Doanh nghiệp tư nhân có thể có hai người đại diện không?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Tôi là Minh, ở Hà Nội. Tôi và vợ có thành lập doanh nghiệp tư nhân. Vậy cho tôi hỏi cả tôi và vợ đều là người đại diện của công ty có được không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Khái niệm người đại diện theo pháp luật được quy định khá rõ trong Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Doanh nghiệp 2014. Theo đó, Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như sau: “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.

Theo như trình bày thì bạn và vợ bạn thành lập doanh nghiệp tư nhân. Để làm rõ vấn đề của bạn, trước hết phải hiểu được doanh nghiệp tư nhân được pháp luật quy định như thế nào?

Điều 183 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về Doanh nghiệp tư nhân như sau: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”.

Như vậy, doanh nghiệp tư nhân chỉ do một cá nhân làm chủ. Cá nhân đó vừa là chủ của doanh nghiệp đồng thời là đại diện của công ty, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Theo quy định của pháp luật Doanh nghiệp thì chỉ có Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần mới có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Doanh nghiệp tư nhân chỉ có một người là đại diện cho doanh nghiệp. Bạn hoặc vợ có thể thỏa thuận để xác định ai là người đứng tên đại diện cho doanh nghiệp tư nhân của mình. Chủ của doanh nghiệp tư nhân phải tuân theo đúng các quy định của pháp luật và cũng có thể ủy quyền cho người khác trong một số trường hợp như sau:

“3. Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

4. Trường hợp hết thời hạn ủy quyền theo khoản 3 Điều này mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây:

a) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;

5. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty”.

Như vậy, người đại diện của Doanh nghiệp tư nhân phải cư trú ở Việt Nam và khi xuất cảnh khỏi Việt Nam thì có thể ủy quyền cho một người khác trong công ty để thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện. Bạn có thể ủy quyền cho vợ bạn thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện khi bạn xuất cảnh khỏi Việt Nam hoặc trong các trường hợp quy định tại Khoản 5 nêu trên. Tuy nhiên, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm được quy định tại Điều 14 Luật doanh nghiệp năm 2014 như sau:

“Điều 14. Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;

b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác.

2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này”.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan