Có thể vay vốn ngân hàng để mua doanh nghiệp không?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Tôi là Lâm, ở Hà Nội. Cho tôi hỏi:

1,Một doanh nghiệp A mua lại toàn bộ doanh nghiêp B. Vậy, doanh nghiệp A có thể vay vốn Ngân hàng để mua doanh nghiệp B không ? – Việc vay vốn để mua doanh nghiệp có trái với quy định của pháp luật không?

2, Công ty tôi đang có ý định liên kết đầu tư với một doanh nghiệp khác để đầu tư kinh doanh trường học, công ty tôi góp tài sản là đất, công ty đối tác góp vốn bằng tiền. Xin hỏi: Chúng tôi có phải thành lập một Doanh nghiệp mới với cổ đông là 2 công ty không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất: Việc vay vốn để mua doanh nghiệp có trái với quy định của pháp luật không?

Việc vay vốn ngân hàng để mua lại vốn góp của doanh nghiệp khác, theo quy định của pháp luật hiện hành vẫn chưa có điều khoản cấm. Theo đó doanh nghiệp có quyền vay tuy nhiên phải quan tâm tới Điều lệ của doanh nghiệp có những quy định hạn chế như: điều kiện vay vốn ngân hàng, hạn mức vay, … hay không? Trong trường hợp có những hạn chế, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục vay phải đảm bảo được các điều kiện theo quy định của điều lệ Doanh nghiệp.

Thứ hai: Việc liên kết đầu tư giữa hai doanh nghiệp có thể thực hiện bằng hai hình thức là hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thành lập pháp nhân mới.

Căn cứ Điều 504 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng hợp tác như sau:

“Điều 504. Hợp đồng hợp tác

1. Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

2. Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản”.

Căn cứ Điều 506 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về tài sản chung của các thành viên hợp tác như sau:

“Điều 506. Tài sản chung của các thành viên hợp tác

1. Tài sản do các thành viên đóng góp, cùng tạo lập và tài sản khác theo quy định của pháp luật là tài sản chung theo phần của các thành viên hợp tác.

Trường hợp có thỏa thuận về góp tiền mà thành viên hợp tác chậm thực hiện thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này và phải bồi thường thiệt hại.

2. Việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác phải có thỏa thuận bằng văn bản của tất cả các thành viên; việc định đoạt tài sản khác do đại diện của các thành viên quyết định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Không được phân chia tài sản chung trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, trừ trường hợp tất cả các thành viên hợp tác có thỏa thuận.

Việc phân chia tài sản chung quy định tại khoản này không làm thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ được xác lập, thực hiện trước thời điểm tài sản được phân chia”.

Như vậy, công ty của bạn có thể lựa chọn hình doanh nghiệp phù hợp theo quy định Luật Doanh nghiệp năm 2014, tuy nhiên khi hai công ty góp vốn thành lập pháp nhân mới không thể trở thành cổ đông của công ty bởi Công ty cổ phần theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp năm 2014: Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa. Theo đó, để phù hợp công ty của bạn có thể lựa chọn hình thức pháp nhân là công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc thực hiện theo hợp đồng hợp tác kinh doanh nêu trên.

Điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên như sau:

“Điều 47. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó:

a) Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50;

b) Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật này;

c) Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các Điều 52, 53 và 54 của Luật này.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phần”.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan