá và tiến tới ban hành Luật Chống chuyển giá; thu hẹp các ưu đãi về thuế, cụ thể là hạn chế tối đa các chính sách xã hội trong ưu đãi thuế; chuyển giao quyền điều tra cho cơ quan thuế từ cấp Tổng cục và lâu dài đến cơ quan thuế cấp tỉnh, thành phố; hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người, doanh nghiệp nộp thuế để từ đó theo dõi sát sao những thay đổi về doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Thứ hai, áp dụng phương pháp định giá APA – cơ chế thoả thuận trước về xác định giá.

Biện pháp này đang được áp dụng rộng rãi tại châu Âu và nhiều nước trong khu vực như: Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia… Tại Việt Nam, theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế, từ 1/7/2013 cơ quan thuế được phép áp APA.

Theo cơ chế này, doanh nghiệp đa quốc gia phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ giữa các thành viên trong tập đoàn, trước khi kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế sẽ phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam tổ chức giám sát, kiểm soát để chống gian lận thuế.

Về lý thuyết, APA có thể giúp giảm bớt tình trạng khai gian giá và điệp khúc “lỗ giả lãi thật” mà dư luận đã nhắc tới ở nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa chắc doanh nghiệp có vốn nước ngoài đã tự nguyện làm APA. Bởi APA áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, cơ quan thuế không thể ép doanh nghiệp phải thực hiện. Cơ quan thuế cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp có giao dịch liên kết áp dụng APA để tránh thanh tra về chuyển giá. Hiện nay, Việt Nam cũng đã ban hành hướng dẫn về APA và đã có một số doanh nghiệp xin áp dụng.

Tuy nhiên, APA cũng là một quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian nên chỉ phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô lớn và có mô hình kinh doanh ổn định. Mặt khác, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý trong quản lý chuyển giá.

Thứ ba, cơ quan thuế các cấp cần tăng cường thanh tra giá chuyển giao, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế. Chú trọng việc thanh tra, kiểm tra giá chuyển giao đối với các doanh nghiệp có nhiều thành viên; các ngành nghề có dấu hiệu rủi ro lớn về thuế do hành vi chuyển giá của doanh nghiệp liên kết, các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tái cơ cấu có khả năng lợi dụng chuyển giá để tránh thuế. Đối với các trường hợp chuyển giá, phải có chế tài xử phạt theo hướng tăng mức phạt và hình thức phạt so với quy định hiện tại để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Thứ tư, tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành thuế để chuyên theo dõi, kiểm soát chuyển giá, trong đó chú trọng đào tạo về kỹ năng xác định giá thị trường, trang bị kiến thức về kinh tế ngành, kỹ năng tin học, ngoại ngữ…