Dịch vụ ship COD tiềm ẩn nhiều rủi ro

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã phân tích những khía cạnh liên quan đến ship COD trên Chương trình Bản tin thị trường. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1:

Đa số các Cty hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa ở Việt Nam đều cung cấp dịch vụ ship COD, tuy nhiên dịch vụ này có nhiều tên gọi khác nhau… Luật sư có thể chia sẻ cụ thể về dịch vụ ship COD là gì?

Trả lời:

Hình thức ship COD đang trở nên khá phổ biến, đa phần các shop kinh doanh online hiện nay đều sử dụng phương thức này cho hoạt động kinh doanh của mình.

COD là từ viết tắt của từ tiếng Anh cash on delivery. Từ này dịch ra tiếng Việt có nghĩa đầy đủ là giao hàng và thu hộ tiền, tức là người mua hàng sẽ thanh toán cho người giao hàng sau khi nhận được hàng hóa của mình. Sau đó đơn vị vận chuyển sẽ chuyển lại tiền thu hộ cho người gửi hàng. Điều này có nghĩa là bạn chỉ có thể giao tiền cho người mang đến mới nhận được hàng.

Ở mỗi nơi lại có một hình thức COD khác nhau tuy nhiên đều giống nhau ở một điểm là giao hàng và nhận tiền, chỉ khác là giao hàng mới nhận được tiền hay giao tiền mới nhận hàng.

Tùy theo tâm lý và cách mua hàng của mỗi nơi, mỗi quốc gia mỗi khác, ở Việt Nam do tâm lý mua hàng nên chỉ khi họ nhìn thấy hàng và chắc chắn hàng tốt mới trả tiền.

Ở Việt Nam, ship hàng COD được phát triển gắn liền với nhiều tên gọi khác nhau như dịch vụ ship hàng COD, dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ giao hàng COD, dịch vụ chuyển phát nhanh COD, dịch vụ gửi hàng COD, …

Để phát triển kinh doanh, dịch vụ ship hàng COD là điều không thể thiếu trong chiến lược của mỗi công ty, thậm chí còn có cả công ty chuyên về vận chuyển và giao hàng chuyển phát nhanh.

Câu 2:

Nguyên nhân chính khiến ship COD phát triển ở Việt Nam là gì thưa luật sư?

Trả lời:

Ở Việt Nam hiện nay ship COD rất phát triển. Nguyên nhân đầu tiên khiến ship COD phát triển ở Việt Nam là do thói quen, tâm lý dùng hàng trước, trả tiền sau.

Thứ hai, việc chuyển khoản thanh toán tiền mặt trước thường không được khách hàng tin dùng do lo ngại chất lượng sản phẩm không như sự thật quảng cáo. Chưa kể khách hàng sợ chuyển khoản xong rồi thì không gửi hàng nên muốn nhận hàng tận tay mới trả tiền. Còn chủ shop sợ khách nhận hàng rồi không thanh toán chuyển khoản lại nên mới có dịch vụ vừa giao hàng và nhận hộ tiền luôn.

Câu 3:

Rủi ro của việc ship COD được đánh giá là rất lớn. Luật sư có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

Trả lời:

Hình thức này có ưu điểm duy nhất dành cho người mua hàng, với tâm lý thường sợ hàng khi mua không đúng với thực tế. Hoặc thanh toán tiền trước nhưng bên bán không chịu gửi hàng, gửi hàng chất lượng kém cho khách vì thế khách hàng hoàn toàn có thể chấp nhận chi thêm chi phí để an tâm mua hàng hơn.

Thế nhưng nhược điểm có thể thấy của cách ship COD đối với người gửi hàng chính là tiền hàng sẽ bị công ty chuyển phát nhanh giữ lại một khoảng thời gian ngắn và hoàn trả lại vào các ngày quy định trong tuần của công ty dịch vụ để tránh nhầm lẫn. Đồng thời nếu người mua không chấp nhận hàng và không thanh toán, hàng bị trả về thì người bán phải chịu chi phí vận chuyển hàng hóa 2 chiều.

Đặc biệt là nỗi lo sợ mất hàng do các dịch vụ chuyển phát nhanh không an toàn.

Việc mất hàng trong quá trình vận chuyển hàng hóa không phải là điều mới mẻ, mà nó đã xảy ra từ rất lâu trước cả khi thị trường thương mại điện tử phát triển như ngày nay. Dù hiện nay, các công ty dịch vụ vận chuyển đều đảm bảo hàng hóa của bạn sẽ luôn được an toàn trong suốt quá trình giao hàng cho đến khi tới tay của người nhận, nhưng tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.

COD ở Việt Nam hiện nay rất phát triển thế nhưng bên cạnh sự phát triển đó cũng gắn liền với nhiều điều đáng lo ngại như các dịch vụ lừa lọc, trở nên khó tin, hàng một đằng tiền một nẻo gây mất lòng tin cho khách hàng.

Câu 4:

Mặc dù công ty GNN Express thừa nhận là ông không trốn tránh trách nhiệm và thông báo phá sản không phải nhằm chiếm đoạt tiền thu hộ của khách hàng. Tuy nhiên, các chủ cửa hàng lo ngại cũng là đúng bởi theo pháp luật khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản thì tài sản chia theo thứ tự: chi phí phá sản, khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT với người lao động … Phải chăng là việc chi trả hết các khoản trên mới đến các chủ nợ thì việc GNN tuyên bố phá sản đồng nghĩa với việc các chủ cửa hàng sẽ mất trắng? Pháp luật sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

Điều 54 Luật Phá sản năm 2014 có quy định về Thứ tự phân chia tài sản như sau:

“1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:

a) Chi phí phá sản;

b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ …”.

Như vậy, theo quy định trên, sau khi thanh toán các khoản chi phí nêu trên mà còn tiền thì mới thanh toán cho các chủ nợ theo tỷ lệ nhất định. Như vậy cơ hội để đòi lại nợ của các chủ nợ là rất mong manh.

Ngoài ra, việc lạm dụng số tiền lớn của khách hàng lên tới 5,5 tỷ đồng, những người liên quan rất có thể sẽ bị xử lý hình sự nếu có đầy đủ căn cứ pháp luật, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 “Tội lạm dụng tín nhiệm chiến đoạt tài sản” với khung hình phạt lên tới 20 năm tù.

Câu 5:

Nếu các doanh nghiệp muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ ship COD cần lưu ý điều gì?

Trả lời:

Rủi ro khi giao hàng COD có khá nhiều bên cạnh hiệu quả mà dịch vụ này mang lại cho người nhận. Từ việc khách hàng không nhận đơn hàng đến việc khách hàng đòi thay đổi hình thức dịch vụ… Nếu không có biện pháp xử lý thì bản thân đơn vị vận chuyển cũng như người gửi hàng phải chịu nhiều thiệt thòi cũng như hiệu quả công việc bị suy giảm. Đơn hàng bị hủy không giao được, đơn hàng bị hoàn… đều là những tình huống mà không ai muốn. Vì thế, để quá trình giao hàng online được diễn ra suôn sẻ, các bên cần thực hiện những điều sau:

– Luôn thông báo cho người nhận hàng biết cách ship COD gồm những quy định gì: giá cả, cước phí, thời gian giao nhận…

– Luôn khai báo đủ thông tin người nhận/ người gửi để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh ngoài ý muốn.

– Bản thân người gửi cũng nên có phương án chấp nhận những rủi ro phát sinh ngoài ý muốn khi chọn hình thức dịch vụ giao hàng COD. Vì bản thân hình thức giao nhận này đã tiềm ẩn nhiều rủi ro khó có thể kiểm soát hết được.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan