Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Bây giờ người ta giàu lên, thành đại gia bất động sản là từ chỗ này thôi. Vì vậy phải đấu giá công khai cái gì liên quan đến đất đai của Nhà nước để thu tiền. Thất thoát ở đây không phải là tham nhũng, mà thất thoát là do cơ chế quản lý của chúng ta. Do đó, phải đưa vào nghị quyết kỳ họp hoặc nghị quyết ngân sách để Quốc hội giám sát”.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu từ năm 2019 trở đi phải thực hiện đấu thầu công khai việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần để thực hiện mục đích kinh doanh thương mại.

Theo đó, phải đấu thầu công khai, bao gồm cả đất đang cho doanh nghiệp nhà nước thuê hoặc đất đai có tài sản sở hữu nhà nước trên đất, trừ những trường hợp nhỏ lẻ hoặc giao đất để thực hiện dự án tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình, dự án, hạ tầng quan trọng.

“Nếu cần thiết để có điều kiện đấu giá thì ngân sách nhà nước ứng vốn để giải phóng mặt bằng theo tiến độ đền bù, hỗ trợ cho người dân. Sau khi đấu giá xong thì hoàn trả tiền tạm ứng cho ngân sách nhà nước”, bà Ngân nói.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Công ty Luật SBLaw) cho rằng việc pháp luật không quy định lợi thế thương mại gắn với giá trị quyền sử dụng đất trong lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết là một kẽ hở chính sách, gây thất thoát ngân sách nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án ở những vị trí đắc địa.

Bên cạnh đó, công tác giám sát, quản lý của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, xử lý tài sản công của các doanh nghiệp nhà nước chưa chặt chẽ. Những yếu kém trong công tác quản lý cũng thường bị lợi dụng để thực hiện các hành vi trái pháp luật.

Ông Hà nêu ví dụ, nhiều chủ đầu tư khi được giao dự án xây dựng trung tâm thương mại, nhưng lại “luồn lách” xin thêm mục tiêu xây dựng nhà ở để bán và cho thuê, làm phá vỡ quy hoạch chung và làm tăng mật độ dân cư; không tiến hành xác định lại giá trị đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung; xây thêm tầng, vi phạm quy hoạch…

“Những việc này cơ quan chức năng đều biết nhưng dường như làm ngơ cho sai phạm”, ông Hà nói.

Dẫn kết luận gần đây nhất của Thanh tra Chính phủ về việc các nhà máy, xí nghiệp của doanh nghiệp nhà nước sau khi di dời khỏi nội đô hầu hết đã được Hà Nội cấp giấy phép xây trung tâm thương mại, ông Hà đề nghị cần làm rõ việc đấu thầu có công khai hay không và có lựa chọn được nhà đầu tư trả giá cao nhất hay không, có việc thay đổi mục tiêu sử dụng đất hay không.

“Nhiều dự án sau khi có kế hoạch di chuyển, nhà nước muốn làm thành vườn hoa hoặc tiện ích công cộng, nhưng một số nhóm lợi ích có thể tác động để thay đổi quy hoạch, biến thành nhà cao ốc và trung tâm thương mại”, ông Hà nói.

Theo luật sư này, pháp luật cần có những quy định rõ ràng hơn trong vấn đề xử lý tài sản công, đặc biệt là vấn đề lợi thế thương mại gắn với giá trị quyền sử dụng đất trong lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết.

Ngoài ra, cần bắt buộc tổ chức công khai việc cho nhà đầu tư đấu thầu các mảnh “đất vàng” để nhà nước có thể thu được lợi ích tối đa cho ngân sách.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, thất thoát đất đai còn xảy ra khi cổ phần hóa. Vì muốn đẩy mạnh cổ phần hóa nên nhiều khi, giá trị tài sản cũng như giá trị quyền sử dụng đất gần như không được doanh nghiệp tính đến. Có rất nhiều tài sản không được mang ra định giá ở các cơ quan định giá mang tính chất khách quan, không được mang ra đấu giá trên các thị trường tài sản.

“Đất đai là tài sản nhà nước và được định giá trên sổ sách thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế trên thị trường. Tuy nhiên, vì căn cứ vào giá trị sổ sách nên trong quá trình cổ phần hóa, chi phí quyền sử dụng đất rất thấp, gần như bằng 0. Đây rõ ràng là sai sót trong cổ phần hóa”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cũng cho rằng khi nhà kinh doanh bất động sản mua lại các khu đất đó gần như chỉ bồi thường một khoản tiền nhỏ cho các doanh nghiệp để chuyển ra ngoại ô, sau đó họ xin chuyển đổi được mục đích sử dụng đất để xây các chung cư, nhà để bán thu lợi nhuận. Điều này khiến tài sản thật của nhà nước mất đi rất nhiều.

“Công tác quản lý quy hoạch cũng chưa tốt khi doanh nghiệp xin chuyển đổi công năng, hình thức sử dụng đất thì lập tức có quy hoạch bổ sung cho phép chuyển đổi. Điều này đã làm cho rất nhiều khu “đất vàng” trở thành tài sản cá nhân và chỉ làm giàu cho một số cá nhân kinh doanh bất động sản và Nhà nước thì đang chịu thiệt đơn thiệt kép với những khu này”, ông cho biết.

Do đó, theo ông khi định giá một doanh nghiệp theo kinh tế thị trường phải bao gồm cả giá trị thương hiệu, các tài sản trên đất và quyền sử dụng đất. Phải tính theo giá trị thị trường chứ không tính theo giá trị sổ sách, vì giá trị sổ sách không chuẩn xác.

Ông Thịnh cho rằng đất đai phải mang ra đấu thầu, được định giá bởi các cơ quan định giá khách quan mới trở thành giá trị cho doanh nghiệp mang đi cổ phần hóa.

Lam Thanh

Nguồn: https://motthegioi.vn/bat-dong-san-c-99/dat-cong-that-thoat-tien-vao-tui-dai-gia-bat-dong-san-98944.html