Đại gia bất động sản đua nhau săn 'đất vàng'

Nội dung bài viết

Trong bài báo “Đại gia bất động sản đua nhau săn đất vàng” trên báo điện tử VNMedia có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLaw. Chúng tôi trân trọng gửi tới các bạn nội dung chi tiết bài báo.

Hàng loạt những thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) đã được công bố từ đầu năm 2016 đến nay cho thấy thị trường chuyển nhượng dự án đang hết sức sôi động.

Làn sóng nhà đầu tư ngoại thâu tóm các cao ốc có vị trí đắc địa tại Hà Nội và TP. HCM đã bắt đầu rộ lên từ nửa cuối năm 2014 và đến năm 2016, xu hướng này càng trở nên rõ rệt.
Các thương vụ đình đám có thể kể đến như Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc thâu tóm Diamond Plaza; Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad rót vốn vào Dự án Flora Anh Đào (TP. HCM) để cùng Công ty Nam Long phát triển dự án này; Creed Group của Nhật Bản rót 200 triệu USD mua lại 20% cổ phần của CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản An Gia (An Gia Investment); Gaw Capital Partners thâu tóm thành công 4 dự án lớn của Indochina Land; hay mới đây nhất, Keppel Land nhận chuyển nhượng 40% Dự án Empire City tại quận 2, TP. HCM (tương đương với 93,9 triệu USD). Trước đó, Keppel Land cũng đã kịp mua lại thành công Dự án Hà Nội Westgate…

Một trong những thương vụ nổi trội trong quý I/2016 phải kể đến là thương vụ giữa Keppel Land và chủ đầu tư dự án Empire City tại quận 2, TP.HCM, trong đó Keppel đã nhận chuyển nhượng 40% tương đương với 93,9 triệu USD.

Không chỉ các nhà đầu tư ngoại hướng đến bất động sản trong nước, mà xu hướng M&A từ lâu đã được nhiều “ông lớn” Việt nhắm đến. Mới đây, công ty Địa ốc Đất Xanh (DXG) vừa chi thêm 61 tỉ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần In Nông nghiệp lên 111 tỉ đồng, sở hữu 99,99%, đồng thời nắm trong tay quyền triển khai Tổ hợp dự án chung cư – văn phòng – trung tâm thương mại Opal Tower ở mặt tiền đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, TPHCM.

Trước đó, DXG cũng đã nhận chuyển nhượng Dự án Khu chung cư Kim Khí của Công ty cổ phần Kim khí TP HCM có quy mô hơn 9.100 m2 trên đường Nguyễn Văn Quỳ, quận 7, TP. HCM với tổng giá trị chuyển nhượng khoảng 102 tỉ đồng.

Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) dự kiến sẽ bắt tay với Công ty cổ phần Ngoại thương và Phát triển đầu tư TPHCM (Fideco) thực hiện dự án số 28 Phùng Khắc Khoan (Quận 1, TP. HCM) và Khu dân cư cao cấp Cần Giờ. TDH cũng sẽ hợp tác với Công ty cổ phần Dệt may Liên Phương (LPTex) để phát triển các dự án văn phòng, căn hộ cao cấp Vinatex Building tại 39-41-43 Võ Văn Kiệt (TPHCM), Khu dân cư Thuduc House – Liên Phương (quận 9), …

Tại thị trường Hà Nội, các thương vụ mua bán sáp nhập đáng chú ý trong quý 1/2016 như TNR Holding mua lại TNR Tower từ Vingroup với giá 110 triệu USD (Hà Nội), tập đoàn Mường Thanh mua lại dự án Thanh Hà của Cienco 5, Công ty Hải Phát trở thành chủ mới của Khu đô thị Phú Lương (Hà Đông)…

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLAW, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cũng mở rộng hơn và chính thức cho phép việc nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản cho nhà đầu tư nước ngoài, thay vì chỉ được nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án như Luật Kinh doanh bất động sản 2005, cũng đã tạo ra chất xúc tác, giúp hoạt động M&A bất động sản sôi động trong thời gian qua.

Trong giai đoạn hiện tại, có thể nói rằng, với tiềm lực tài chính mạnh, việc các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam sẽ giúp thị trường có thêm được nguồn vốn mới, dồi dào hơn, nhất là trong bối cảnh khả năng tín dụng bất động sản – nguồn vốn chủ yếu của thị trường địa ốc hiện này có thể sẽ bị siết lại trong thời gian tới, giúp cho các thành viên thị trường vững tin hơn vào chu kỳ phát triển mới.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cũng nhận định rằng, năm 2016 này, khả năng trên thị trường bất động sản sẽ bùng nổ mạnh xu hướng mua bán các dự án và liên doanh-liên kết, cùng nhau phát triển dự án.

Theo bà Hương Trần Kiều Dung – Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, chuyển nhượng dự án là một xu hướng chung của thị trường bất động sản. Khi các dự án được chuyển nhượng về tay chủ mới có tiềm lực kinh tế tốt sẽ được triển khai nhanh, nhờ vậy quyền lợi của khách hàng cũng sẽ được đảm bảo.

“Chỉ các chủ đầu tư có năng lực về tài chính mới có thể thâu tóm các dự án, còn những chủ đầu tư không có năng lực sẽ buộc phải bán lại dự án của mình”, bà Dung cho hay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia M&A, việc mua bán các dự án bất động sản tại thời điểm này cũng không hề dễ dàng bởi lẽ đây là lúc thị trường bất động sản đang phát triển mạnh, nên mức giá chuyển nhượng chắc chắn sẽ không hề rẻ. So với hồi năm 2014, mức giá chuyển nhượng đã được tăng lên khoảng 25- 30%. Vì vậy, nếu không tính toán cẩn thận, bên mua sẽ khó có được lợi nhuận như mong muốn khi thâu tóm dự án vào thời điểm này.

Link bài viết: http://portal.vnmedia.vn/bds-tai-chinh/201605/dai-gia-bat-dong-san-dua-nhau-san-dat-vang-530848/

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan