Giao dịch shophouse đang bị biến tướng

Nội dung bài viết

Trong bài “Giao dịch shophouse đang bị biến tướng” đăng trên báo VN Media.vn, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Các căn hộ shophouse hiện đang được thị trường rất ưa chuộng, nhưng người mua nên cảnh giác vì có nhiều căn được bán chênh với giá hàng tỷ đồng và có dấu hiệu biến tướng thành nhà ở thông thường.Mua shophouse tiền chênh khủng

Thời gian gần đây, các căn shophouse được chào bán với mức giá chênh hàng tỷ đồng đã khiến nhiều người bất ngờ. Có thể kể đến như, khu nhà phố thương mại tại B4 Nam Trung Yên, Hà Nội được giới thiệu của thương hiệu Vimefulland thuộc tập đoàn Dược phẩm Vimedimex.

Theo nhân viên bán hàng giới thiệu, các shophouse có giá trên hợp đồng khoảng 12 tỷ đồng/căn 120m2. Tuy nhiên, người bán hàng cho biết, đó chỉ là giá trên hợp đồng, người mua sẽ phải trả 18 tỷ đồng tiền chênh và tổng giá trị thực tế của một căn shophouse là 30 tỷ đồng/căn.

Tương tự, dự án Shophouse có địa điểm tại quận Hoàng Mai, Hà Nội có giá 170 triệu/m2 tiền đất. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số khách hàng khi có ý định đầu tư mua căn hộ shophouse tỏ vẻ nghi ngại trước việc giá ghi trong hợp đồng mua bán chênh từ chục triệu đồng đến vài chục triệu đồng mỗi mét vuông.

Theo một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội, đây là chiêu né thuế của chủ đầu tư. Chủ đầu tư trước khi công bố mở bán đã cho một số nhà đầu tư đứng tên trong hợp đồng với giá trị thực thấp, sau đó chuyển nhượng cho người mua mới nhưng đẩy giá chênh cao. Khoản chênh thường là thỏa thuận, không có hóa đơn, chứng từ nên không ghi nhận vào giá trị tính thuế.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, Điều 15 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định rõ: “Giá mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng. Trường hợp Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó”.

Khoản 1 Điều 16 Luật này cũng quy định: “Việc thanh toán trong giao dịch bất động sản do các bên thỏa thuận trong hợp đồng và phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán”. Như vậy, theo các quy định trên, giá mua bán bất động sản do các bên thỏa thuận phải được ghi rõ ràng chính xác trong hợp đồng.

Tuy nhiên, hiện nay, không ít dự án được rao bán với số tiền chênh khá lớn. Số tiền này tất nhiên sẽ không được ghi trong hợp đồng mua bán, người mua cũng không được cung cấp bất cứ hóa đơn, chứng từ nào cho khoản chênh này do đó sẽ có nguy cơ bị mất một số tiền không hề nhỏ và có thể sẽ không lấy lại được số tiền chênh lệch không được ghi trong hợp đồng nếu hai bên xảy ra tranh chấp.

Bởi thông thường nếu giữa chủ đầu tư và người mua nhà xảy ra tranh chấp, người mua không đồng ý mua nhà nữa và yêu cầu trả lại tiền thì chủ đầu tư có thể trả lại tiền nhưng sẽ chỉ trả đúng số tiền ghi trong hợp đồng. Đây là một rủi ro rất lớn đối với người mua nhà.

Ngoài ra, một rủi ro khác cho người mua chấp nhận ký hợp đồng và trả khoản tiền “chênh” khi mua bất động sản đó là bản thân người mua không được tính vào giá vốn của mình. Giả định sau này Nhà nước đánh thuế khi chuyển nhượng bất động sản mà đánh trên phần chênh lệch theo cách tính cũ, tức là khi chủ đầu tư có lời mới đánh thuế thì trong trường hợp này, người mua nhà sẽ bị thiệt vì giá không được tính đúng, tính đủ.

Mua shophouse không được nhập hộ khẩu

Thời gian gần đây, phân khúc shophouse không chỉ nở rộ ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM mà còn phát triển mạnh ở nhiều địa phương như Phú Quốc, Quảng Ninh, Đà Nẵng… Về kiến trúc bề ngoài, căn shophouse giống như những căn nhà phố hay nhà liền kề ở các khu đô thị. Tuy nhiên, shophouse không có hợp đồng mua bán nhà mà chỉ là hình thức thuê mua và quyền sở hữu giới hạn trong thời gian nhất định bởi đất xây dựng shophouse thường là đất thuê có thời hạn.

Một chủ đầu tư dự án shophouse cho rằng, Khi soạn thảo hợp đồng mua bán đã nghiên cứu về pháp lý. Với tên gọi nhà phố thương mại hay shophouse là do “quen tai” còn trong luật là nhà thấp tầng. Quan trọng trong hợp đồng ghi rõ mục đích sử dụng dự án là thương mại, dịch vụ không phải là dự án nhà ở. Vị cán bộ này cho biết thêm, với mục đích trên có nghĩa khách hàng mua dự án này chỉ được phép kinh doanh thương mại, dịch vụ và vì không phải dự án về nhà ở nên khách hàng không thể đăng ký tạm trú, tạm vắng.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan