Có nên mua nhà, đất qua vi bằng?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã nêu quan điểm về việc Có nên mua nhà, đất qua vi bằng? trong Chương trình Bạn và pháp luật. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1: Vừa rồi là phóng sự ngắn do phóng viên chương trình thực hiện. Trở lại cuộc trao đổi với luật sư…., như luật sư vừa theo dõi, đề nghị luật sư giải đáp cho thính giả rõ thừa phát lại là gì và thẩm quyền của Thừa phát lại?

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP) thì:

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan.

Thừa phát lại được thực hiện các công việc sau:

- Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.

- Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

- Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.

- Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.

Khi thực hiện công việc về thi hành án dân sự, Thừa phát lại có quyền như Chấp hành viên quy định tại Điều 20 của Luật thi hành án dân sự, trừ khoản 9, khoản 10 và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Riêng việc cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng bảo vệ, áp dụng quy định tại Điều 40 của Nghị định này.

Câu 2: Văn phòng Thừa phát lại hoạt động dưới hình thức là một doanh nghiệp tư nhân hay một đơn vị sự nghiệp của Nhà nước?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Con dấu văn phòng Thừa phát lại không có hình quốc huy và do Bộ Công an quy định.

Như vậy, thừa phát lại không phải là một đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

Đồng thời Điều 18 Thông tư liên tịch 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết 36/2012/QH13 thì văn phỏng thừa phát lại có thể được tổ chức dưới 1 trong 2 loại hình doanh nghiệp là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Trường hợp văn phòng Thừa phát lại do một Thừa phát lại thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân; còn trường hợp văn phòng Thừa phát lại do từ hai Thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

Do đó, Thừa phát lại có thể xem như một nghề luật tương tự Luật sư, Kiểm sát viên, Công chứng viên, …và cũng có trụ sợ hoạt động dưới hình thức là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh, có cả tên gọi riêng.

Các văn phòng Thừa phát lại hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính và cung cấp các dịch vụ pháp lý mang tính chất công.

Câu 3: Văn phòng Thừa phát lại có điểm giống và khác nhau như thế nào so với Văn phòng công chứng?

Trả lời:

*Điểm giống nhau:

Văn phòng Thừa phát lại và Văn phòng công chứng đều không phải là đơn vị sự nghiệp công lập. Văn phòng thừa phát lại và văn phòng công chứng đều có trụ sở con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính.

*Điểm khác nhau:

Thứ nhất về hình thức hoạt động:

  • Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại; hoạt động dưới hình thức là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh.
  • Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.

Thứ hai, về cơ cấu tổ chức:

- Tổ chức văn phòng Thừa phát lại gồm:

+ Trưởng văn phòng phải là Thừa phát lại là người đại diện theo pháp luật của văn phòng Thừa phát lại.

+ Thừa phát lại là thành viên sáng lập, trong trường hợp nhiều người cùng tham gia thành lập văn phòng Thừa phát lại; Thừa phát lại làm việc theo hợp đồng tại văn phòng Thừa phát lại.

+ Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại là nhân viên Văn phòng Thừa phát lại giúp Thừa phát lại thực hiện các công việc nghiệp vụ pháp lý theo quy định. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại phải có các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 6, Điều 10 của Nghị định này và phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên.

+ Nhân viên kế toán;

+ Nhân viên hành chính khác (nếu có).

- Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.

Thứ ba, về tên gọi của văn phòng:

  • Tên gọi văn phòng Thừa phát lại phải bao gồm cụm từ “Văn phòng Thừa phát lại” và phần tên riêng liền sau. Việc đặt tên riêng và gắn biển hiệu thực hiện theo quy định của pháp luật.
  • Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Thứ tư, chức năng, thẩm quyền:

- Văn phòng thừa phát lại:

+ Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.

+ Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

+ Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.

+ Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.

Khi thực hiện công việc về thi hành án dân sự, Thừa phát lại có quyền như Chấp hành viên quy định tại ĐiỀU 20 của Luật thi hành án dân sự, trừ khoản 9, khoản 10 và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Riêng việc cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng bảo vệ, áp dụng quy định tại Điều 40 của Nghị định này.

  • Văn phòng công chứng:

Văn phòng công chứng có chức năng thực hiện chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch); tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Văn phòng công chứng có các thẩm quyền sau đây:

+ Công chứng các hợp đồng, giao dịch theo qui định của pháp luật về công chứng như: Công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, công chứng tặng cho nhà đất, hợp đồng thế chấp bất động sản, hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền, di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản, công chứng bản dịch, công chứng thỏa thuận tài sản vợ chồng….

+ Chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận theo quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký (trừ việc chứng thực chữ ký người dịch) và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Câu 4: Những ai có đủ tiêu chuẩn để mở văn phòng thừa phát lại? có quy định về số lượng văn phòng thừa phát lại ở một địa phương không?

Trả lời:

-Điều kiện thành lập văn phòng Thừa phát lại được quy định như sau:

Việc thành lập văn phòng Thừa phát lại phải có các điều kiện sau:

1. Trụ sở văn phòng Thừa phát lại có diện tích bảo đảm cho hoạt động, cho việc lưu trữ tài liệu và thuận tiện cho khách hàng; có các điều kiện vật chất cần thiết khác để hoạt động.

2. Tổ chức bộ máy theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này.

Do đó, đủ điều kiện trên là có thể thành lập văn phòng Thừa phát lại. Người mở VP là thừa phát lại.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại:

1. Là công dân Việt Nam, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt;

2. Không có tiền án;

3. Có bằng cử nhân luật;

4. Đã công tác trong ngành pháp luật trên 05 năm hoặc đã từng là Thẩm phấn, Kiểm sát viên, Luật sư; Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên từ Trung cấp trở lên;

5. Có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức;

6. Không kiêm nhiệm hành nghề Công chứng, Luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật.

- Hiện nay, chưa có quy định về số lượng văn phòng thừa phát lại ở một địa phương.

Câu 5: Theo quy định của pháp luật nước ta, thừa phát lại có nhận tống đạt trực tiếp giấy triệu tập của tòa án nước ngoài cho đương sự là người thường trú hoặc pháp nhân có trụ sở chính tại Việt Nam không?

Trả lời:

Về thẩm quyền, phạm vi tống đạt văn bản được quy định tại Điều 21 Nghị định 61/2009/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó Văn phòng Thừa phát lại được quyền thỏa thuận để tống đạt văn bản của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự các cấp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại, bao gồm: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định trong trường hợp xét xử vắng mặt đương sự của Tòa án; quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập của Cơ quan thi hành án dân sự. Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở đề nghị của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận để tống đạt các loại văn bản, giấy tờ khác.

Thừa phát lại có quyền thực hiện việc tống đạt các văn bản của Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự tại Khoản 1 của Điều này ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.

Như vậy, về nguyên tắc, thừa phát lại không nhận và tống đạt giấy triệu tập của tòa án nước ngoài, trừ trường hợp bản án của nước ngoài đã được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.

Câu 6: Thừa phát lại có liên quan gì đến đội thi hành án? Họ có công cụ hỗ trợ gì khi thực hiện nhiệm vụ?

Trả lời:

Thừa phát lại được pháp luật trao quyền trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án. Trên thực tế, đây là hoạt động rất quan trọng và khó khăn của Thừa phát lại. Nhờ sự tham gia của Thừa phát lại, các bản án, quyết định dân sự đã nhanh chóng được thực hiện từ đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự.

Trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ, Văn phòng Thừa phát lại phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.

Câu 7: Việc lập vi bằng ghi nhận sự kiện có quy định về thời hiệu, thời hạn cho hiệu lực pháp lý của văn bản đó không?

Trả lời:

Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

Vi bằng do Thừa phát lại lập có giá trị chứng cứ. Trong việc xét xử, vi bằng của Thừa phát lại là một nguồn chứng cứ để tòa án xem xét, quyết định.
Không có thời hiệu cho vi bằng. Vi bằng được lập và được đăng ký thì có giá trị chứng cứ tại thời điểm được đăng ký và nếu không bị hủy bởi Tòa án thì nó không bị mất giá trị.

Câu 8: Tôi cũng mới nghe nói về thừa phát lại nhưng cũng không hiểu sử dụng nó vào việc gì, luật sư có thể cho biết giá trị pháp lý của vi bằng do Thừa phát lại cấp là gì, nó có thể thay thế văn bản công chứng hay không?

Trả lời:

Như tôi đã trình bày ở trên, giá trị pháp lý của vi bằng do Thừa phát lại lập là:

1. Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án.

2. Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, vi bằng không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực.

Câu 9: Trong trường hợp chúng tôi yêu cầu lập vi bằng nhưng sau đó vi bằng đó không được tòa án công nhận là chứng cứ thì chúng tôi có được lấy lại khoản phí đã nộp cho văn phòng thừa phát lại không?

Trả lời:

Điều 5 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP có quy định về nhiệm vụ của thừa phát lại như sau:

“Trung thực, khách quan khi thực hiện công việc; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; quy chế tổ chức, hoạt động và đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện công việc của mình”.

Đồng thời theo quy định tại Điều 7 Nghị định này thì chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại phải được ghi nhận trong hợp đồng giữa văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu.

Như vậy, vấn đề giải quyết trường hợp này như thế nào còn tùy thuộc cả vào việc thỏa thuận trog hợp đồng giữa 2 bên.

Câu 10: Gia đình tôi có nhu cầu bán một ngôi nhà trên diện tích đất được thừa kế, xin hỏi là chúng tôi có thể nhờ thừa phát lại đến lập vi bằng để làm bằng chứng không? Chúng tôi ở Hưng Yên thì có thể yêu cầu văn phòng thừa phát lại ở nơi khác thực hiện không?

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định 135/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại: “Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.”

“Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, Vi bằng do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi dùng làm chứng cứ, trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp.

Mà đối với giao dịch về nhà ở, Luật nhà ở 2014 đã quy định tại Khoản 1 Điều 122 “Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”. Do vậy, vi bằng do Thừa phát lại lập, trong trường hợp của bạn không dùng làm chứng cứ để ghi nhận giao dịch mua bán căn nhà, mà có chăng chỉ để ghi lại việc giữa các bên có giao nhận tiền. Vì vậy, thiết nghĩ bạn cần phải công chứng hợp đồng mua bán nhà ở này.

Câu 11: “Gia đình tôi chỉ có giấy tờ nhà đất trước giải phóng do chính quyền cũ cấp nên cơ quan công chứng và chính quyền địa phương từ chối chứng thực di chúc, vậy chúng tôi có thể nhờ thừa phát lại lập vi bằng được không?”.

Trả lời:

Theo Điều 624 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Nhắc đến lập “Di chúc” ẳn hẳn nhiều người chưa quen với việc này nhiều tình huống khi qua đời việc phân chia tài sản thừa kế có thể nảy sinh mâu thuẫn khó có thể lường trước được. Tuy nhiên, khi đã lập xong di chúc rồi thì có cần cần bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực không? Câu trả lời nằm tại Điều 635 Bộ luật dân sự năm 2015: “Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc”. Nói cách khác đối với di chúc không bắt buộc phải công chứng hay chứng thực, nhưng nếu muốn ghi nhận hành vi lập di chúc của mình nhằm đảm bảo an toàn về mặt pháp lý sau này chúng ta có thể tìm tới Thừa phát lại. Họ sẽ tiến hành lập vi bằng và vi bằng chính là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước Tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.

Như vậy, chúng ta có thể lựa chọn lập vi bằng để đảm bảo an toàn về mặt pháp lý và phòng tránh được tối đa các rủi ro khi có tranh chấp xảy ra. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, giá trị của vi bằng ghi nhận sự việc lập di chúc không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực mà vi bằng có giá trị chứng cứ trước Tòa và các quan hệ pháp lý khác, dùng để chứng minh sự thể hiện ý chí thông qua việc lập di chúc làm cơ sở để các bên tuân thủ, bảo đảm nguyện vọng của người lập di chúc được thực hiện đúng hoặc là cơ sở để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra mà thôi.

Câu 12: Bạn Danh Bắc ở Vĩnh Phúc có hỏi: Trước đây tôi có mua 1 căn nhà nhưng vì lý do căn nhà thuộc trường hợp không được cấp giấy tờ chứng minh quyền sử dụng theo quy định pháp luật nên chủ cũ và tôi chỉ lập vi bằng khi 2 bên tiến hành việc mua bán. Hiện giờ, tôi muốn bán căn nhà đó thì có bán được không cũng như thủ tục giấy tờ như thế nào?

Trả lời:

Hợp đồng mua bán nhà ở theo quy định của Luật nhà ở năm 2014 bắt buộc phải được công chứng, vì vậy nên trong trường hợp của bạn, vi bằng sẽ không thể thay thế được văn bản công chứng, xuất phát từ sự khác biệt giữa vi bằng và văn bản công chứng như tôi đã phân tích phần đầu chương trình. Vì không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở nên việc công chứng cũng không thể thực hiện được. Như vậy, với tình trạng hiện giờ, việc bán căn nhà của bạn đang gặp những khó khăn nhất định về mặt pháp lý. Do đó, theo tôi, bạn cần phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trước khi thực hiện việc mua bán căn nhà.

Câu 13: Như phần đầu chương trình chúng ta đã trao đổi, một trong những thẩm quyền của thừa phát lại là được phép “trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án”, trong khi văn phòng thừa phát lại không phải đơn vị sự nghiệp nhà nước mà là tổ chức hành nghề do một hoặc nhiều cá nhân là thừa phát lại đề nghị thành lập. Như vậy thừa phát lại có thể thay nhân viên thi hành án không ? có xảy ra sự cạnh tranh giữa thừa phát lại và thi hành án không thưa luật sư?

Trả lời:

Thừa phát lại và Chấp hành viên là hai chủ thể độc lập, thừa phát lại không thể thay thế Chấp hành viên. Trước hết, đúng là thừa phát lại có thể trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án, tuy nhiên, thừa phát lại không đương nhiên có quyền này. Thừa phát lại chỉ trực tiếp thi hành khi có yêu cầu của đương sự. Như vậy, nếu không có yêu cầu của đương sự, thẩm quyền thi hành án mặc định sẽ thuộc về cơ quan thi hành án và chấp hành viên.

Câu 14: Trong trường hợp người bị cưỡng chế không thi hành yêu cầu của thừa phát lại thì thừa phát lại có quyền xử phạt hành chính người dân về hành vi cản trở thi hành án không?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định:

“2. Khi thực hiện công việc về thi hành án dân sự, Thừa phát lại có quyền như Chấp hành viên quy định tại Điều 20 của Luật thi hành án dân sự, trừ khoản 9, khoản 10 và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Riêng việc cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng bảo vệ, áp dụng quy định tại Điều 40 của Nghị định này”.

Như vậy, theo quy định trên thừ phát lại sẽ không có quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Hơn nữa, xử phạt vi phạm hành chính là hành vi hành chính, thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chỉ có cơ quan nhà nước mới có quyền xử phạt vi phạm hành chính. Thừa phát lại bản chất như đã nói ở trên là doanh nghiệp, do đó, thừa phát lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với công dân.

Câu 15: Với kinh nghiệm hành nghề luật và quá trình tư vấn cho các cá nhân, tổ chức, theo ông, việc thực hiện vi bằng của thừa phát lại có lợi ích gì cho các cá nhân, tổ chức đó?

Trả lời:

Theo qui định của pháp luật, duy nhất chỉ có Văn phòng Thừa phát lại được giao quyền thực hiện lập vi bằng. Việc xác lập Vi bằng đối với các hành vi, sự kiện nên nó có phạm vi rất rộng và phong phú, diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi (kèm theo hình ảnh, băng ghi âm, ghi hình và các tài liệu chứng minh khác) được dùng làm chứng cứ để Toà án xét xử khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch pháp lý khác theo quy định của pháp luật.

Vi bằng chứng thực các sự kiện, hành vi xảy ra do Thừa phát lại lập theo yêu cầu, thỏa thuận của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Lập vi bằng nhằm tạo lập, bổ sung nguồn chứng cứ bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi bị xâm phạm trong quan hệ dân sự.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan