Có nên sáp nhập doanh nghiệp?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Công ty mình có 1 công ty A hoạt động sản xuất thương mại và mới góp vốn vào công ty B hoạt động sản xuất. Giờ định hướng của công ty A là:

Phương án 1: Chuyển sang loại hình thương mại, không sản xuất nữa. Bán toàn bộ máy móc nhà xưởng cho Công ty B. Khi đó, thủ tục pháp lý cần phải thực hiện là gì ạ? Và nghĩa vụ thuế của công ty A là gì?

Phương án 2: Sáp nhập công ty A vào công ty B. Nghĩa vụ thuế của công ty A và Công ty B là gì ạ?

Biết rằng Công ty B hiện đang được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo quý công ty thì phương án 1 và phương án 2 thì phương án nào khả thi hơn cho doanh nghiệp?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Xét phương án thứ nhất: Công ty A bán toàn bộ máy móc nhà xưởng cho công ty B để chuyển sang loại hình thương mại, không sản xuất nữa.

Để công ty A bán toàn bộ máy móc, nhà xưởng cho công ty B thì hai bên công ty phải cùng nhau kí kết hợp đồng mua bán có đối tượng là máy móc, nhà xưởng của công ty A theo quy định của Luật thương mại năm 2005 (do công ty A và công ty B là các pháp nhân). Khi đó, công ty A có nghĩa vụ giao máy móc, nhà xưởng, chuyển quyền sở hữu máy móc, nhà xưởng cho công ty B và nhận thanh toán; công ty B có nghĩa vụ thanh toán cho công ty A, nhận máy móc, nhà xưởng và quyền sở hữu máy móc, nhà xưởng theo thỏa thuận.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2013 thì công ty A sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho thu nhập có được từ việc chuyển nhượng máy móc, nhà xưởng cho công ty B.

Xét phương án thứ hai: Sáp nhập công ty A vào công ty B

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số công ty cùng loại (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

Ta thấy, công ty A có thể thực hiện việc sáp nhập vào công ty B. Như vậy phương án thứ hai là khả thi cho doanh nghiệp.

Thủ tục sáp nhập công ty A vào công ty B được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2014 như sau:

-Công ty A và công ty B phải chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty A; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty B; thủ tục và điều kiện sáp nhập; phương án sử dụng lao động; thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty A thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty B; thời hạn thực hiện sáp nhập;

-Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập (công ty B) và tiến hành đăng ký kinh doanh công ty B theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký kinh doanh phải kèm theo hợp đồng sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua;

-Sau khi đăng ký kinh doanh, công ty A chấm dứt tồn tại; công ty B được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán,hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty A.

Về nghĩa vụ thuế của công ty A và công ty B:

Khoản 4, Điều 12 Thông tư 156/2013/TT-BTC về khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp có quy định:

4. Khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp

a) Khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm và khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm có quyết định về việc doanh nghiệp thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động.

b) Hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:

b.1) Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo mẫu số 03/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này.

b.2) Báo cáo tài chính năm hoặc Báo cáo tài chính đến thời điểm có quyết định về việc doanh nghiệp thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động.

b.3) Một hoặc một số phụ lục kèm theo tờ khai ban hành kèm theo Thông tư này (tuỳ theo thực tế phát sinh của người nộp thuế)”.

Căn cứ theo Điểm e Khoản 3 Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thì:

e) Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế đối với trường hợp doanh nghiệp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động chậm nhất là ngày thứ 45 (bốn mươi lăm), kể từ ngày có quyết định về việc doanh nghiệp thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động

Khoản 3 Điều 42 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp như sau:

3. Doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi chuyển đổi; trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp mới được thành lập từ doanh nghiệp chuyển đổi có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế

Từ các quy định trên, có thể thấy, công ty A phải khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thời hạn nộp hồ sơ quyết toán chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày có quyết định về việc chuyển đổi hình thức sở hữu. Công ty A có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi chuyển đổi, nếu công ty A chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì công ty B có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Do công ty B hiện đang được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, chính vì vậy, khi thực hiện các nghĩa vụ về thuế thì công ty B sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế suất, về miễn thuế hay giảm thuế theo quy định tại Chương 3 – Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2013.

Như vậy, cả hai phương án mà công ty A dự định thực hiện xét thấy đều có thể thực hiện được. Chính vì lẽ đó là tùy thuộc vào mục đích của mình thì công ty A có thể lựa chọn phương án thực hiện phù hợp.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan