Góp vốn hợp tác đầu tư để mua đất nhưng không triển khai phải làm thế nào?

Nội dung bài viết

Câu hỏi:

Tôi ở Hà Nội. Năm 2010, tôi có góp vốn hợp tác đầu tư để được quyền mua 1 mảnh đất. Đến nay đã hơn 6 năm chủ đầu tư vẫn không triển khai và tôi đã nộp 90% giá trị của lô đất. Bây giờ tôi phải làm gì để đòi lại tiền của mình?

Luật sư trả lời:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi.

Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 28 Luật Đầu tư năm 2014 về đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC như sau:

"1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

  1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37 của Luật này.
  2. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận."

Và theo quy định tại Điều 29 Luật Đầu tư năm 2014:

"1. Hợp đồng BCC gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án;

b) Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;

c) Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;

d) Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;

e) Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;

g) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.

2. Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

3. Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật”.

Có thể thấy, điều kiện để thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh cũng như điều kiện để chấm dứt hợp đồng, việc phạt vi phạm hay yêu cầu bồi thường thiệt hại thì sẽ được quy định cụ thể trong hợp đồng hợp tác kinh doanh mà bạn đã ký kết. Khi có hành vi vi phạm hợp đồng và hợp đồng cho phép bạn chấm dứt hợp đồng, bạn sẽ có quyền khởi kiện tới Tòa án yêu cầu giải quyết việc chấm dứt và về việc chia số tài sản góp vốn kinh doanh. Nơi mà bạn có thể tiến hành khởi kiện là Tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi mà người bạn muốn khởi kiện cư trú. Căn cứ quy định tại Điều 39 Bộ luật tố tụng năm 2015:

“1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết…”.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan